Chiều ngày 16/9, Hội nghị cấp Bộ trưởng Lao động và Bộ trưởng Giáo dục ASEAN với chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực trong thế giới công việc đang thay đổi” diễn ra tại hơn 70 điểm cầu trong khu vực.
Tại đầu cầu Hà Nội, Hội nghị có sự tham gia và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ và đại diện nhiều Bộ, ngành, tổ chức trong và ngoài nước.
Hội nghị cấp Bộ trưởng Lao động và Giáo dục ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực trong một thế giới công việc đang đổi thay được coi là một trong những điểm nhấn quan trọng trong năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam. Đây là một sự kiện đặc biệt, bởi đây là lần đầu tiên một hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN được tổ chức với sự tham dự của cả các Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực lao động và Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực giáo dục của các nước thành viên ASEAN.
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng Lao động và Bộ trưởng Giáo dục các nước ASEAN đều khẳng định, đầu tư phát triển nguồn nhân lực không chỉ là đào tạo mới và đào tạo lại mà còn là công nhận và tận dụng nhân lực có trình độ đã qua đào tạo. Cộng đồng kinh tế ASEAN đã thống nhất ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau về lao động kỹ năng ở tất cả các trình độ.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Chúng ta đều biết phát triển nguồn nhân lực là một trong ba ưu tiên hàng đầu của cộng đồng ASEAN và đã được ghi trong Hiến chương ASEAN. Đã có rất nhiều hoạt động nhiều sáng kiến rất cụ thể, có thể kể ra rất nhiều như việc xây dựng khung tham chiếu trình độ ASEAN; các sáng kiến tạo ra các không gian giáo dục đại học để sinh viên giữa các nước có thể qua lại với nhau đặc biệt việc ra mắt Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp là một minh chứng rất cụ thể và những nỗ lực như vậy cần được chúng ta tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ liên tục để có thể thực hiện thành công tuyên bố ASEAN về phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất mới và của xã hội tương lai.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN chính thức ra mắt; với mục đích cải thiện cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là cải thiện kỹ năng kỹ thuật số để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cho nhóm yếu thế.