Quyết định của họ được đưa ra mà không hề thông báo trước tới Nữ hoàng, Thái tử Charle hay Hoàng tử William. Họ đơn giản nói rằng không thể gánh vác những nhiệm vụ của Hoàng gia và muốn có sự độc lập hoàn toàn về tài chính.
Cuộc phỏng vấn do “Nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey” thực hiện với vợ chồng Hoàng tử Harry và Công nương Meghan được kênh truyền hình CBS phát vào tối ngày 7/3/2021 (giờ Mỹ), kéo dài hơn hai giờ đồng hồ đã làm dậy sóng dư luận. Trước hết, nó khiến Hoàng gia Anh bối rối. Cuộc phỏng vấn được cho là đã đưa ra những cáo buộc “chết người” nhắm tới Hoàng gia Anh. Nhưng, câu chuyện không đơn giản, nó đã vượt xa một sự kiện truyền thông, được xem như “một câu chuyện thời đại”. Và hẳn phải có nguyên do. Vậy, điều đó là gì?
Ngày 8/1/2020, trên trang Instagram cá nhân, vợ chồng Hoàng tử Anh Harry và Công nương Meghan Markle tuyên bố đã từ bỏ tước hiệu Hoàng gia. Theo Daily Mail, “cặp đôi đặc biệt nhất mà người ta từng biết” này tuyên bố sẽ không đại diện cho Hoàng gia Anh trong các sự kiện chính thức, song vẫn sẽ hoàn toàn ủng hộ Nữ hoàng và “thực hiện nghĩa vụ trước Nữ hoàng và khối Thịnh vượng chung”.
Quyết định của họ được đưa ra mà không hề thông báo trước tới Nữ hoàng, Thái tử Charle hay Hoàng tử William. Họ đơn giản nói rằng không thể gánh vác những nhiệm vụ của Hoàng gia và muốn có sự độc lập hoàn toàn về tài chính.
Sốc, buồn và tức giận
Vào thời điểm đó, Nữ hoàng Anh Elizabeth II và hoàng tộc đã rất thất vọng. Trạng thái đó được mô tả là “sốc, buồn và tức giận”. Theo Daily Mail, một phụ tá Hoàng gia đã tức giận nói: “Họ đã được trao cho đám cưới họ muốn, ngôi nhà họ muốn, văn phòng họ muốn, tiền họ muốn, nhân viên họ muốn, các tour du lịch họ muốn và có sự hỗ trợ của gia đình. Họ còn muốn gì hơn nữa? Mọi người đã bị họ chà đạp”.
Trước đó, vào khoảng tháng 9/2018, đã có thông tin rằng Hoàng tử Harry có kế hoạch ra nước ngoài để tránh khỏi các bê bối truyền thông cũng như xích mích với anh trai và chị dâu là nữ Công tước xứ Cambridge Kate Middleton.
Câu chuyện lình xình kéo dài. Thiên hạ cũng ít được nghe thông tin gì hơn từ Hoàng gia Anh lẫn cặp đôi Harry - Meghan. Có chăng chỉ là vài tấm hình vô thưởng vô phạt của cặp đôi khi họ ở Canada hay là ngồi trên khán đài dự khán một cuộc thi đấu thể thao nào đó.
Cho đến ngày 19/2/2021, Hoàng gia Anh chính thức tuyên bố đã tước toàn bộ tước vị danh dự trong quân đội của Hoàng tử Harry sau khi ông xác nhận với Nữ hoàng Elizabeth II rằng ông cùng vợ là Meghan Markle sẽ không tham gia trở lại các hoạt động của hoàng tộc với tư cách là thành viên Hoàng gia.
Theo Hãng tin Pháp AFP, thông báo của Điện Buckingham nêu rõ Nữ hoàng Elizabehth II đã xác nhận bằng văn bản rằng với việc từ bỏ các công việc của Hoàng gia Anh, việc tiếp tục các trách nhiệm và chức vị trong đời sống của hoàng tộc là không còn phù hợp. “Điều này đồng nghĩa với tước các chức vị danh dự trong quân đội và vai trò bảo trợ hoàng gia của Công tước và Công nương xứ Sussex - Hoàng tử Harry và vợ Meghan”.
Người ta cho rằng, quyết định tối hậu của Hoàng gia Anh là nguồn cơn chính dẫn tới cuộc phỏng vấn “có một không hai” của cặp đôi Harry - Meghan với CBS. Mà người thực hiện chỉ có thể là “nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey”.
Chuỗi ngày kinh sợ
Cuộc phỏng vấn kéo dài hơn hai giờ đồng hồ, nhưng dù dài như vậy nó vẫn thu hút được hàng triệu người Mỹ, hàng triệu người Anh, và còn nhiều hơn thế nữa số người tò mò trên khắp thế giới. “Thế giới đã ngồi trước màn hình suốt hơn hai giờ mà không biết chán. Người ta tự hỏi: Không biết lúc ấy các thành viên Hoàng gia Anh ở đâu? Hay là họ đã chuyển sang kênh khác” - nhận xét của Daily Mail.
Tuy nhiên, tờ Sunday Times (Anh) dẫn một nguồn tin ẩn danh cho biết, Nữ hoàng Elizabeth II không xem chương trình phỏng vấn.
Với những câu hỏi tưởng chừng như chỉ là cách đặt vấn đề rất bình thường, người hỏi đã khiến cho Công nương Meghan nói ra một cách rất tự nhiên phần nào nguyên nhân khiến họ quyết định rời xa Hoàng gia. Trong đó, Meghan ngầm phản đối cách thức ứng xử của một số người làm việc trong Hoàng gia Anh đối với vợ chồng cô, nhất là thời điểm cô đang mang thai bé Archie. Theo Meghan, dù chưa biết giới tính của em bé ra sao, nhưng một số người trong Hoàng tộc không muốn trao tước hiệu Hoàng tử hay Công chúa cho bé và đó là điều hoàn toàn khác so với thông lệ.
“Người ta đã bàn luận nhiều về màu da của đứa bé ra sao khi chào đời” - Meghan nói. Điều đó không thể hiểu khác chính là sự phân biệt chủng tộc, điều mà Meghan phải đối mặt hàng ngày dù muốn dù không chỉ vì cô là con gái của ông bố người da trắng, còn mẹ là người da màu.
Giống như Meghan, Hoàng tử Harry từ chối nêu tên những người trong Hoàng gia từng có suy nghĩ và thể hiện những “lo ngại” này. Harry nói, ông sẽ không bao giờ chia sẻ, bởi nó gây tổn hại, khó xử với những người liên quan.
Thật sốc khi Meghan thổ lộ cô từng có ý định tự sát, vì cảm thấy bế tắc, không nhận được phản hồi giúp đỡ. Meghan đã từng tìm đến thiết chế Hoàng gia, cô gửi email, nói rất rõ về tình trạng bất ổn tinh thần của bản thân và đề nghị giúp đỡ. Nhưng ý nguyện đó không được hồi đáp, vì người ta cho rằng điều này không tốt cho thiết chế đã được hình thành và tôn trọng suốt mấy trăm năm.
“Với tôi, mọi chuyện vẫn như mới xảy ra ngày hôm qua. Lúc ấy, tôi không thiết sống nữa. Đó là suy nghĩ rõ ràng, thực tế và thường trực” - Meghan nói và cho biết đó là những ngày rất kinh sợ.
Với câu hỏi, phải chăng họ coi thường Hoàng gia nên từng không trao đổi hoặc thông báo về việc “dứt áo ra đi”, Hoàng tử Harry khẳng định không hề có ý định xem nhẹ bà nội, cá nhân ông rất tôn trọng Nữ hoàng. “Tôi có ba cuộc nói chuyện với bà tôi và hai cuộc nói chuyện với cha tôi trước khi ông không nhận điện thoại từ tôi nữa” - Harry nói.
Harry cũng chia sẻ suy nghĩ lo sợ khi đề cập đến bi kịch xảy ra với người mẹ, Công nương Diana, người thiệt mạng trong vụ tai nạn xe hơi hồi năm 1997. “Nhưng lần này cấp độ nguy hiểm còn lớn hơn, bởi “người ta” cài yếu tố sắc tộc trong đó, có thêm sự tiếp sức của truyền thông mạng xã hội”.
Như vậy, cuộc phỏng vấn đã hé lộ “thâm cung bí sử” của Hoàng gia Anh - một thiết chế quân chủ có thể nói là lâu đời nhất còn tồn tại đến ngày nay. Nó vén bức màn bí mật về quan hệ hoàng tộc được cho là vô cùng khả kính, nhưng rồi cũng thiếu tôn trọng nhau khi mà người cha không còn muốn nghe con trai nói và mọi người đều “khó chịu” nếu như trong hoàng tộc lại xuất hiện một đưa bé có nước da sẫm màu. Và cũng thật đáng sợ khi chính những nhân vật quan trọng của Hoàng gia (trong trường hợp này là Hoàng tử Harry và Công nương Meghan) cũng bị ám ảnh bởi cái chết bất ngờ nào đó. Và họ cũng từng suy nghĩ giải thoát bằng cách tự tìm đến cái chết.
Về phần mình, “nữ hoàng truyền hình” Oprah Winfrey cũng nhận được “mưa” khen ngợi ngay sau khi chương trình phát sóng kết thúc. Nhiều khán giả Mỹ cho rằng qua cuộc phỏng vấn này Oprah Winfrey xứng đáng với danh hiệu “người phỏng vấn xuất sắc nhất mọi thời đại”, “người dẫn chương trình siêu việt”.
Phản ứng từ Khối Thịnh vượng chung
Tác động của cuộc phỏng vấn thật ngoài sức tưởng tượng. Đến độ nhiều người còn cho rằng nó sẽ đẩy Khối Thịnh vượng chung đến bên bờ chia rẽ. Khi mà các quốc gia đó có mối liên hệ lịch sử lâu đời với Vương quốc Anh.
Theo Hãng tin AP, khi trả lời phỏng vấn vợ chồng Hoàng tử Harry và Công nương Meghan Markle đã chỉ trích cách mà Hoàng gia Anh đối xử với họ, rằng các thành viên Hoàng gia có thái độ kỳ thị màu da. Đây được cho là một cáo buộc có thể gây tổn hại lớn đến uy tín của Điện Buckingham.
Ngay sau khi chương trình được phát sóng vào ngay tối Ngày kỷ niệm của Khối Thịnh vượng chung, cựu Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã viện dẫn những cáo buộc trên là lý do khiến quốc gia này cắt đứt quan hệ hiến pháp của mình với chế độ quân chủ Anh.
Khối Thịnh vượng chung là một tổ chức liên chính phủ gồm 54 quốc gia thành viên. Phần lớn trong số đó là thuộc địa cũ của nước Anh xưa kia. Suốt hàng chục năm nay, Nữ hoàng Anh Elizabeth II vẫn là luôn là nhân tố then chốt đứng sau liên kết khối thịnh vượng.
Tuy nhiên, tới nay giá trị cốt lõi của Khối Thịnh vượng chung luôn được người ta tranh cãi. Câu hỏi lớn nhất được đặt ra là liệu rằng quốc gia và người dân tại các nước từng chịu cảnh thuộc địa và thậm chí còn bị áp bức (với nước Anh) có nên duy trì một liên kết như vậy nữa hay không?
Mục đích cuối cùng của Khối Thịnh vượng chung là cải thiện quan hệ quốc tế của Vương quốc Anh với các nước thành viên. Muốn thế thì phải “xích lại bên nhau”. Trong bài phát biểu đánh dấu Ngày thịnh vượng chung hôm 8/3, Nữ hoàng Elizabeth II đã nhấn mạnh “tinh thần đoàn kết”.
Điều đó như một chỉ dấu cho thấy trong khối vẫn tồn tại sự chia rẽ. Vì thế sau cuộc phỏng vấn “động trời” đã dấy lên làn sóng phản ứng gay gắt từ châu Phi, nơi nhiều quốc gia khá gắn kết với Vương quốc Anh. Trong một dòng trạng thái Twitter, cư dân mạng tại Nam Phi viết: “Đó là nước Anh và gia đình Hoàng tộc. Các bạn mong chờ điều gì. Họ đã áp bức chúng tôi hàng năm trời”. Còn Mohammed Groenewald - người từng đón tiếp vợ chồng Harry tại một nhà thờ ở Cape Town cho biết cuộc phỏng vấn đã gợi lại những ký ức về “nạn phân biệt chủng tộc thời thực dân Anh chiếm đóng”.
Còn tại Kenya, một thuộc địa cũ từng được Công chúa Elizabeth đến thăm vào năm 1952, tin tức về cuộc phỏng vấn xuất hiện tràn lan trên các mặt báo. “Chúng tôi cảm thấy rất tức giận khi chứng kiến người em gái châu Phi của mình bị quấy rối chỉ vì cô ấy là người da đen như chúng tôi” - Sylvia Wangari, cư dân Nairobi phẫn nộ nói.
Người ta nhớ lại, năm 2019, vợ chồng Hoàng tử Harry từng có chuyến đi tới Nam Phi. Vào thời điểm những rạn nứt trong gia đình Hoàng gia Anh được phơi bày, cặp đôi Harry - Meghan còn tiết lộ họ có thể tới Cape Town sinh sống.
Về phần mình, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã từ chối bình luận về cuộc phỏng vấn. Nhà lãnh đạo cho biết nhiều thể chế ở Canada được xây dựng từ thời chủ nghĩa thực dân, bao gồm cả Quốc hội. Ông sẽ chờ phản ứng từ những người Canada thực sự bị phân biệt đối xử để từ đó đưa ra các giải pháp sửa đổi thể chế.
“Tôi chúc tất cả các thành viên trong gia đình Hoàng gia (Anh) mọi điều tốt đẹp nhất, nhưng trước mắt trọng tâm là vượt qua đại dịch Covid-19. Nếu sau này mọi người muốn nói về việc thay đổi hiến pháp và thay đổi hệ thống chính phủ thì điều đó cũng tốt và có thể có những thảo luận sau đó, nhưng không phải bây giờ” - ông Trudeau nói.
Cuộc phỏng vấn không được phát sóng trên truyền hình tại Ấn Độ - thành viên đông dân nhất của Khối Thịnh vượng chung với 1,3 tỷ dân. Tuy nhiên, thông tin cuộc phỏng vấn vẫn được truyền thông đưa tin và gây ra phản ứng tiêu cực của công chúng đối với Hoàng gia Anh. Sunaina Phul - một luật sư - cho biết Khối Thịnh vượng chung “tất nhiên là có liên quan đến Hoàng gia, bởi vì nó cho thấy họ đã cai trị rất nhiều nơi. Tôi không biết tại sao chúng ta vẫn là một phần của nó”.
Chưa hết, cũng từ cuộc phỏng vấn, đã rộ tin Meghan sẽ chạy đua làm Tổng thống Mỹ vào năm 2024.
Tờ Daily Mail (Anh) dẫn lời một quan chức cấp cao ẩn danh trong Công đảng Anh cho biết, Meghan Markle đang xem xét sử dụng bối cảnh hậu trả lời phỏng vấn gây ổn ào vừa qua để khởi động sự nghiệp chính trị, mà có thể đưa cô vào Nhà Trắng. Thông tin cho biết, Công nương Meghan được cho là đang ráp nối quan hệ với giới chức cấp cao đảng Dân chủ Mỹ để khởi động chiến dịch và tìm cách chạy đua tranh cử. Theo đó, Meghan rất có thể đang cân nhắc tranh cử Tổng thống Mỹ vào năm 2024 khi ông Joe Biden nay 82 tuổi hầu như không còn khả năng ra tranh cử nhiệm kỳ hai.
Tin đồn vẫn là tin đồn, nhưng một lần nữa người ta lại thấy rằng cuộc đời này thật là phức tạp.