Phát triển năng lượng tái tạo là lời giải cho bài toán phát triển năng lượng quốc gia một cách bền vững. Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt của các dự án điện mặt trời thời gian qua tại nhiều địa phương lại đang bộc lộ mặt trái, thậm chí phá vỡ quy hoạch dẫn đến rủi ro.
Với lợi thế về địa hình, có lượng ánh nắng mặt trời lớn, Tây Nguyên đang trở thành điểm đến của các nhà đầu tư nguồn năng lượng tái tạo, chủ yếu là các dự án điện mặt trời mái nhà. Chỉ trong vòng 11 tháng của năm 2020, hàng loạt công trình điện mặt trời áp mái đã mọc lên như nấm tại nhiều tỉnh Tây Nguyên. Tại Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai... thời điểm này, các dự án điện mặt trời mái nhà đan xen dày đặc, cho thấy sức hút của loại hình năng lượng tái tạo này lớn đến mức nào.
Quá tải các dự án năng lượng tái tạo
Tuy nhiên, sự phát triển một cách ồ ạt của các dự án năng lượng tái tạo đang bộc lộ những mặt trái. Theo chia sẻ của một DN kinh doanh loại hình này, chỉ trong vòng 4 tháng, từ tháng 9 đến tháng 12/2020, nhà máy liên tục phải cắt giảm công suất vì lý do đường dây quá tải, nhu cầu giảm. Thực tế này dẫn đến những tổn thất nặng nề cho hoạt động của DN. Nhiều nhà máy năng lượng tái tạo cũng cho biết, thời gian qua, nhà máy bị yêu cầu cắt giảm thời gian phát điện nhiều giờ, khiến doanh nghiệp bị tổn thất sản lượng điện lên tới gần 20MWh.
Thực trạng cắt giảm công suất các dự án năng lượng tái tạo đã được giới chuyên gia cảnh báo khi chứng kiến hàng loạt các dự án năng lượng tái tạo, nhất là các dự án điện mặt trời áp mái mọc lên tới tấp tại các địa phương.
Ông Nguyễn Đức Ninh - Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) cho biết, điện mặt trời áp mái tăng trưởng một cách đột biến, tháng 6/2020 cả nước có 6.000 MWp nhưng tháng 12/2020 đạt 10.000 MWp. Chỉ riêng trong vòng một tuần cuối năm 2020 có thêm 3.000 - 4000 MWp.
Trong năm 2020, ước sản lượng điện mặt trời tiết giảm không khai thác khoảng 365 triệu Kwh, chủ yếu trên 300 triệu Kwh không khai thác được do quá tải lưới nội vùng ở miền Trung, Ninh Thuận, Bình Thuận. Tính hết năm 2020 đã có 20 lần cắt giảm, mỗi ngày cắt giảm 2,3 giờ.
Theo tính toán, trong năm 2021 sẽ phải cắt giảm điện năng lượng tái tạo khoảng 1,3 tỷ Kwh, trong đó có khoảng hơn 500 triệu Kwh do vấn đề thừa nguồn, cao điểm trưa và quá tải đường dây 500 kw từ miền Trung ra miền Bắc. Thực tế, trong những ngày đầu năm 2021 đã liên tục cắt giảm năng lượng tái tạo do phụ tải thấp.
Nhiều nhà đầu tư than vãn, thực tế này ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch phát điện cũng như doanh thu của DN, và không chỉ gây thiệt hại về kinh tế của các dự án mà còn làm nản lòng các nhà đầu tư.
Giới chuyên gia trong ngành cũng nhận định, thực trạng này một lần nữa bộc lộ những bất cập trong vấn đề quy hoạch năng lượng quốc gia. Bởi trên thực tế, cũng cần phải đặt câu hỏi: Tại sao các chủ đầu tư lại có thể phát triển một cách ồ ạt các dự án năng lượng tái tạo, đầu tư một cách tràn lan dẫn đến hệ luỵ quá tải của toàn hệ thống? Rõ ràng, câu trả lời dành cho các địa phương khi đã quá dễ dãi dẫn đến tình trạng bị phá vỡ quy hoạch.
Cần đột phá tư duy quy hoạch
Liên quan đến Quy hoạch tổng thể về Năng lượng quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn 2050 đang được Bộ Công thương lấy ý kiến, mới đây Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) đã gửi Thư kiến nghị góp ý cho bản Quy hoạch này.
Đây là một bản dự thảo quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức trong việc đảm bảo nguồn cung năng lượng đáp ứng đủ cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước. Nêu quan điểm của mình, chuyên gia Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công thương nhấn mạnh “Tư duy về vấn đề làm quy hoạch chưa có thay đổi lớn, còn dựa vào nguồn năng lượng truyền thống, dẫn đến phải nhập khẩu nhiên liệu cao. Theo ông Lâm, trong Nghị quyết 55 đã nhấn mạnh phải tận dụng tối đa nguồn nhiên liệu sẵn có trong nước, nên cần phải xem lại câu chuyện nhập khẩu nhiên liệu.
Còn theo bà Ngụy Thị Khanh - Chủ tịch Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam, đây là quy hoạch tổng thể của ngành năng lượng quốc gia cho tương lai, nên tư duy trong Quy hoạch cần đột phá để theo kịp với mô hình Năng lượng hiện đại: Giảm phát thải, phi tập trung, chuyển đổi số và điện khí hóa. Trong khi đó, theo chuyên gia Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng nhà nước Việt Nam, tư duy của lập Quy hoạch vẫn còn mang tính chất của ngành năng lượng truyền thống, chủ yếu vẫn là nhập khẩu nhiên liệu, điều này không đúng với xu hướng của thế giới.
Trở lại với tình trạng các dự án điện mặt trời áp mái phát triển ồ ạt hiện nay, giới chuyên gia cho rằng, để đáp ứng nhu cầu phát triển của các dự án năng lượng tái tạo, ngoài chiến lược phát triển hệ thống lưới điện, Nhà nước cần có quy hoạch về tổng thể, không thể để quy hoạch thường xuyên bị phá vỡ và bám đuổi thực tế như hiện nay; quy hoạch phải có tầm nhìn rộng, ổn định.
Nhiều ý kiến cho rằng, nhà quản lý cần có chiến lược quy hoạch sơ đồ phát triển năng lượng tái tạo dài hạn; Ban hành quy định về đăng ký đầu tư mới các nhà máy điện cũng như điện mặt trời áp mái để quản lý công suất không làm quá tải đường dây làm ảnh hưởng các đơn vị phát điện khác. Trong đó đầu tư mới hoặc nâng cấp hệ thống truyền tải, đảm bảo giải tỏa hết công suất các đơn vị phát điện đã đăng ký.