Chiều 4/8, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thông báo kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với một số tổ chức đảng, đảng viên liên quan đến một số vụ án xảy ra tại TP Hà Nội.
Nhiều tổ chức đảng, cán bộ bị đề nghị kỷ luật, kỷ luật
Ủy ban Kiểm tra Trung ương cảnh cáo Đảng uỷ Cơ quan Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020; cảnh cáo các ông Nguyễn Thế Hùng (nguyên Phó Chủ tịch thành phố), Nguyễn An Huy (Chánh Thanh tra TP Hà Nội); khiển trách các ông Nguyễn Doãn Toản (Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, nguyên Phó Chủ tịch thành phố), Nguyễn Mạnh Quyền (Phó Chủ tịch thành phố), Hà Minh Hải (Phó Chủ tịch thành phố)...
Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã đề nghị Ban Bí thư xem xét, kỷ luật Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2021 và ông Nguyễn Văn Tứ (nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội).
Kết luận của cơ quan kiểm tra nêu rõ, Ban cán sự đảng UBND thành phố, Đảng uỷ cơ quan Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội giai đoạn 2016-2019 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo. Qua đó, để UBND thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư, một số tổ chức, cá nhân cán bộ, đảng viên vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản, về đấu thầu và thực hiện các gói thầu; nhiều cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, xử lý hình sự.
Đáng chú ý, trong vụ này, ông Nguyễn Đức Chung (đã bị kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng và đã bị xử lý hình sự), nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội, phải chịu trách nhiệm chính và trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự UBND thành phố, đồng thời chịu trách nhiệm trực tiếp trong các vụ án liên quan.
Ông Nguyễn Văn Tứ - nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, nguyên Chánh Văn phòng Thành ủy, chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu đối với các vi phạm, khuyết điểm của Đảng ủy cơ quan Sở Kế hoạch và Đầu tư; làm trái quy định về đấu thầu.
Ông Nguyễn Thế Hùng-nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố; ông Nguyễn Doãn Toản-Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố; ông Nguyễn Mạnh Quyền-Phó Chủ tịch UBND thành phố, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; ông Hà Minh Hải-Phó Chủ tịch UBND thành phố, nguyên Giám đốc Sở Tài chính, cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2021 và chịu trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao…
Riêng việc mua, quản lý, sử dụng chế phẩm Redoxy-3C, ông Nguyễn An Huy-Chánh Thanh tra TP Hà Nội, chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu đối với những vi phạm, khuyết điểm trong quá trình thanh tra việc mua, quản lý, sử dụng chế phẩm này. Chế phẩm, Redoxy-3C, theo nhà sản xuất Watch Water (Đức) là công nghệ xử lý nước mặt và nước ngầm.
Rắc rối vụ Redoxy-3C
“Vụ Redoxy-3C” từng gây nhức nhối dư luận xã hội, tới nay vẫn chưa chấm dứt. Trong vụ này nổi lên là trường hợp hai cha con ông Nguyễn Đức Chung-nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội (con trai là Nguyễn Đức Hạnh-thành viên góp vốn vào Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic, đơn vị độc quyền mua bán chế phẩm Redoxy-3C).
Trước đó, ngày 26/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công (C03) đã ra kết luận điều tra, đề nghị truy tố ông Nguyễn Đức Chung, về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trong vụ án, ông Chung bị cáo buộc có vai trò xuyên suốt, là nguyên nhân chính dẫn đến sai phạm của thuộc cấp. Hành vi của 7 bị can gây thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng.
Đây là vụ án thứ 2 trong 3 vụ án mà cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội bị điều tra, truy tố, xét xử. Với vụ án này, ông Chung bị khởi tố tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ với cáo buộc liên quan sai phạm khi mua chế phẩm Redoxy-3C làm sạch hồ ô nhiễm. Vụ án xảy ra tại UBND TP Hà Nội và các đơn vị liên quan.
Ông Võ Tiến Hùng-Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội cũng đã bị khởi tố, tạm giam hôm 20/8/2020 với cáo buộc liên quan sai phạm mua độc quyền chế phẩm Redoxy-3C để xử lý các hồ ô nhiễm ở Hà Nội.
Theo hồ sơ vụ án, Redoxy-3c được Hà Nội đặt riêng Watch Water (Đức) sản xuất sau khi mời công ty này đến khảo sát, phân tích hiện trạng hồ trên địa bàn. Chế phẩm này chỉ bán cho thành phố Hà Nội thông qua Công ty Arktic có trụ sở tại quận Hoàng Mai, đơn vị ký thỏa thuận phân phối độc quyền Redoxy-3c với Watch Water ngày 1/8/2016.
Ngày 31/7/2016, Công ty Thoát nước Hà Nội bắt đầu thử nghiệm phun rải chế phẩm Redoxy-3C xử lý nước hồ Hoàn Kiếm tại bè quây 150m3, đoạn trước phố Bảo Khánh. 10 ngày sau, Công ty Thoát nước Hà Nội ký hợp đồng với Arktic mua đơn hàng đầu tiên 3,24 tấn với giá 326.000 đồng 1kg, vận chuyển theo đường hàng không.
Từ 8/9 đến 16/9/2016, Công ty Thoát nước Hà Nội tiếp tục thử nghiệm phun rải chế phẩm Redoxy-3C tại 3 hồ: Giáp Bát, Hố Mẻ, Ba Mẫu. Kết thúc thử nghiệm, ngày 17/9/2016, Công ty Thoát nước Hà Nội tiếp tục ký hợp đồng mua 16,2 tấn, giá 326.000 đồng 1kg.
Từ năm 2016 đến quý I/2019, Công ty Thoát nước Hà Nội ký hợp đồng với Công ty Arktic mua hơn 403 tấn, tổng giá trị 137 tỷ đồng; đã sử dụng 380,6 tấn để xử lý ô nhiễm 85 hồ trên địa bàn. Việc Công ty Thoát nước Hà Nội chỉ nhập Redoxy-3C từ Công ty Arktic trong nhiều năm, cùng thông tin về mối quan hệ giữa Arktic với giới chức thành phố Hà Nội đã gây hoài nghi về tính minh bạch khi dùng ngân sách mua bán hóa chất.
Tại phiên họp HĐND thành phố tháng 11/2019, ông Nguyễn Đức Chung (lúc ấy là Chủ tịch UBND TP) khẳng định, Redoxy-3C là sản phẩm của các nhà khoa học Đức, công ty sản xuất có 43 năm kinh nghiệm. “Chúng ta đã xử lý được 88/122 hồ, hoàn toàn hết mùi, điều từ trước đến nay không làm được, không có công nghệ nào xử lý chưa đến 6.000 đồng/m3 và duy trì chưa đến 2.000 đồng/m3 như vậy” - ông Chung nói.
Trong khi đó, sau 8 tháng kể từ khi vào cuộc, ngày 12/2/2020, Thanh tra TP Hà Nội công bố Kết luận thanh tra số 555 việc mua, quản lý, sử dụng chế phẩm Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm nước các hồ trên địa bàn. Kết luận chỉ ra “nhiều thiếu sót” trong việc mua, quản lý, sử dụng hóa chất, trách nhiệm của lãnh đạo Công ty Thoát nước, Sở Tài chính và Sở Xây dựng. Tuy nhiên, sau đó, Thanh tra thành phố lại ra văn bản 794 thay thế kết luận trước đó. Trong văn bản mới, những tồn tại, thiếu sót của các cá nhân, đơn vị và kiến nghị xử lý được lược bỏ.
Vì sao ông Nguyễn Đức Chung bị khởi tố vụ mua chế phẩm Redoxy-3C? Ngày 17/3/2021, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại UBND thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan. Đồng thời Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Đức Chung (cựu chủ tịch UBND thành phố Hà Nội) và Nguyễn Trường Giang (Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Arktic).
Kết quả điều tra ban đầu xác định ông Nguyễn Đức Chung và ông Nguyễn Trường Giang đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội mua chế phẩm Redoxy-3C của Công ty Watch Water (Đức) qua Công ty TNHH thương mại dịch vụ Arktic để xử lý, duy trì chất lượng hồ ở Hà Nội.
Cơ quan điều tra cho rằng hành vi sai phạm của ông Chung và đồng phạm là trái quy định, gây thiệt hại tài sản nhà nước.
Ông Chung trong cương vị Chủ tịch UBND TP Hà Nội là người chỉ đạo trực tiếp, cho phép ứng dụng sản phẩm Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm tại các hồ ở Hà Nội. Vì thế, đã diễn ra thương vụ đầu tiên Công ty Thoát nước Hà Nội ký hợp đồng với Công ty Arktic mua 3,24 tấn chế phẩm Redoxy-3C với giá 326.000 đồng/kg (vận chuyển theo đường hàng không), diễn ra vào ngày 10/8/2016, mở đường cho những vụ mua bán tiếp theo.
Không những thế, ông Chung còn chủ trì cuộc họp với Công ty Watch Water, Nordic Water của Đức về xử lý ô nhiễm nước hồ và cung cấp nước sạch ở Hà Nội. Cùng tham dự cuộc họp có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng và lãnh đạo các sở, ngành Hà Nội có liên quan.
Đáng chú ý, trước nhiều dư luận (kể cả với Kết luận thanh tra số 555 của Thanh tra TP Hà Nội về việc mua, quản lý, sử dụng chế phẩm Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm nước các hồ trên địa bàn, chỉ ra nhiều thiếu sót trong việc mua, quản lý, sử dụng hóa chất, trách nhiệm của lãnh đạo Công ty Thoát nước, Sở Tài chính và Sở Xây dựng), thì ông Chung trong cương vị Chủ tịch UBND TP vẫn “vượt qua” một cách dễ dàng. Vì thế “phi vụ Redoxy-3C” vẫn tiếp tục cho dù vi phạm nhiều nguyên tắc, và cũng không xử lý được ô nhiễm nước hồ Hà Nội. Cho đến khi vụ việc trở thành vụ án với trách nhiệm không thể chối cãi của ông Nguyễn Đức Chung.