Phẫu thuật bằng robot trong công cuộc chống dịch Covid-19

P.Vân (tổng hợp) 05/01/2021 09:12

Việc sử dụng những robot như vậy là để giảm thiểu sự tiếp xúc giữa người với người và đảm bảo làm sạch, khử trùng và hỗ trợ trong bệnh viện và các cơ sở y tế.

Ứng dụng phẫu thuật bằng robot mang lại nhiều lợi ích cả cho đội ngũ y tế và người bệnh.

Theo Sức khỏe đời sống, BS. Lê Nguyên cho biết phẫu thuật bằng robot được đánh giá là bước tiến trong kỹ thuật mổ ít xâm lấn, mang lại hiệu quả cao, mở đầu cho xu hướng tiếp cận công nghệ 4.0 trong lĩnh vực y tế.

Việc ứng dụng những hệ thống robot hiện đại nhất thế giới tại các cơ sở y tế thời gian qua không những nâng tầm y học của nước nhà mà còn mở ra cơ hội cho người bệnh được điều trị hiệu quả, với chi phí chỉ bằng 1/10 so với ra nước ngoài phẫu thuật.

Một số loại hình robot ứng dụng trong bệnh viện

Việc sử dụng những robot như vậy là để giảm thiểu sự tiếp xúc giữa người với người và đảm bảo làm sạch, khử trùng và hỗ trợ trong bệnh viện và các cơ sở y tế. Điều này sẽ giúp giảm thiểu các mối đe dọa đến tính mạng đối với các nhân viên y tế và bác sĩ, đóng vai trò tích cực trong việc quản lý sự lây nhiễm trong môi trường bệnh viện, điển hình như đại dịch Covid-19.

Robot không chỉ giúp các bác sĩ cũng như nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ phức tạp và chính xác mà còn làm giảm khối lượng công việc của họ, do đó, về tổng thể robot sẽ giúp nâng cao hiệu quả của các cơ sở y tế.

Tính đến thời điểm hiện nay, đã có 12 loại hình robot khác nhau có thể ứng dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, bao gồm: robot lễ tân, robot điều dưỡng (trong khu vực bệnh viện), robot cứu thương, robot tư vấn sức khỏe từ xa, robot phục vụ trong bệnh viện, robot làm vệ sinh, robot phun xịt thuốc khử trùng, robot phẫu thuật, robot xạ trị, robot phục hồi chức năng, robot thực phẩm và robot giao hàng ngoài trời.

Xu hướng phát triển tất yếu

Hiện nay, robot phẫu thuật đã phát triển thế hệ thứ 4 với 4 cánh tay phẫu thuật, camera thông minh, góc phẫu thuật rộng 540 độ (trên hình ảnh 3D). Với góc phẫu thuật này, không cánh tay người nào có thể thực hiện được, nhờ đó robot có khả năng phẫu thuật ở những vị trí khó. Không như phẫu thuật nội soi thông thường, robot có thể di chuyển tự do ở 6 góc độ và vận động tinh vi như hoặc hơn cổ tay của bác sĩ phẫu thuật.

Việc phẫu thuật bằng robot đã khắc phục được những hạn chế của phẫu thuật nội soi. Nhờ hình ảnh không gian 3 chiều mà phẫu thuật viên có thể quan sát sâu hơn và chính xác hơn so với hình ảnh không gian 2 chiều của phẫu thuật nội soi quy ước. Cử động tay của phẫu thuật viên sẽ theo chiều thật của dụng cụ chứ không phải ngược lại như nội soi. Robot còn giảm được tác động run của tay.

Đặc biệt các dụng cụ của robot có các khớp di động linh hoạt giúp cho việc thực hiện các động tác khâu nối dễ dàng. Robot giúp thực hiện các động tác đòi hỏi phải quay ngược cổ tay 180 độ như trong tạo hình bể thận niệu quản. Động tác này hầu như không thực hiện được bằng phẫu thuật nội soi.

Các dụng cụ phẫu thuật do robot điều khiển có khả năng luồn lách vào các khoang nhỏ nhất một cách linh hoạt, chính xác. Vì vậy, phương pháp này đặc biệt hữu ích trong mổ nạo vét hạch khi mổ các khối ung thư ổ bụng hay lồng ngực.

Ngoài ra, phương pháp phẫu thuật bằng robot còn giúp phẫu thuật viên đỡ tốn sức hơn nhiều so với mổ nội soi kinh điển.

Lợi ích nhiều mặt

Các bệnh lý có thể chỉ định phẫu thuật robot hiện nay được sử dụng hầu hết ở các lĩnh vực như: Bệnh phình đại tràng bẩm sinh, không hậu môn. Bệnh u nang ống mật chủ; Bệnh thận ứ nước do hẹp phần nối bể thận niệu quản; Điều trị teo đường mật; Điều trị trào ngược dạ dày - thực quản, cắt lách;... Điều trị một số bệnh về lồng ngực: cắt thùy phổi, lấy các khối u trung thất... Phẫu thuật tiêu hóa, sản phụ khoa, điều trị ung thư, tim mạch...

Lợi ích của phẫu thuật robot: Thời gian nằm viện ngắn hơn. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân ít bị đau hơn. Ít nguy hiểm vì ít nhiễm trùng hơn. Ít mất máu nên cũng không cần phải truyền máu. Đường mổ nhỏ mang lại tính thẩm mỹ cao. Quá trình hồi phục các hoạt động thường ngày nhanh hơn...

Do có khả năng kết nối với máy tính nên điều rất quan trọng là phẫu thuật nội soi robot sẽ giúp thực hiện khả năng phẫu thuật từ xa (telesurgery), khi phẫu thuật viên từ khoảng cách rất xa vẫn có thể phẫu thuật được cho bệnh nhân. Điều này mở ra những khả năng ứng dụng lớn trong tương lai như trong các thảm họa thiên tai, chiến tranh, phẫu thuật cho bệnh nhân ở các hải đảo hay các khu vực địa lý xa xôi, thậm chí trên tàu thủy, vũ trụ...

Việt Nam là nước thứ 2 ở châu Á và là nước đầu tiên ở Đông Nam Á ứng dụng công nghệ phẫu thuật robot. Năm 2012, BV Việt Đức là đơn vị đầu tiên triển khai ứng dụng robot định vị chính xác trong phẫu thuật cột sống. Kế đến là các BV Nhi Trung ương, BV Bạch Mai, BV Bình Dân, BV Chợ Rẫy, trong đó BV Bình Dân đã được Bộ Y tế phê duyệt gồm 14 bệnh có thể ứng dụng robot trong phẫu thuật bao gồm: ung thư tuyến tiền liệt; cắt bàng quang tận gốc; cắt thận bán phần, toàn phần; tạo hình khúc nối bể thận - niệu quản; điều trị sa sinh dục; tạo hình bàng quang bằng ruột; ung thư dạ dày; ung thư đại trực tràng; ung thư gan; nang ống mật chủ; ung thư tụy; ung thư đường mật ngoài gan; ung thư phổi; u trung thất.

Robot phòng chống Covid-19 sẽ xuất hiện tại VIIE 2021

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết tại buổi họp báo giới thiệu Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021 và khởi công dự án xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, diễn ra sáng 29/12/2020.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết: Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021 (VIIE 2021) sẽ diễn ra vào ngày 9 và 10/1/2021. Triển lãm sẽ có hơn 150 gian hàng giới thiệu, trưng bày, trình diễn các giải pháp, ý tưởng, sản phẩm công nghệ đổi mới sáng tạo đến từ các chủ thể của hệ sinh thái đối mới sáng tạo.

Nhiều giải pháp, sản phẩm công nghệ ấn tượng sẽ được giới thiệu tại triển lãm, trong đó tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm như: Nhà máy thông minh (tay máy trợ lực hỗ trợ vởi tỷ trọng nâng 300kg; Robot vận chuyển hàng trong xưởng; Turbine điện gió ngoài khơi); Đô thị thông minh (giải pháp giám sát và phát cảnh báo sớm cho tài xế ứng dụng công nghệ AI nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông; giải pháp tòa nhà thông minh; giải pháp công nghệ thông minh cho trường học; máy bay không người lái hỗ trợ tìm kiếm cứu trợ cứu nạn; camera AI; Công nghệ số (chip 5G sản xuất tại Việt Nam; giải pháp ngân hàng số, thanh toán số; trung tâm trải nghiệm số); Công nghệ môi trường và nông nghiệp (giải pháp máy bay nông nghiệp) và một số giải pháp, sản phẩm sáng tạo khác phục vụ cộng đồng như công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường; hệ thống thay thế chức năng giao tiếp cho người bị tổn thương chức năng vận động, robot phòng chống Covid.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phẫu thuật bằng robot trong công cuộc chống dịch Covid-19