Trong suốt quá thời gian thành lập, Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP HCM luôn thể hiện được vai trò tiên phong, đóng góp tích cực, nòng cốt cùng tăng ni, phật tử cả nước để hình thành, xây dựng và phát triển ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam.
Ngày 18/6, chương trình Đại hội đại biểu lần thứ X, nhiệm kỳ 2022-2027 Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam TP HCM đã diễn ra phiên chính thức.
Tham dự đại hội có ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM; đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Công an, TP HCM, Ban Tôn giáo Chính phủ, các đoàn Phật giáo Quốc tế và hơn 700 đại biểu...
Phát biểu tại đại hội, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu đánh giá, Phật giáo với triết lý nhân sinh vì hòa bình, nhân ái, vị tha và hòa hợp là nhân tố quan trọng góp phần nhân lên những giá trị tốt đẹp của nhân loại, vì một thế giới hòa bình, hợp tác và tiến bộ.
Theo ông Lê Tiến Châu, ngay từ buổi đầu mới được truyền vào nước ta, Phật giáo đã được các bậc Tổ sư tiền bối tiếp thu có chọn lọc, dựa trên các điều kiện cụ thể của nước nhà để hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh và tạo nên một đạo Phật gắn bó mật thiết trong lòng dân tộc.
Từ khi thành lập đến nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam với hơn 40 năm gắn bó, đồng hành cùng dân tộc trong phương châm: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, là tổ chức thành viên tích cực của MTTQ Việt Nam, bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong suốt quá trình đó, Thành hội Phật giáo TP HCM luôn thể hiện được vai trò tiên phong, đóng góp tích cực, nòng cốt cùng tăng ni, phật tử cả nước để hình thành, xây dựng và phát triển ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Thay mặt UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu trân trọng ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những đóng góp tích cực, tiêu biểu của toàn thể tăng ni, phật tử GHPG TP HCM trong nhiệm kỳ qua.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký cho rằng, đại hội đại biểu Phật giáo TP HCM diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa quan trọng, là thời điểm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang chung sức đồng lòng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới nhằm thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
“Đây là giai đoạn quan trọng phải phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo, tranh thủ thời cơ, đẩy lùi nguy cơ, thách thức để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, ông Lê Tiến Châu nhấn mạnh.
Báo cáo tại đại hội, Thượng tọa Thích Thiện Quý, đại diện Ban Trị sự GHPG Việt Nam TP HCM, 40 năm, 9 nhiệm kỳ qua với 3 vị lãnh đạo: Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hào và Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng.
Từ Ban Trị sự với 25 thành viên đảm trách 35 chức vụ (khóa I và II), Ban Đại diện 17 quận/huyện; đến nay Ban Trị sự có 12 Ban ngành chuyên môn; Phân ban Ni giới; Ban Trị sự TP Thủ Đức và 21 quận, huyện.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Trưởng ban Trị sự đương nhiệm, được Trung ương GHPG Việt Nam suy tôn vào ngôi vị Quyền Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, lãnh đạo tối cao về giới luật và đạo hạnh toàn quốc từ ngày 31/12/2021.
Năm 1982, TP HCM có hơn 1.000 tăng ni, đến nay (2022) Thành phố có 13.240 tăng ni, quản lý hành chánh 1.469 cơ sở tự viện và 12 điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung, 1.219 tự viện đã có quyết định bổ nhiệm trụ trì, trong đó Phật giáo Bắc tông: 1.334 cơ sở; Phật giáo Nam tông: 20 cơ sở (Nam tông Kinh: 18; Nam tông Khmer: 2); Tịnh xá: 57 cơ sở; tự viện Phật giáo người Hoa: 58 cơ sở; hơn 6 triệu tín đồ.
Từ năm 1997 đến nay, dưới sự lãnh đạo, điều hành của Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, trên 1.400 cơ sở tự viện, 15 điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung, gần 14.000 tăng ni, hơn 6.000.000 Phật tử, tín đồ và những người yêu mến đạo Phật, hàng nghìn đạo tràng với nhiều mô hình tu học, sinh hoạt Phật pháp… đã hoạt động ổn định và phát triển vững mạnh trong quy định của Giới luật, Giáo luật và Pháp luật hiện hành.
Bên cạnh đó, công tác chăm lo, chương trình an sinh xã hội, phong trào thi đua yêu nước, hướng về biển đảo quê hương, cứu trợ đồng bào bị thiên tai bão lũ khắp nơi, phòng chống dịch Covid-19… luôn được đồng hành cùng lãnh đạo Thành phố và Giáo hội Trung ương hàng năm với tổng số hiện kim thực hiện trên hàng nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, Phật giáo Thành phố còn chia sẻ, giúp đỡ những gia đình, cá nhân có hoàn cảnh khó khăn, các trẻ em mồ côi do ảnh hưởng dịch Covid-19. Theo ước tính sơ bộ, trong vòng 5 năm của nhiệm kỳ IX, Phật giáo TP đã thực hiện công tác từ thiện, an sinh xã hội với con số thống kê chưa đầy đủ đã vượt hơn 3.500 tỷ đồng.
Để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu tin tưởng tăng ni và đồng bào Phật giáo TP HCM đã, đang và sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp tích cực, thiết thực, hiệu quả hơn nữa trong các hoạt động Phật sự và thế sự trong nhiệm kỳ 2022-2027. Đó cũng chính là tiếp tục phát huy truyền thống "Hộ quốc an dân" và phương châm "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội" của Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ mới.
Ông Lê Tiến Châu cũng kỳ vọng các chức sắc, đồng bào Phật tử sẽ luôn đoàn kết, nhất tâm ghi nhớ và thực hiện tốt Thông điệp Phật đản năm 2022 của Trưởng lão hòa thượng Thích Trí Quảng, Quyền Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, rằng: “Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người đệ tử Phật cũng phải nêu cao đạo hạnh, nghiêm trì giới luật và tuân thủ pháp luật; đồng thời siêng năng thực hành giáo lý từ, bi, hỷ, xả để nuôi dưỡng thân tâm. Đó chính là nền tảng thực hiện trách nhiệm xã hội, xóa bỏ điều ác, hận thù, vô cảm trong xã hội. Đây cũng chính là tiền đề và là động lực để mỗi chúng ta thực hiện trách nhiệm xã hội của mình, cùng nhau xây dựng xã hội tốt đẹp hơn”.
Từ diễn đàn Đại hội, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký mong muốn các vị được suy tôn, suy cử vào Ban Chứng minh và Ban Trị sự GHPG Thành phố nhiệm kỳ này sẽ tiếp tục thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Chương trình hành động do MTTQ Việt Nam đề ra; thực hiện tốt trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân, đoàn kết hoà hợp giữa Phật giáo với các tôn giáo bạn và các tầng lớp nhân dân, chung tay xây dựng và phát triển đất nước và Thành phố mang tên Bác được phồn vinh, hạnh phúc, nghĩa tình.
Đại hội đã suy cử vào Ban Trị sự và Ban Thường trực GHPG Việt Nam TP HCM nhiệm kỳ mới bao gồm 101 vị. Trong đó, Hòa Thượng Thích Lệ Trang (64 tuổi) làm Trưởng Ban Trị sự, kiêm Trưởng Ban Tăng sự nhiệm kỳ 2022-2027.
Dịp này, được sự ủy quyền, ông Lê Tiến Châu, đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất của Chủ tịch nước cho Hòa thượng Thích Trí Quảng, Quyền Pháp chủ Hội đồng GHPG Việt Nam, nguyên Trưởng Ban Trị sự GHPG Việt Nam TP HCM.
Đồng thời các vị đại biểu là lãnh đạo các cơ quan Trung ương cũng đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho 1 cá nhân; Huân chương Lao động hạng Nhì có 3 cá nhân; Huân chương Lao động hạng Ba cho 2 cá nhân; Huân chương Đại Đoàn kết dân tộc cho 3 cá nhân; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 10 cá nhân; Bằng khen của UBTƯ MTTQ Việt Nam cho 17 cá nhân.
Ban tổ chức đại hội cũng đã trao ủng hộ cho Quỹ vì người nghèo TP HCM 5 tỷ đồng; Quỹ Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc TP HCM 5 tỷ đồng.