Phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tỉnh Lào Cai 2019, ngày 20/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh về tiềm năng, lợi thế của địa phương này mà không phải địa phương nào cũng có được, đặc biệt là dịch vụ du lịch. Lào Cai, tỉnh biên giới phía Bắc với 25 dân tộc anh em cùng chung sống. Nơi đây cảnh sắc tuyệt đẹp với núi rừng, sông suối, có phố núi Sa Pa cuốn hút và những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ.
Du khách nước ngoài khám phá vẻ đẹp khác lạ của miền núi phía Bắc Việt Nam.
Thủ tướng cũng lưu ý, chúng ta đã thành công với nhiều dự án du lịch, phát triển kinh tế - xã hội vùng duyên hải, nhưng với du lịch miền núi thì vẫn chưa nhiều thành tựu trong khi tiềm năng du lịch ở đây rất lớn. “Tôi nhấn mạnh rằng vẻ đẹp của tự nhiên là thứ tài nguyên không thể bị xấu đi hay bị cạn kiệt chỉ do sự nhìn ngắm và thưởng ngoạn của con người trừ khi có sự phá hoại vô ý thức và cách quản lý không tốt của chúng ta mà ngược lại, nó càng trở nên đẹp hơn, quý giá hơn nếu ta biết tận dụng nó”-Thủ tướng nói đồng thời nhấn mạnh, Lào Cai phải hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững chứ không để du lịch phát triển hơn mà người dân nghèo đi.
Vấn đề phát triển du lịch trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ tướng đặt ra với Lào Cai cũng là đặt ra với tất cả các địa phương, trong đó có các tỉnh miền núi. Du lịch của đất nước đang trên đà tăng trưởng cao, lượng khách du lịch tăng mạnh theo từng năm, du khách nước ngoài đến với Việt Nam ngày một đông hơn. Việt Nam là đất nước đa dạng về địa hình, thiên nhiên tươi đẹp nhiều màu sắc. Đất nước có đường bờ biển dài từ Bắc tới Nam, những cánh đồng phì nhiêu, những dải núi trùng điệp. Địa phương nào cũng có danh lam thắng cảnh, địa phương nào cũng có những sắc màu văn hóa độc đáo. Con người Việt Nam thân thiện, chân tình… Tất cả những điều đó tạo nên sự cuốn hút khó cưỡng và cũng chính là tiền đề quan trọng để phát triển du lịch.
Những năm qua, trong đà tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch, một số địa phương đã bứt phá để trở thành những điểm đến không chỉ với người trong nước mà còn với bè bạn quốc tế. Bản đồ du lịch thế giới ghi tên Việt Nam, trong đó những cái tên như Hạ Long, Phong Nha-Kẻ Bàng, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Vũng Tàu, Côn Đảo, Phú Quốc… đã trở nên quen thuộc.
Nhưng trong sự phát triển mạnh mẽ ấy, cũng còn những điều băn khoăn, những bất cập cần sớm dỡ bỏ để phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn. Một trong những tồn tại chính là vấn đề được Thủ tướng đặt ra: Phát triển du lịch bền vững chứ không phải phát triển du lịch mạnh mà người dân lại nghèo đi.
Điều tưởng như nghịch lý ấy trên thực tế vẫn tồn tại. Khi một điểm du lịch nào đó được tập trung đầu tư thì trước hết nhà đầu tư tìm kiếm được lợi nhuận, kế đó là địa phương cũng tăng nguồn thu. Một bộ phận người dân xung quanh điểm du lịch đó có công ăn việc làm mới, có thêm thu nhập. Nhưng, vấn đề là với số đông người dân tại khu du lịch, liệu họ có thực sự khá giả lên nhờ du lịch địa phương mình phát triển? Chưa có một thống kê xã hội học cụ thể nào trả lời câu hỏi ấy, nhưng thực tế cho thấy khi phát triển đường sá, xây dựng nhà cửa… phục vụ du lịch thì đất sản xuất cũng sẽ ít đi. Nhiều người sẽ không có đất sản xuất, phải chuyển đổi nghề. Tuy nhiên, sự thích ứng với phương thức mưu sinh mới không bao giờ là dễ dàng. Người dân cần được chuẩn bị tâm thế, kĩ năng, kiến thức để thuần thục với nghề nghiệp mới, mà điều đó không phải ai cũng có được.
Tận dụng lợi thế tiềm năng để làm du lịch là đúng, nhưng cũng cần chú ý dến quyền lợi lâu dài của người dân trong vùng. Họ không chỉ là những người “ngoại vi” của du lịch khi chỉ làm những công việc phục vụ giản đơn, hay là bán những mặt hàng tự làm với giá trị kinh tế thấp, mà họ cũng phải được hưởng lợi khi du lịch địa phương mình phát triển. Ở đây, bài toán lợi nhuận cần phải được phân chia công bằng, chí ít là cho 3 đối tượng: Nhà đầu tư - chính quyền địa phương - người dân trong vùng. Chỉ có như vậy du lịch mới phát triển bền vững và người dân mới không bị tụt lại phía sau. Điều này có thể lấy thêm một dẫn chứng khi một số nơi khi làm du lịch đã ngăn cả đường xuống biển của người dân, tạo nên bức xúc, đẩy mâu thuẫn tới chỗ gay gắt.
Một vấn đề nữa cũng không thể không nói, đó là phát triển du lịch cân bằng cùng việc giữ gìn môi trường cũng như nền tảng văn hóa bản địa. Nói điều này vì rằng thực tế cho thấy không ít nơi khi du lịch phát triển thì môi trường bị xâm hại, cùng đó những gì thuộc về bản sắc văn hóa bản địa cũng mau chóng biến mất. Nhà hàng ăn, nơi vui chơi giải trí, khu mua sắm mọc lên dày đặc thì những gì từng tồn tại và được tôn vinh hàng ngàn năm cũng trôi chìm vào dĩ vãng. Có chăng, nó lại xuất hiện dưới một lớp vỏ mới: Phục dựng theo kiểu sân khấu hóa trò nọ tích kia nhưng chỉ có nhung tuyết bên ngoài mà đâu còn hồn cốt bên trong…