Một trong những yếu tố được đề cao trong chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 là phát triển nguồn nhân lực. Tuy nhiên, đảm bảo việc làm ổn định trong lĩnh vực văn hóa đang đứng trước những thách thức.
Thừa thầy, thiếu thợ
Hiện cả nước có 40 cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học lĩnh vực văn hóa nghệ thuật (VHNT), gồm 15 cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và 25 cơ sở đào tạo VHNT do các tỉnh/thành trực tiếp quản lý; 1 viện nghiên cứu có đào tạo tiến sĩ và khoảng 80 cơ sở đào tạo công lập, tư thục tham gia đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực VHNT. Có thể nói, với số lượng cơ sở đào tạo được trải dài rộng khắp trong cả nước, lực lượng tham gia vào quá trình phát triển VHNT đã có sự tăng trưởng cả về số lượng lẫn chất lượng. Tuy nhiên, kết quả thực hiện vẫn chưa đáp ứng với kỳ vọng, mục tiêu cũng như những yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn. Đặc biệt, số lượng nhân lực văn hóa chất lượng cao còn đang ở mức khiêm tốn.
Đơn cử như việc đào tạo sân khấu truyền thống, nhiều năm qua, Nhà hát Tuồng, Chèo, Cải lương... luôn không tuyển đủ chỉ tiêu số lượng diễn viên. Đó là chưa kể sự thâm hụt nguồn nhân lực khi nhiều diễn viên bỏ dở giữa chừng bởi câu chuyện “cơm áo, gạo tiền”. Hay Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội nhiều năm qua không đào tạo diễn viên tuồng vì không có học viên. Việc đào tạo diễn viên chèo, cải lương, múa rối cũng trong tình trạng không mấy khả quan. Đáng buồn hơn, các môn biểu diễn nhạc cụ như tỳ bà, sáo... tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội nhiều năm qua luôn trong tình trạng không có người theo học.
Theo đại diện một số trường, tình trạng thí sinh dự thi vào các ngành nghệ thuật ngày càng có xu hướng giảm. Có nhiều nguyên nhân khiến học sinh không lựa chọn các khối ngành đào tạo nghệ thuật. Trong đó, ngoài nguyên nhân học xong khó kiếm việc làm thì hiện nay đang có xu hướng học sinh xem các ngành khối nghệ thuật là một kỹ năng chứ không phải là một nghề, nên nhiều em tự trang bị, bồi dưỡng năng khiếu ở các cơ sở đào tạo bên ngoài nhà trường.
PGS.TS Nguyễn Đình Thi - Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cho biết, đối với các ngành mang tính đặc thù cao như ngành nghệ thuật truyền thống, trong quá trình theo học sẽ được hưởng một số chế độ đặc thù, nhưng thực tế học viên khi tốt nghiệp về các nhà hát lại rơi vào cảnh kinh phí bồi dưỡng eo hẹp, không có biên chế. Trường xuống tận địa phương tuyển trung cấp chèo, tuồng; rất nhiều thí sinh có năng khiếu nhưng gia đình không cho theo học. Bởi học rồi cũng chẳng để làm gì.
Đầu tư chưa bao giờ là rẻ
Có thể nói, dù đã có các chiến lược, nghị định… phát triển nguồn nhân lực văn hóa, nhưng câu chuyện giữa cung và cầu vẫn đang vướng phải trở ngại cố hữu đó là biên chế. Thực tế hiện nay, nhiều nhà hát, đơn vị nghệ thuật biểu diễn dù muốn tuyển dụng, bổ sung các gương mặt, tài năng mới nhưng các chế độ đãi ngộ như hiện nay lại đang làm khó chính các đơn vị. Theo chia sẻ của nhiều diễn viên trẻ đang công tác tại đơn vị sân khấu công lập, thu nhập hàng tháng hiện nay chỉ dao động từ 3 - 4 triệu đồng.
Không chỉ câu chuyện nhân lực ở các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, đội ngũ quản lý văn hóa đặc biệt tại các địa phương cũng đang ở tình trạng “1 người đóng nhiều vai”. Hiện nay ở nhiều xã, phường, thị trấn không bố trí được cán bộ văn hóa - xã hội chuyên trách. Ở một số địa phương, cán bộ văn hóa phải đảm trách nhiều đầu việc, từ quản lý di tích, nếp sống văn minh đến phong trào văn hóa... Có những địa phương do địa bàn rộng, phức tạp, đội ngũ cán bộ mỏng, lương và phụ cấp thấp nên gặp nhiều áp lực. Vì thiếu cán bộ văn hóa có chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng nên không ít địa phương phải bố trí cán bộ thuộc các ngành nghề, lĩnh vực khác kiêm nhiệm, phụ trách, dẫn đến hiệu quả công việc không cao, xử lý tình huống còn lúng túng, thiếu chuyên nghiệp.
Để tìm hướng phát triển nguồn nhân lực văn hóa đúng và trúng, TS Trần Hữu Sơn - Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng cho rằng, trước hết, khâu tuyển chọn nhân tài phải được bắt đầu từ các trường cấp cơ sở, các nhà văn hóa cấp cơ sở. Khi lựa chọn đào tạo phải có cơ chế chính sách đặc thù với những tài năng này. Chẳng hạn như cấp học bổng; tăng chất lượng, chế độ sinh hoạt phí; ngoài năng khiếu, cần phải đào tạo văn hóa, đặc biệt là ngoại ngữ. Đến khi trưởng thành phải cho họ cơ sở làm nghề đủ tốt để vừa cống hiến vừa đủ sống với nghề. Trong số tài năng đó, có thể chọn một vài tài năng đặc biệt gửi đi nước ngoài đào tạo tại các trung tâm đào tạo hàng đầu thế giới.
Cũng theo ông Sơn, các cơ quan quản lý văn hóa cần xây dựng chính sách sử dụng cán bộ văn hóa hợp lý, phù hợp với chuyên môn, trình độ ở tất cả các cấp quản lý. Đồng thời hoàn thiện chế độ, chính sách đãi ngộ đặc thù đối với trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân như chế độ đào tạo, lương thưởng, hỗ trợ đào tạo nghệ thuật khó, hiếm, đỉnh cao, nghệ thuật truyền thống.
“Phải xác định ngay từ đầu rằng, đầu tư cho tài năng VHNT chưa bao giờ là rẻ! Tài năng phải được mạnh dạn đầu tư. Nhưng chiến lược đầu tư đối với đội ngũ nhân lực này cần có mục tiêu, cơ chế rõ ràng trong chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng người có tài năng” - ông Sơn bày tỏ.