Phí đè "trĩu vai' doanh nghiệp xuất nhập khẩu

Duy Phương 10/09/2015 10:10

Nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu cho biết, sở dĩ các DN trong nước khó có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, một phần vì họ phải gánh quá nhiều loại phí, phụ phí. Theo tính toán của các DN xuất nhập khẩu, chỉ tính riêng tiền phí và phụ phí bị các hãng tàu nước ngoài áp đặt, các DN Việt Nam đã phải chi tới 29.000 tỷ đồng mỗi năm.

Ảnh: Hoàng Long.

Hàng chục ngàn tỷ đồng phụ phí mỗi năm

Vấn đề phí và phụ phí đang là gánh nặng khiến cho các DN xuất khẩu của Việt Nam khó có thể có đủ sức khỏe để cạnh tranh với hàng hóa của các nước khác. Chỉ tính sơ sơ, mỗi DN xuất khẩu hiện đang gánh trên vai hàng chục các loại phí như phí dịch vụ container (THC), phí mất cân đối container (CIC), phí vệ sinh container, phí đặt cược container (đối với hàng đông lạnh), phí tắc nghẽn cảng (PCS)… Đó còn chưa kể đến những loại phí “trời ơi” như phí hóa đơn, phí lưu kho bãi, phí cầu đường, phí giao hàng lẻ theo container...

“Vô vàn các loại phí này đang khiến cho các DN muốn “khỏe cũng không khỏe được” – đó là nhận định của ông Nguyễn Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA) khi trao đổi với Đại Đoàn Kết. Theo ông Nguyễn Sơn, không những tồn tại quá nhiều loại phụ phí, thời gian gần đây, việc tăng giá của nhiều hãng tàu khiến cho các DN xuất khẩu thực sự khốn khó.

Một con số thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, hiện nay, các hãng tàu thu của các DN xuất khẩu gần 70 loại phụ phí các loại. Trung bình mỗi hãng thu khoảng 14 - 15 loại phí. Tính trong năm 2013 và 2014, tổng số tiền thu cước vận tải biển và phụ phí theo cước vận tải biển mà các đại lý thu hộ cho hãng tàu là hơn 77.000 tỷ đồng. Các loại phụ phí theo cước vận tải biển chiếm tỷ trọng lớn nhất là: Phí dịch vụ xếp dỡ container 13 nghìn tỷ đồng, chiếm 49,69%; phụ phí xăng dầu gần 5,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 20,51%; phí lưu bãi container gần 1,6 nghìn tỷ đồng chiếm 5,98%...

Còn theo phản ảnh của ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), liên tục trong nhiều tháng trở lại đây, cứ mỗi tháng, các hãng tàu lại tăng thêm 5% giá cước so với tháng trước, có tháng tăng tới 20%.

Đặc biệt, nhiều trường hợp, việc tăng cước, tăng phí không hề báo trước khiến các DN xuất nhập khẩu bị thiệt hại nặng nề vì những chi phí phát sinh bất thường. “Việc tăng giá cước liên tục và bất thường đang gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN xuất khẩu thủy sản trong nước, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với các nước trong khu vực, nhất là đối với hàng xuất khẩu đi châu Âu và Mỹ” – lãnh đạo VASEP nhận định.

Đối với các DN ngành thủy sản, không những phải chịu áp lực về các loại phụ phí cảng biển, bến bãi, họ còn phải đối diện với hàng loạt các loại phí về kiểm nghiệm, kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm… Vô vàn các loại phí cứ đội lên, các DN ngành thủy sản khó đạt được lợi nhuận.

Theo tính toán của các DN xuất nhập khẩu, hiện nay, mỗi một lô hàng xuất nhập khẩu, DN phải chịu tới hàng chục các loại phụ phí khác nhau, trong đó có nhiều khoản thu nằm ngoài chứng từ không kiểm soát được.

Doanh nghiệp xuất khẩu gánh trên vai rất nhiều loại phí. Ảnh: Hoàng Long.

DN không thể “khỏe”

Giới chuyên gia nhận định, thực tế hiện nay, năng lực vận chuyển của các đội tàu biển của Việt Nam mới chỉ đủ để đáp ứng được việc vận chuyển nội địa. Đối với các chuyến hàng xuất nhập khẩu, chủ yếu do các hãng tàu biển nước ngoài đảm nhận. Một con số thống kê cho hay, hiện các hãng tàu biển nước ngoài đảm nhận 90% khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Do đó, các DN tàu biển nước ngoài hoàn toàn nắm trong tay thế chủ động, có thể áp đặt các loại phí, phụ phí đối với các DN Việt Nam. Đối với các DN xuất nhập khẩu Việt Nam, do ở thế bị động, họ buộc phải chấp nhận các loại phí đó vì không có sự lựa chọn. Thành ra, các hãng tàu nước ngoài có đẩy phí lên cao đến đâu, các chủ hàng của Việt Nam vẫn phải “cắn răng chịu đựng”.

Nhiều DN xuất khẩu của Việt Nam cho biết, hàng chục loại phí và phụ phí thực sự khiến họ mệt mỏi, trong đó phí xếp dỡ hàng tại cảng là một trong những loại phí mà hãng tàu thu hộ cho phía cảng là gánh nặng lớn nhất của DN.

Chủ một DN ngành gỗ tính toán: Chi phí cho việc bốc dỡ hàng tại cảng có khi lên tới 180 USD cho mỗi container, đó là số tiền mà DN Việt Nam phải nộp cho các hãng tàu nước ngoài, như vậy, chỉ riêng chi phí này, DN đã phải cõng thêm vài ba triệu đồng tiền phí. Và tính sơ sơ, với mỗi container hàng hóa, DN xuất nhập khẩu phải bỏ chi phí thêm tới 30 – 40 triệu đồng.

Đối với các DN ngành da giày, chi phí đầu vào, phụ phí cũng là một gánh nặng lớn. Theo Hiệp hội Da - Giầy Việt Nam, tiền phụ phí hàng năm cũng chiếm 1% kim ngạch xuất nhập khẩu của Hiệp hội. Và như vậy một năm chi phí trả cho các loại phụ phí (đối với xuất nhập khẩu da, giầy) chiếm khoảng 110 triệu USD.

Rõ ràng, việc các chủ tàu nước ngoài áp đặt phụ phí quá nhiều, áp đặt theo lối thiếu minh bạch chắc chắn sẽ đẩy chi phí đầu vào của các DN xuất nhập khẩu lên cao, đó còn chưa kể việc tăng cước phí đột ngột không báo trước còn ảnh hưởng đến các hợp đồng với các đối tác nước ngoài của các DN xuất nhập khẩu Việt Nam. Thực tế này đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng DN Việt. Theo ông Nguyễn Sơn, Phó Chủ tịch VCOSA, nếu thực trạng này không được cải thiện, các DN Việt Nam sẽ gặp không thể nâng cao năng lực cạnh tranh nhất là khi hội nhập ASEAN đã ở rất gần.

Thời gian qua, nhà quản lý đã nỗ lực vào cuộc nhằm giải tỏa những áp lực nói trên cho cộng đồng DN, song đến thời điểm này, gánh nặng phụ phí vẫn chưa thể được giảm nhẹ trên vai các DN xuất nhập khẩu. Những loại phí “trời ơi” do các hãng tàu nước ngoài áp đặt vẫn như những tảng đá khổng lồ đè nặng trên vai khiến cho các DN xuất nhập khẩu dù có nỗ lực đến đâu cũng không thể “khỏe” được.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải mới đây đã yêu cầu Bộ Công thương phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải đề xuất quy định về quản lý cước vận tải biển và phụ phí theo cước vận tải biển để đưa vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hàng hải. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về quản lý cạnh tranh theo đúng quy định tại Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phí đè "trĩu vai' doanh nghiệp xuất nhập khẩu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO