Sau một thời gian “án binh, bất động” bởi dịch Covid-19, điện ảnh Việt Nam đang có màn “ra quân” mạnh mẽ tại các cụm rạp trong những ngày đầu Xuân. Đây cũng là phép thử cho phim Việt Nam khi phải cạnh tranh với hàng loạt các sản phẩm “bom tấn” của nước ngoài.
Không còn lép vế
Theo thông tin từ các cụm rạp, trong những ngày đầu Xuân có 6 bộ phim Việt Nam ra mắt trong dịp này, gồm: “Bẫy ngọt ngào”, “1990”, “Nhà không bán”, “Chìa khoá trăm tỷ”, “Mưu kế thượng lưu” và “Chuyện ma gần nhà”. Trong thời gian tới cũng sẽ có khoảng gần 20 bộ phim Việt Nam ra rạp như “Người tình, “Kẻ đào mồ”, “Mai ka - Cô bé đến từ hành tinh khác”, “Sơn tinh - Thuỷ tinh”, “Số đỏ”, “Em và Trịnh”. “Thanh Sói”…
Cùng với một số bộ phim đã ra mắt trước đó như “Trạng Tí phiêu lưu ký”, “Rừng thế mạng”… điện ảnh Việt Nam đang có sự “ra quân” mạnh mẽ, tạo nên không khí đầy hứng khởi từ các nhà sản xuất cho đến khán giả.
Trong thời gian này, hàng loạt các sản phẩm “bom tấn” của nước ngoài cũng được công chiếu như “Fast & Furious 9: Huyền thoại tốc độ”, “Người nhện: Không có nhà”, “Đấu trường âm nhạc 2”, “Án mạng trên sông Nile”…
Thế nhưng, theo thống kê mới nhất Box office Viet Nam thì cuộc cạnh tranh về doanh thu, suất chiếu, vé bán ra hiện nay lại đang đến với các bộ phim của Việt Nam, khi liên tục thay nhau chiếm các vị trí cao nhất.
Trong đó, “Chuyện ma gần nhà” đạt doanh thu hơn 53 tỷ, “Bẫy ngọt ngào” thu được hơn 30 tỷ, “Chìa khóa trăm tỷ” chỉ sau 10 ngày công chiếu đã đạt 68 tỷ và đang tiếp tục tăng nhanh…
Đạo diễn bộ phim “Chuyện ma gần nhà” Trần Hữu Tấn chia sẻ: Việc bộ phim nhận được nhiều thành tích chứng tỏ rằng khán giả vẫn yêu thương và ủng hộ phim Việt. Hiệu ứng truyền miệng đã giúp bộ phim đạt được doanh thu cao và đã tên phim cũng trở thành từ khóa được tìm nổi bật trên Google.
Đặc biệt thành công này đến từ thể loại kinh dị vốn dĩ không phải thể loại dành cho khán giả đại chúng, càng cho thấy tiềm năng của dòng phim này. Với tất cả tín hiệu lạc quan đó, tôi tin rằng thị trường sẽ sớm hồi phục như thời điểm trước dịch.
Cũng theo đạo diễn, bộ phim đến với khán giả bằng sự chân thành và hoàn toàn không sử dụng các chiêu trò. Bộ phim được thành công là nhờ đầu tư công sức, tiền của rất lớn, đặc biệt cho phần kỹ xảo hình ảnh các bạn đã thấy trên phim. Đó là tâm huyết của những nhà làm phim chỉ muốn tập trung vào chất lượng sản phẩm.
Vượt khó đi lên
Có thể nói, dù phải chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 cả về tiến độ làm phim cũng như phải “hồi hộp” đợi ngày các cụm rạp được mở lại, điện ảnh Việt đang cho thấy sự khởi sắc. Cho dù, nếu xét về doanh thu thì các bộ phim điện ảnh Việt vừa ra mắt vẫn còn thua xa các sản phẩm “trăm tỷ” trước đây.
Nguyên nhân một phần do các rạp chiếu phim hạn chế số lượng khán giả cũng như tâm lý còn “e dè” của người xem khi Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, nhiều bộ phim sau khi công chiếu dễ dàng bị khán giả “bắt lỗi” bởi những “hạt sạn” không đáng có.
Đơn cử như bộ phim “1990” được quảng bá rầm rộ nhưng nhận về đa số phản hồi tiêu cực. Phim dù không bị xếp vào hàng “thảm hoạ” nhưng bị chê là rời rạc, không cân xứng về diễn xuất và nội dung vừa ôm đồm, vừa hời hợt.
Tuy nhiên, sức hút của cả ba diễn viên nổi tiếng là Nhã Phương, Diễm My, Lan Ngọc cũng đủ để phim mang về hơn 20 tỷ doanh thu trong đợt chiếu Tết. Hay như bộ phim “Mưu kế thượng lưu” cũng không đạt được doanh thu như mong muốn, thậm chí bị khán giả quay lưng…
Nhìn nhận về các bộ phim Việt ra rạp trong thời gian qua, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm cho rằng, các tác phẩm đã đánh trúng tâm lý hiếu kỳ của khán giả.
Dẫn chứng về thành công của bộ phim “Chuyện ma gần nhà”, nhà phê bình Lê Hồng Lâm cho rằng, những chuyện ma, truyền thuyết ly kỳ trong phim luôn hấp dẫn với công chúng. Do đó, khi đạo diễn khai thác những đề tài này, họ giống như đã bắt trúng mỏ vàng chứa đầy khao khát của khán giả với các câu chuyện ma ly kỳ.
Nhưng bộ phim cũng có rất hiều “hạt sạn” như cách kể chuyện vừa tham lam vừa vụng về, cách xử lý đường dây câu chuyện thiếu sự xuyên suốt. Logic tâm lý nhân vật thiếu nhất quán, hoặc đôi khi bất chấp logic, khiến việc thưởng thức các bộ phim này đều rơi vào trạng thái lơ lửng nửa vời.
Hay như bộ phim “Bẫy ngọt ngào” mang đến cho khán giả tính giải trí cao khi tái hiện lại đời sống của giới thượng lưu, giới giải trí lên phim rất hào nhoáng và bắt mắt. Tuy nhiên, bộ phim cũng bộc lộ nhiều yếu điểm khi cuốn vào các tình tiết kịch tính.
Bên cạnh đó, cách phát triển kịch bản khuôn mẫu và xây dựng nhân vật dễ dãi đó cũng khiến bộ phim đánh mất một lợi thế…
Nhiều chuyên gia văn hóa chia sẻ, các bộ phim Việt ra rạp luôn phải đối mặt với vô vàn áp lực. Thậm chí có bộ phim dù đạt doanh thu hàng trăm tỷ cũng gặp phải “búa rìu” từ dư luận. Nhưng không thể phủ nhật sự nỗ lực của các nhà làm phim Việt trong việc dám nghĩ, dám làm, dám cạnh tranh và cả dám chấp nhận thất bại. Đây cũng là một phép thử cho các đoàn làm phim trong bối cảnh dịch bệnh, thiếu kịch bản thuần Việt và một môi trường điện ảnh đang ngày càng phát triển ở Việt Nam.