Phát triển hạ tầng giao thông vùng Tây Nguyên

Trà Vân 18/06/2016 08:00

Nằm trong khuôn khổ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 của quốc gia, 5 tỉnh vùng Tây Nguyên gồm: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng đã xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và đã được Bộ GTVT phê duyệt với tổng nguồn vốn dự kiến huy động hơn 115.000 tỷ đồng.

Với nguồn vốn này, các tỉnh tiếp tục đầu tư, nâng cấp, xây dựng các quốc lộ, đường tỉnh huyết mạch có nhu cầu vận tải lớn, đặc biệt các trục dọc, trục ngang nối các tỉnh trong vùng và nối vùng Tây Nguyên với vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, cũng như nối tới các cửa khẩu quan trọng. Cùng với đó là triển khai đầu tư đường cao tốc Dầu Giây-Liên Khương, phát triển hợp lý hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, xây dựng các tuyến đường tránh đô thị Gia Nghĩa (Đắk Nông), Pleiku (Gia Lai), Buôn Hồ (Đắk Lắk) và Bảo Lộc (Lâm Đồng).

Đồng thời, mở rộng và nâng cấp các tuyến đường tỉnh lộ ở từng địa phương có tính chất kết nối vùng và các đường tỉnh khác, cũng như phát triển mạnh hệ thống giao thông nông thôn của các địa phương (đường huyện, đường đến trung tâm xã, đường trục chính của xã, các tuyến đường khác).

Tiếp tục thực hiện tốt Đề án xây dựng cầu dân sinh, bảo đảm an toàn giao thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên với số lượng làm mới và nâng cấp 468 cầu, gồm 398 cầu cứng và 70 cầu treo.

Tại các địa phương có đường hàng không: Thực hiện tốt các giải pháp đẩy mạnh việc đầu tư, sửa chữa, nâng cấp các cảng hàng không, sân bay để bảo đảm khai thác đồng bộ các kết cấu hạ tầng hàng không trong khu vực Tây Nguyên; trong đó có 4 dự án trọng điểm xây dựng, sửa chữa mặt đường hạ cất cánh, đường lăn, sân đỗ cảng hàng không tại sân bay Buôn Ma Thuột và Liên Khương; xây dựng mới nhà ga hành khách cảng hàng không Pleiku và đầu tư xây dựng mới sân bay Kon Tum và nghiên cứu kết nối vận tải hàng không quốc tế.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, kết cấu hạ tầng vùng nói chung, giao thông nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ, kém tính kết nối, hiện vẫn là điểm “nghẽn” của quá trình phát triển, vẫn chưa được đầu tư tương xứng với tiềm năng, lợi thế cũng như mục tiêu, yêu cầu phát triển, thiếu tính đa dạng; các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài như ODA, FDI chưa nhiều…

Mới đây nhất, theo thông báo kết luận của Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên tại Hội nghị tổng kết 5 năm công tác đầu tư phát triển hạ tầng giao thông và vận tải vùng Tây Nguyên, trong thời gian tới, cụ thể giai đoạn 2016-2020 sẽ tập trung vào 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để Tây Nguyên phát triển toàn diện, bền vững. Trong đó có giải pháp tiếp tục phát triển mạng lưới giao thông đường bộ, lấy đường Hồ Chí Minh làm trục chính, phát triển các trục đường ngang; nghiên cứu khai thác giao thông đường thủy nội địa tại các đoạn sông Sê San, Sêrêpốk và các hồ nước do các đập thủy điện tạo ra…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển hạ tầng giao thông vùng Tây Nguyên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO