Thực hiện chương trình giám sát năm 2016, Ban Thường trực UB MTTQ thành phố Hà Nội đã tiến hành giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TƯ của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) về phát triển khoa học, công nghệ tại một số cơ quan đơn vị trên địa bàn thành phố.
Nguồn nhân lực trẻ có trình độ, năng lực sẽ góp tạo động lực cho phát triển KHCN.
Theo đó, ban Thường trực Uỷ ban MTTQ thành phố Hà Nội phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố tổ chức Đoàn giám sát tại Viện Công nghiệp Thực phẩm, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội.
Kết quả giám sát tại Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội cho thấy, từ năm 2011-2015, Viện đã thực hiện 96 nhiệm vụ nghiên cứu bao gồm các dự án, đề tài, đề án, chuyên đề về kinh tế, văn hóa, xã hội và quản lý đô thị, trong đó tập trung vào những vấn đề nổi cộm, cấp thiết của thành phố. Viện đã tham mưu trực tiếp với lãnh đạo thành phố, thực hiện 3 đề tài, 5 chuyên đề liên quan đến lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân.
Theo TS Nguyễn Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển KTXH, mặc dù có chức năng nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và quản lý đô thị trên địa bàn thành phố, chuẩn bị luận cứ khoa học để UBND thành phố ban hành cơ chế, chính sách và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố tuy nhiên hiện đội ngũ cán bộ Viện còn mỏng, trẻ, ít chuyên gia đầu ngành. Hiện số Phó Giáo sư, tiến sỹ có kinh nghiệm nghiên cứu chỉ có 6 người (chiếm 8%), cán bộ nghiên cứu chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, trong khi cơ chế phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện còn hạn chế...
Từ thực tế trên Viện nghiên cứu phát triển KTXH kiến nghị Trung ương và thành phố cần có chính sách tháo gỡ những vướng mắc tạo đột phá cho khoa học và công nghệ.
Cụ thể về khoán chi theo Thông tư liên tịch số 27/2015/BKHCN-BTC có hiệu lực từ 15/2/2016 được đánh giá là đột phá của khoa học và công nghệ nhưng vẫn chưa thực giao quyền chủ động cho nhà khoa học có thể chuyên tâm nghiên cứu.
Hay như Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22/4/2015 hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước chưa có hướng dẫn cụ thể những đối tượng chuyên gia, nhà nghiên cứu không thuộc tổ chức thì được tham gia nghiên cứu khoa học tối đa bao nhiêu công trong 1 đề tài.
Viện trưởng Nguyễn Hồng Sơn kiến nghị với Trung ương có hướng dẫn cụ thể về khoán sản phẩm cuối cùng, cụ thể hóa Luật Khoa học công nghệ, kiến nghị với Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội tham mưu cho thành phố ban hành văn bản quy phạm pháp luật và có giải pháp thực hiện cơ chế chính sách nhằm tạo môi trường thông thoáng, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động khoa học công nghệ, tiếp tục cải cách, nâng cao quy trình xét chọn các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học…
Những vướng mắc khó khăn trong quá trình nghiên cứu đưa khoa học công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân cũng được Viện Công nghiệp thực phẩm (Bộ Công thương) kiến nghị với Đoàn giám sát.
Theo Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm Lê Đức Mạnh những chính sách đãi ngộ đối với các nhà khoa học chưa được thể hiện. Cơ chế quản lý khoa học và công nghệ thiếu đồng bộ, chồng chéo gây khó khăn không ít cho các nhà khoa học, đặc biệt là cơ chế quản lý tài chính. Sự quan tâm của doanh nghiệp trong ứng dụng khoa học và công nghệ trong việc nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm của doanh nghiệp còn ít sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, chưa có nguồn nguyên liệu tập trung để bảo quản và chế biến ở quy mô công nghiệp…
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh những kiến nghị của các cơ quan đơn vị được sẽ được Đoàn giám sát tập hợp, phân tích kiến nghị với Nhà nước để việc thực hiện Luật Khoa học công nghệ được tốt hơn, hiệu quả hơn trong cuộc sống.