Xã hội

Phát triển giao thông xanh: Thay đổi từ thói quen di chuyển

H.Hương 21/07/2025 10:45

Giới chuyên gia cho rằng, khi xe máy xăng không còn được lưu thông trong khu vực vành đai 1 từ ngày 1/7/2026, người dân có thể lựa chọn xe buýt, xe đạp hoặc các phương tiện công cộng khác phù hợp với điều kiện đi lại của mình.

Cần chính sách hỗ trợ tài chính cụ thể

Ông Nguyễn Anh Quân - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường (NNMT) Hà Nội, cho biết, hệ thống quan trắc và các công cụ đánh giá cho thấy mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội do các phương tiện giao thông dùng nhiên liệu hóa thạch chiếm trên 50%. Do vậy Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng không khí tại các đô thị lớn mang tính cấp bách, kịp thời.

ảnh trên
Phát triển giao thông xanh là xu hướng tất yếu. Ảnh: M.Hoa

Với việc cấm xe chạy nhiên liệu hoá thạch (xe chạy bằng xăng – PV) khu vực trong vành đai 1 từ năm 2026 tại Hà Nội, giới chuyên gia cho rằng, điều quan trọng nhất là thay đổi thói quen của người dân đã hình thành từ rất lâu trong xã hội. Đây là một thách thức lớn, nhưng không phải là điều không thể vượt qua. Nếu có cách tiếp cận hợp lý, truyền thông hiệu quả và hạ tầng tốt, người dân sẽ từng bước thay đổi hành vi tiêu dùng và thói quen sử dụng phương tiện cá nhân theo hướng bền vững hơn.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng - Giám đốc Whatcar Việt Nam, admin Cộng đồng OTO+ nói: Trong giai đoạn chuyển đổi này, cần có các chính sách hỗ trợ tài chính cụ thể, như trợ giá, miễn giảm thuế, ưu đãi vay vốn, hoặc hỗ trợ hạ tầng sạc điện để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận xe máy điện dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần thực hiện vai trò điều phối, quản lý và định hướng phát triển giao thông hiệu quả, đảm bảo việc chuyển đổi không làm gián đoạn nhu cầu đi lại chính đáng của người dân.

Ngoài ra, ông Thắng kỳ vọng sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ và các doanh nghiệp (DN) là điều then chốt để triển khai các giải pháp đồng bộ và hiệu quả. DN có thể đóng vai trò trong đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất xe xanh, đầu tư hạ tầng sạc điện, trong khi Nhà nước thiết kế các cơ chế khuyến khích phù hợp và kiểm soát chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

"Để thực hiện thành công chủ trương hạn chế phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, không chỉ tập trung vào khía cạnh kỹ thuật hay hạ tầng, mà còn phải chú trọng đến khía cạnh xã hội, hành vi và tâm lý người tiêu dùng. Nếu làm được điều đó, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng một hệ thống giao thông bền vững, văn minh và thân thiện với môi trường" - ông Thắng nói.

Phát triển đồng bộ mạng lưới giao thông

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, tại dự thảo Nghị quyết về chuyển đổi phương tiện xanh và phát triển hệ thống trạm sạc đang lấy ý kiến các sở, ngành, có một số chính sách được đề xuất như: Hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho cá nhân là chủ sở hữu xe môtô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu xăng hoặc diesel (được đăng ký trước thời điểm Nghị quyết có hiệu lực) tại các vùng phát thải thấp, khi chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh có giá trị từ 15 triệu đồng trở lên. Mức hỗ trợ tối đa là 3 triệu đồng/xe; đối với hộ cận nghèo là 4 triệu đồng/xe và hộ nghèo là 5 triệu đồng/xe. Mỗi cá nhân được hỗ trợ 1 xe đến hết năm 2030.

Thành phố cũng hỗ trợ vay vốn ưu đãi với mức lãi suất 3-5%/năm, hạn mức 100% giá trị hợp đồng vay và thời gian vay không quá 5 năm. Đối tượng bao gồm các đơn vị dịch vụ công ích, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách (trừ xe buýt) và hàng hóa khi đầu tư, mua sắm phương tiện giao thông xanh, cũng như các DN đầu tư cơ sở thu hồi, tái chế xe cũ.

TS Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhìn nhận chính sách hỗ trợ kinh tế và tài chính là rất cần thiết, nhất là trong giai đoạn đầu chuyển đổi, nhằm giảm bớt áp lực chi phí ban đầu cho người dân.

Cũng theo ông Tạo, đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp, Hà Nội cần có các cơ chế hỗ trợ riêng biệt. Chẳng hạn như cho vay ưu đãi mua xe điện, giảm thuế trước bạ, hoặc trợ giá khi chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện – để đảm bảo tính công bằng và không tạo ra rào cản tiếp cận.

Ngoài ra, một vấn đề nữa không thể bỏ qua là dịch vụ hậu mãi cho xe điện, bao gồm bảo hành và sửa chữa. Hiện nay, đây là mối lo ngại của nhiều hộ gia đình, bởi nếu không có hệ thống dịch vụ hậu cần đồng bộ, người dân sẽ chần chừ trong quyết định chuyển đổi.

Do đó, cần phát triển đồng bộ mạng lưới bảo dưỡng, sửa chữa xe điện, đặc biệt ở các quận, huyện ngoại thành, cũng cần được đặt ra một cách nghiêm túc.

"Cuối cùng, rất cần sự hợp tác và liên kết vùng. Việc chuyển đổi phương tiện tại Hà Nội sẽ không đạt hiệu quả nếu các tỉnh, thành lân cận không cùng đồng hành. Do đó, Hà Nội cần phối hợp với các địa phương khác để xây dựng một hệ sinh thái giao thông điện hóa thống nhất, từ hạ tầng sạc đến quy hoạch giao thông, để tránh tình trạng cục bộ, gây ùn tắc hoặc phân mảnh về chính sách" - ông Tạo đề xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển giao thông xanh: Thay đổi từ thói quen di chuyển