Nông nghiệp Việt Nam luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, góp phần ổn định chính trị-xã hội.
Bên cạnh đó nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế như: quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, công nghệ sản xuất lạc hậu nên năng suất chưa cao, chất lượng nông sản không đồng đều. Đáng lưu ý, phần lớn nông sản của Việt Nam xuất khẩu mới chỉ ở dạng thô, sơ chế nên giá trị gia tăng thấp; nhiều loại nông, lâm, thủy sản chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế.
Ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật mới là một trong những xu hướng tất yếu để nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản. Nông nghiệp công nghệ cao (CNC) được xem là nền nông nghiệp áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất, như các nghiên cứu phát triển giống mới, các giống biến đổi gene kháng sâu bệnh, công nghệ tưới tiêu tiên tiến, công nghệ tiết kiệm đất…; quản lý và tổ chức sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhiên theo TS. Nguyễn Anh Phong- giám đốc Trung tâm Thông tin NN&PTNT (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn), tính đến tháng 12-2015, cả nước có 34 khu nông nghiệp ứng dụng CNC đã và đang được quy hoạch xây dựng tại 19 tỉnh thuộc 7 vùng kinh tế. Ngoài ra, một số địa phương cũng phát triển các khu/cụm nông nghiệp CNC mà chưa kịp đăng ký hoặc công bố chính thức (ví dụ như Bình Định).
Điều đáng nói, con số khu nông nghiệp CNC vốn đã khiêm tốn nhưng chỉ có 3 khu hoạt động hiệu quả (TP HCM, An Thái (Bình Dương) và Suối Dầu (Khánh Hòa); 3 khu chưa phát huy hiệu quả (Sơn La, Hà Nội và Hải Phòng) và 1 khu trong tình trạng không đạt hiệu quả (Phú Yên).
Trên thực tế, cho đến thời điểm này, tổng dư nợ cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mới đạt 32.339 tỷ đồng với 4.125 khách hàng còn dư nợ. Lý giải việc triển khai cho vay đối với nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch còn nhiều khó khăn, ông Nguyễn Quốc Hùng - vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp và họ có “cái lý của mình” khi số lượng các dự án nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch hiện nay chưa nhiều, thiếu các dự án có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, hiệu quả, được đầu tư bài bản; sản xuất nông nghiệp CNC là một lĩnh vực mới, chưa có tiền lệ, vì vậy tiềm ẩn rủi ro khi triển khai, trong khi lại thiếu các công cụ phòng ngừa rủi ro, nhất là chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp. Đó là chưa kể, các ngân hàng còn khó khăn trong việc xác định dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo các tiêu chí của Bộ NN&PTNT ban hành theo Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN do không có đơn vị đứng ra xác nhận dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.
Tham gia làm nông nghiệp hữu cơ nhiều năm, ông Nguyễn Ngọc Can- HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Bắc Sơn (Kim Bôi - Hòa Bình) cho rằng, nếu đối chiếu theo các quy định để được hưởng chính sách hỗ trợ dành cho DN ứng dụng nông nghiệp CNC thì đơn vị của ông khó đạt được vì điều kiện sản xuất ở các địa phương miền núi gặp nhiều khó khăn về hạ tầng, giao thông, nguồn vốn. Vì vậy, ông Can kiến nghị, các chính sách cần được cụ thể hóa hơn, phù hợp với từng vùng miền để đảm bảo tính khả thi cao. Có như vậy việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao được mở rộng đem lại hiệu quả kinh tế cao.