Phi thuyền 'made in Vietnam'

Thu Hương 17/02/2016 08:25

Tốt nghiệp ĐH ngành Điện, Điện tử công nghiệp - Điều khiển tự động tại Học viện Khoa học ứng dụng quốc gia Pháp, từ chối những cơ hội, vị trí làm việc nhiều người mơ ước ở nước ngoài, Phạm Gia Vinh trở về Việt Nam với một niềm thôi thúc: biến ước mơ chế tạo phi thuyền vào không gian của nhiều thế hệ người Việt trở thành hiện thực. Liên lạc với Vinh, anh cho biết sau kỳ nghỉ Tết sum vầy cùng gia đình ở Việt Nam, anh đã trở lại Australia để cùng với các cộng sự của mình tiếp tục công việc nghiên c

Phi thuyền 'made in Vietnam'

Phạm Gia Vinh (bên phải) cùng sản phẩm
do nhóm anh chế tạo trưng bày tại Singapore.

Dám… chịu thất bại

Những ai đã từng tiếp xúc với Phạm Gia Vinh đều không khó nhận ra anh thuộc thế hệ 8X dám nghĩ dám làm và dám… chịu thất bại. Thất bại là để trưởng thành, để biết mình cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và sáng tạo những thiết bị hoàn hảo hơn để đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống thay vì tự mãn với những thành công đã đạt được. Nhất là trong lĩnh vực chế tạo phi thuyền còn rất ít được nghiên cứu ở Việt Nam thì thất bại là điều có thể lường trước với Phạm Gia Vinh.

Đó là thời điểm năm 2009 khi nền kinh tế thế giới suy thoái. Vinh trên cương vị là Giám đốc Công ty CP Nghiên cứu và Phát triển Đông Giang Việt Nam, một trong số ít công ty chuyên biệt nghiên cứu và sản xuất máy bay không người lái ở Việt Nam phải đối mặt với vô vàn khó khăn khi mô hình làm ra không bán được. Niềm đam mê nghiên cứu khoa học đứng trước thực tế cuộc sống với cơm áo, gạo tiền như bất cứ ai cũng không hề bị lung lay dù khó khăn, vất vả là không tránh khỏi.

Từ những sản phẩm đầu tay là máy bay không người lái tự động và bán tự động (M94, M96) phục vụ huấn luyện phòng không đến ý tưởng chế tạo thiết bị có thể bay được ở trần cao gấp 3 đến 5 lần máy bay thông thường hoàn toàn ở Việt Nam là một quá trình gian nan. Nhiều tháng liền Vinh và các cộng sự mày mò nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm và chế tạo, lắp ráp từng chi tiết nhỏ nhất.

Thành quả là một khí cụ bay không người lái có trọng lượng 600 kg với trần bay từ 30-50 km với thời gian bay có thể lên tới 1 tuần ra đời. Hiện thiết bị này đã được thử nghiệm bay 2 lần ở nước ngoài. Lần đầu là tại Singapore với việc mô phỏng đưa vào buồng chân không làm lạnh, mô tả môi trường giống độ cao trên 30 km. Khi đó, trần bay của thiết bị đạt được tới 23 km với bán kính bay là 150 km trong 7 giờ.

Lần thứ hai là bay thực tế trên không trung ở Ấn Độ đã thành công ở độ cao 29,5 km, duy trì trong thời gian 110 phút và có thể lên cao hơn. Tuy nhiên, kiểm soát không lưu yêu cầu hạ độ cao do thời gian đăng ký bay đã hết. Lần đầu tiên, một khí cụ bay dân sự do người Việt Nam chế tạo có thể đạt đến trần bay 30 km khiến giới khoa học trong nước không khỏi bất ngờ. Ngay cả trên thế giới cũng chỉ mới có một số ít các quốc gia phát triển sở hữu công nghệ cao này như Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Ấn Độ…

Sẽ đưa phi thuyền về Việt Nam

Ưu điểm vượt trội nhất của thiết bị này so với các sản phẩm hiện có trên thế giới chính là khả năng thu hồi tương đối chính xác thiết bị sau khi hoàn thành thử nghiệm, tránh thất lạc và giảm chi phí tìm kiếm, thu hồi, giữ an toàn cho các thiết bị đo đạc đắt tiền lắp đặt bên trong. Ngoài ra, nếu sản xuất được trong nước sẽ giảm thiểu chi phí so với sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ nước ngoài và đặc biệt rẻ hơn nhiều so với máy bay và vệ tinh nên phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam.

Thiết bị này khi được đưa vào sử dụng phục vụ nhiều lĩnh vực từ an ninh quốc phòng đến các mục đích dân sự, nghiên cứu công nghệ vũ trụ, thực hiện các thí nghiệm y học, môi trường, nghiên cứu khí quyển cao của Trái đất...

Kế hoạch trong năm 2016 của Phạm Gia Vinh là tiếp tục triển khai bay thử nghiệm ở bên Australia, dự định vào khoảng tháng 5. Trước đó, kế hoạch bay thử nghiệm vào cuối năm 2015 đã bị hoãn lại do điều kiện thời tiết không thuận lợi.

“Sau khi thử nghiệm bên Australia hoàn thiện rồi chúng tôi mới tính đến phương án đưa khí cụ bay về Việt Nam, kết hợp với một số viện nghiên cứu và các trường đại học của Việt Nam nghiên cứu để có thể bay thử nghiệm trong nước. Thời gian cụ thể chưa thể nói trước vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố” – Phạm Gia Vinh cho biết.

Bên cạnh những yếu tố chủ quan bản thân có thể phần nào lường trước, tính toán được như những rủi ro, xác suất sai số có thể xuất hiện trong những thiết kế mô phỏng của mình… Vinh hy vọng trong năm 2016 này những thứ thuộc về yếu tố khách quan như thời tiết, việc hợp tác với các đối tác, làm việc với các cơ quan quản lý… đều được thuận lợi, suôn sẻ.

Đam mê và tin tưởng vào công việc mình đang làm, Phạm Gia Vinh hy vọng nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng trong việc tạo điều kiện thuận lợi về mặt thủ tục, giấy tờ có liên quan. Đối với những kiến nghị hỗ trợ về mặt kinh phí, Vinh cho biết hiện chưa nghĩ đến.

Bản thân anh và các cộng sự đang hoàn toàn tự chủ về nguồn kinh phí nghiên cứu với mong muốn thiết bị mình chế tạo ra phải tương đối hoàn thiện và đạt đến một ứng dụng thực tiễn nhất định, từ đó mới xin kinh phí của nhà nước để tránh lãng phí. Ngoài ra, Vinh cũng dự định kết hợp với các Viện, Trung tâm nghiên cứu trong nước để tận dụng tối đa nguồn nhân lực, tối ưu hóa nguồn tài chính.

“Trong nghiên cứu khoa học quan trọng nhất là phải minh bạch. Mong cho nghiên cứu khoa học trong nước ngày càng vững mạnh hơn và đóng góp thiết thực cho đất nước, đưa nền khoa học công nghệ Việt định danh trên bản đồ công nghệ thế giới”- Phạm Gia Vinh trăn trở.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phi thuyền 'made in Vietnam'