Mới đây, tại lễ bàn giao sản phẩm dự án “Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam giai đoạn 2021-2030’’ do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ không hoàn lại cho Việt Nam thông qua Tổ chức Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), ông Bùi Xuân Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, Chương trình phát triển nhà ở xã hội được Chính phủ đặc biệt quan tâm và người dân đánh giá cao, đồng tình, ủng hộ, tuy nhiên, kết quả vẫn còn nhiều hạn chế.
Thực tế nhiều năm qua cho thấy, việc phát triển nhà ở xã hội là chủ trương hợp lòng dân, phù hợp hoàn cảnh những hộ khó khăn về nhà ở, cán bộ, công nhân viên làm việc ở các đô thị nhưng không đủ tiền để mua nhà thương mại.
Cùng với việc mua nhà ở xã hội là việc người dân có thể được vay tiền mua nhà với lãi suất ưu đãi, được trả góp kéo dài trong nhiều năm, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều hộ gia đình thu nhập thấp có cơ hội mua nhà, ổn định cuộc sống.
Ðể thực hiện mục tiêu nêu trên, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách cụ thể để phát triển nhà ở xã hội, trong đó có các quy định về hỗ trợ, ưu đãi để tạo điều kiện thông thoáng cho các đơn vị tham gia đầu tư nhà ở xã hội như: hưởng chính sách về miễn, giảm tiền sử dụng đất; miễn, giảm một số các loại thuế; trợ giúp đầu tư hạ tầng của khu vực cho dự án phát triển nhà ở xã hội… Ðối với người mua, đã có chính sách hỗ trợ lãi suất, thời gian trả tiền vay kéo dài nhiều năm… Ðến nay, cả nước đã xây dựng được 5,2 triệu m2 nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp.
Tuy nhiên, đến nay, việc phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp trên cả nước mới chỉ đạt khoảng 42% so với mục tiêu đã đề ra. Có 2 nhóm nguyên nhân chủ yếu là: thiếu quỹ đất sạch để triển khai dự án và thiếu nguồn lực về tài chính, tín dụng để phát triển nhà ở xã hội - ông Dũng cho hay.
Theo ông Dũng, dân số khu vực thành thị được dự báo tiếp tục tăng nhanh và đạt 47,25 triệu người, chiếm khoảng 44,45% dân số vào năm 2030 và khi đó Việt Nam được dự báo sẽ có 1 đô thị trên 10 triệu dân, 1 đô thị từ 5-10 triệu dân và 4 đô thị từ 1-5 triệu dân.
Việc đô thị hóa nhanh tuy có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội nhưng sức ép gia tăng dân số cũng kéo theo một số hệ lụy; trong đó có áp lực về nhà ở không đáp ứng kịp nhu cầu của người dân sống tại đô thị, đặc biệt là nhu cầu của người thu nhập thấp.
Để đầu tư, phát triển nhà ở xã hội đảm bảo mục tiêu, yêu cầu, từ năm 2018, Bộ Xây dựng và KOICA đã hợp tác thực hiện dự án “Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030”. Dự án nhằm nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, khảo sát thực tế của Việt Nam để đề xuất cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội phù hợp với tình hình thực tiễn, xu hướng phát triển của Việt Nam giai đoạn 2021-2030; giải quyết tốt vấn đề nhà ở xã hội trong thời gian tới.
Đến nay, dự án đã đi vào giai đoạn cuối. Nhiều sáng kiến, đề xuất của dự án đã được Bộ Xây dựng nghiên cứu, tham khảo vận dụng trong việc xây dựng chính sách nhà ở xã hội.
Đáng chú ý là đề xuất về quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; cải cách thủ tục mua, thuê nhà ở xã hội; hoàn thiện quy định về ưu đãi, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội. Điều này được thể hiện ngay trong Nghị định số 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Ông Cho, Han Deog - Giám đốc Quốc gia Văn phòng KOICA Việt Nam chia sẻ: Mục tiêu đặt ra là ổn định giá nhà, tăng quỹ nhà ở xã hội và giúp những người có thu nhập hạn chế được cải thiện chỗ ở.
Về vấn đề này, ông Kim Youin, Tùy viên xây dựng - giao thông - Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng, dự án đã triển khai một cách khá toàn diện. Từ việc đề xuất phương án cải tiến, thúc đẩy nguồn cung, tín dụng cho lĩnh vực nhà ở... cho đến việc cải thiện môi trường nhà ở. Đối tượng chính sách hướng tới chính là công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất - những người lao động đang rất cần chỗ ở ổn định và cả người thu nhập thấp tại các đô thị.
Theo ông Kim Youin, các chính sách liên quan đến phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội cần có thời gian thực hiện lâu dài và có lộ trình cụ thể. Chính phủ Việt Nam đã rất quan tâm đến vấn đề này và thời gian tới cần thêm sự đồng hành của cả các địa phương, doanh nghiệp, người dân hưởng ứng tham gia.
Đối với các đối tượng không có khả năng về tài chính như người thu nhập thấp tại đô thị và công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất thì Nhà nước cần có cơ chế, chính sách để giúp họ tiếp cận mô hình nhà ở xã hội phù hợp.