Ngày 9/9, tại Hà Nội, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Trung tâm Nghiên cứu Kháng kháng sinh (Viện truyền nhiễm quốc gia, Nhật Bản) đã chính thức ký Biên bản ghi nhớ hợp tác về Phát triển hệ thống Giám sát kháng kháng sinh tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia y tế, tại Việt Nam đã ghi nhận vi khuẩn đa kháng kháng phổ rộng và toàn kháng kháng sinh. Ảnh: TL.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, kháng kháng sinh là mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng, đòi hỏi sự tham gia và phối hợp hành động giữa các quốc gia. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Tây-Thái Bình Dương đã phát triển và thông qua kế hoạch hành động quốc gia về kháng kháng sinh vào năm 2013. Hiện tại,Việt Nam đang thiết lập một mạng lưới giám sát kháng kháng sinh và phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia về giám sát kháng kháng sinh với hỗ trợ của một số đối tác quốc tế...
Theo Biên bản ghi nhớ hợp tác, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh sẽ phối hợp Trung tâm Nghiên cứu Kháng kháng sinh (Viện Truyền nhiễm Quốc gia, Nhật Bản) để phát triển hệ thống Giám sát kháng kháng sinh tại Việt Nam với mục tiêu chính là xây dựng cấu trúc giám sát bền vững thông qua phát triển một mô-đun phần mềm và khung hợp tác, hướng tới việc tạo ra báo cáo quốc gia về kháng kháng sinh và cung cấp thông tin phản hồi cho công tác kiểm soát nhiễm khuẩn Việt Nam nhằm cung cấp cho các bệnh viện hướng dẫn sử dụng hệ thống công nghệ thông tin; tạo một báo cáo quốc gia về kháng kháng sinh ở Việt Nam và báo cáo phản hồi về kháng kháng sinh cho các bệnh viện tham gia trong Hệ thống giám sát…
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ước tính có 700.000 người thiệt mạng hàng năm trên toàn thế giới do kháng thuốc; cho đến năm 2050, nếu không có can thiệp để kiểm soát kháng kháng sinh thì ước tính con số này sẽ tăng lên đến 10 triệu người thiệt mạng mỗi năm. Kháng kháng sinh được ghi nhận là một trong những mối đe dọa hàng đầu trên toàn cầu đối với sức khỏe con người trong thế kỷ 21 do sự lan rộng vi khuẩn kháng thuốc từ nước này sang nước khác.