Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách 20.176 thôn đặc biệt khó khăn, 1.935 xã khu vực III, 2.018 xã khu vực II và 1.313 xã khu vực I của 51 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020.
Các tỉnh có nhiều thôn đặc biệt khó khăn như: Sơn La 1.708 thôn; Cao Bằng 1.598 thôn; Hà Giang 1.408 thôn; Nghệ An 1.175 thôn; Điện Biên 1.146 thôn; Lạng Sơn 1.125 thôn; Lào Cai 1.007 thôn;..
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có thay đổi, hiệu chỉnh tên thôn, tên xã, tên huyện trong danh sách, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc xem xét, quyết định điều chỉnh trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo Quyết định 50/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn là thôn có 1 trong 2 tiêu chí sau: 1. Tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 65% trở lên (trong đó tỷ lệ hộ nghèo từ 35% trở lên) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020. 2. Tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 55% trở lên (các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long từ 30% trở lên) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 và có 2 trong 3 yếu tố sau (đối với các thôn có số hộ dân tộc thiểu số từ 80% trở lên, cần có 1 trong 3 yếu tố): Trục chính đường giao thông thôn hoặc liên thôn chưa được cứng hóa theo tiêu chí nông thôn mới; từ 60% trở lên số phòng học cho lớp mẫu giáo chưa được kiên cố; chưa có Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi xác định theo 3 khu vực Xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi được xác định theo ba khu vực: Xã khu vực III là xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; xã khu vực II là xã có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn nhưng đã tạm thời ổn định; xã khu vực I là các xã còn lại. Xã khu vực III là xã có ít nhất 2 trong 3 tiêu chí sau: 1. Số thôn đặc biệt khó khăn còn từ 35% trở lên (tiêu chí bắt buộc); 2. Tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 65% trở lên (trong đó tỷ lệ hộ nghèo từ 35% trở lên) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020; 3. Tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 55% trở lên (các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, khu vực đồng bằng sông Cửu Long từ 30% trở lên) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 và có ít nhất 3 trong 6 điều kiện sau (đối với xã có số hộ dân tộc thiểu số từ 60% trở lên, cần có ít nhất 2 trong 6 điều kiện): - Trục chính đường giao thông đến Ủy ban nhân dân xã hoặc đường liên xã chưa được nhựa hóa, bê tông hóa theo tiêu chí nông thôn mới. - Trường mầm non, trường tiểu học hoặc trường trung học cơ sở chưa đạt chuẩn quốc gia theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. - Chưa đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã theo quy định của Bộ Y tế. - Chưa có Trung tâm Văn hóa, Thể thao xã theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. - Còn từ 20% số hộ trở lên chưa có nước sinh hoạt hợp vệ sinh. - Còn từ 40% số hộ trở lên chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh theo quy định của Bộ Y tế. Xã khu vực II là xã có 1 trong 3 tiêu chí sau: 1. Tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 55% trở lên (các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long từ 30% trở lên) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 và có không đủ 3 trong 6 điều kiện (đối với xã có số hộ dân tộc thiểu số từ 60% trở lên, có không đủ 2 trong 6 điều kiện) quy định tại (3) nêu trên. 2. Tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 15% đến dưới 55% (các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, khu vực đồng bằng sông Cửu Long từ 15% đến dưới 30%) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020; 3. Tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo dưới 15% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 và có ít nhất một thôn đặc biệt khó khăn. Tiêu chí xã khu vực I là các xã còn lại thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi không phải xã khu vực III và xã khu vực II. |