Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13, sáng nay, Quốc hội đã thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam. Nhiều ý kiến đề nghị rằng, rất cần thiết có Bộ Luật hàng hải trong điều kiện các nước đang vươn ra biển. Tuy nhiên, tạo điều kiện phát triển kinh tế biển cũng phải gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền trên biển.
ĐB Chu Sơn Hà đề nghị xây dựng luật tạo điều kiện
cho kinh tế biển phát triển nhưng cũng gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền
Thu hút nhà đầu tư xây dựng cảng biển
Về cơ bản các ĐB đồng tình với dự thảo Luật nhằm phát huy vai trò ngành hàng hải đối với phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn mới.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, hệ thống cảng biển của Việt Nam chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thậm chí còn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu hàng hóa xuất nhập khẩu trong nước. ĐB Nguyễn Phi Thường (TP. Hà Nội) bình luận: Cho đến nay, chúng ta chưa có một cảng nước sâu đúng nghĩa. Toàn bộ container Việt Nam đi Châu Âu, Châu Mỹ đều phải trung chuyển qua Singapore hoặc Hồng Kông. Việc này làm tăng chi phí vận chuyển, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa dịch vụ, cần xây dựng cảng nước sâu cỡ lớn. Tuy nhiên, ĐB Thường cũng cho biết, nếu đầu tư cho cảng biển cũng có những thách thức về vốn và hiệu suất khai thác. Vì vậy, cần thiết phải thu hút các nhà đầu tư cho khu vực cảng biển để nâng cao hiệu quả của khu vực này.
Đồng quan điểm ĐBQH tỉnh Bắc Giang Hoàng Thị Hoa đề nghị “sửa đổi bộ luật hàng hải lần này theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ mới cho ngành hàng hải Việt Nam phát triển. Nhà nước cần đầu tư quản lý những vị trí cảng biển có vị trí quan trọng và lĩnh vực liên quan đến an ninh, an toàn hàng hải hoặc những ngành theo phân khúc thị trường mà doanh nghiệp không đầu tư. Đồng thời, liên kết vùng miền trong cả nước và giữa giao thông thủy nội địa, sắt, bộ, hàng không nhằm phát huy tối đa lợi thế hàng hải Việt Nam nhằm phục vụ đắc lực phát triển kinh tế, giữ vững chủ quyền và hợp tác quốc tế trong giai đoạn hiện nay”.
Còn ĐB Nguyễn Viết Nhiên, (Hải Phòng) đề nghị: Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm một chương riêng quy định về vấn đề đăng kiểm; cho phép hoạt động, quản lý các loại phương tiện, thiết bị đặc thù, kết cấu nổi, chuyên dùng. Vì nhóm đối tượng này có những đặc thù về hoạt động, các đặc tính không giống như những tàu biển thông thường nên việc áp dụng các quy định giành cho tàu biển thì sẽ không phù hợp”.
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước với ngành hàng hải
ĐBQH Chu Sơn Hà (TP Hà Nội) trong thảo luận đã đề nghị: Để tạo điều kiện cho ngành hàng hải Việt Nam phát triển, cần phải củng cố địa vị pháp lý và xắp xếp lại tổ chức hợp lý để nâng cao vai trò của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải, đồng thời phải coi trọng, duy trì bảo đảm an ninh quốc phòng, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải đi đôi với đáp ứng yêu cầu tự do hàng hải theo quy định của Hiến pháp, góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển. Về trách nhiệm quản lý nhà nước về hàng hải theo ĐB Chu Sơn Hà cũng chưa rõ. Để đáp ứng yêu cầu, ĐB đề nghị nâng cấp cơ quan giúp Bộ GTVT thực thi quản lý chuyên ngành hàng hải hiện nay là Cục Hàng hải Việt Nam lên thành Tổng cục Hàng hải Việt Nam vì đây là ngành quan trọng trong tương lai.
Đồng quan điểm ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, đây là bộ luật rất quan trọng thuộc lĩnh vực tư pháp quốc tế. Trong khi đó, đội ngũ luật sư, luật gia của ta tuy nhiều nhưng ít người am hiểu về lĩnh vực này. Vì vậy, muốn hoàn thiện luật này phải bổ sung thêm những quy định mà thông lệ quốc tế đã áp dụng mà ta chưa có vào trong luật. Tóm lại, phải sửa đổi, bổ sung một số điều luật để có bộ luật thể hiện tính hội nhập cao nhưng cũng giúp phát huy kinh tế biển Việt Nam.
Về chính sách phát triển nguồn nhân lực trong dự thảo bộ Luật đã nêu tiêu chuẩn thuyền trưởng, thuyền viên và một số quy định về các chế độ làm việc, tuy nhiên, theo ĐB Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang) đề nghị, cần có cơ chế chính sách phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực biển. Bởi trên thực tế việc tuyển dụng, đào tạo nhân lực cho ngành hàng hải gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê tính đến năm 2013, đội ngũ sĩ quan, thuyền viên được cấp chứng chỉ để làm việc trên tàu biển là trên 31 nghìn người, nhưng hiện nay chỉ có 13.200 thuyền viên còn làm việc. Vì vậy, sửa đổi Bộ Luật cần quan tâm thiết kế các điều nhằm tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực cho ngành hàng hải Việt Nam một các toàn diện.
Trước tình trạng vụ tai nạn hàng hải xảy ra, một số ý kiến đề nghị cần đưa thêm một chương quy định về quy tắc tránh va, hệ thống báo hiệu hàng hải… Đồng thời, Luật cần tạo hàng lang pháp lý một số vấn đề bức xúc phát sinh trong thực tiễn như tình trạng tồn đọng hàng ngàn container rác thải công nghiệp từ nước ngoài vào Việt Nam dưới dạng tạm nhập, tái xuất tại các cảng gây ô nhiễm môi trường, chiếm dụng kho bãi… mà chưa thể xử lý do thiếu hành lang chính sách. Đồng thời, là tình trạng các hãng tàu áp đặt thu gần 70 loại phụ phí theo cước vận tải biển với doanh nghiệp Việt Nam mà không có sự kiểm soát của bất kỳ cơ quan quản lý nhà nước nào.