Phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 13 HĐND TP Hà Nội khóa XIV: Không thể hứa kiểu “đang và sẽ"

Lục Bình 08/07/2015 08:25

Tại phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội, ngày 7-7, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng “phải có giải pháp quyết liệt hơn trong thực hiện những vấn đề bức xúc của thành phố chứ không thể cứ hứa “đang và sẽ”.

Phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 13 HĐND TP Hà Nội khóa XIV: Không thể hứa kiểu “đang và sẽ

ĐB Nguyễn Thị Thùy chất vấn về vấn đề nước sạch

Thiếu vốn, khu vực nông thôn khát nước sạch

Nóng nhất phiên chất vấn có lẽ là vấn đề nước sạch, vì đây là vấn đề dân sinh bức xúc mà từ nhiều năm nay TP chưa giải quyết rốt ráo. ĐB Phạm Thị Thanh Mai (Hà Đông) đặt câu hỏi, chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006 - 2010, tính đến hết năm 2015, TP phải hoàn thành 40% tỷ lệ dân cư nông thôn được thụ hưởng nước sạch. Vậy TP có hoàn thành được mục tiêu này không? Nếu chưa hoàn thành phải nói rõ lý do vì sao chưa hoàn thành, do chủ quan trong điều hành hay các nguyên nhân khác để có giải pháp khắc phục dứt điểm. Trả lời vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt cho biết, tính tới hết năm 2014 tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch là 36,68%, chính vì vậy mục tiêu 40% là hoàn toàn có thể thực hiện được. Cũng theo ông Việt, hiện tại TP đang có 106 trạm cấp nước sạch nông thôn trong đó có 81 trạm đang hoạt động đủ khả năng cung cấp nước ổn định cho khoảng 300.000 người.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Thùy (Gia Lâm) đặt câu hỏi, tiến độ thực hiện dự án cung cấp 40.000 thiết bị xử lý nước cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo tại các khu vực có nguồn nước bị ô nhiễm nặng đã được triển khai đến đâu. Đến bao giờ 40.000 hộ dân này không phải sống chung với nước bẩn nữa? Về vấn đề này, ông Trần Xuân Việt cho biết, từ năm 2012, TP đã phê duyệt dự án này, trong giai đoạn 2012 - 2013 đã cung cấp được 10.000 thiết bị nhưng tới giai đoạn 2014 - 2015 do không bố trí được vốn nên 30.000 bộ lọc còn lại vẫn chưa tới tay đối tượng cần cung cấp được. Với giá trị mỗi bộ lọc này là 4,5 triệu đồng, nhiều khả năng dự án sẽ được hoàn thành vào 2016 nếu TP bố trí được vốn.

UBND TP đã có chỉ đạo đầu tư xây dựng 6 trạm nước sạch liên xã cho 6 khu vực được xác định là ô nhiễm nặng và dự kiến đầu tư từ nguồn ngân sách TP. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua mới chỉ đầu tư được 45 tỷ đồng hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư còn nguồn vốn thì 2 năm vừa qua đều chưa bố trí được. Ông Việt cũng cho biết, đang có nhiều doanh nghiệp quan tâm tới các dự án này, vấn đề cần làm là TP phải đôn đốc các sở, ngành tháo gỡ thủ tục hành chính để hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp.

Nói rõ lý do vì sao nước sạch chậm về khu vực nông thôn ông Việt cho biết, với mỗi công trình nước sạch liên xã sẽ tiêu tốn khoảng 70 - 120 tỷ đồng, chính vì vậy việc xã hội hóa là rất cần thiết để giảm tải cho ngân sách TP. Tuy nhiên khi doanh nghiệp đầu tư vào vẫn còn gặp nhiều khó khăn đặc biệt là tỷ lệ dùng nước sạch ở nông thôn còn thấp, người dân vẫn phụ thuộc vào nước từ tự nhiên như giếng khoan, nước mưa ... Ngoài ra, ông Việt cũng cho rằng TP cần hỗ trợ ứng trước 1 phần về vốn đầu tư để thu hút doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này.

Thiếu sân chơi ai chịu trách nhiệm

ĐB Phạm Xuân Tài (Thường Tín) hỏi về tình trạng công viên vườn hoa cho trẻ em thiếu như thế nào so với nhu cầu của khu dân cư và tiêu chuẩn xây dựng. ĐB Nguyễn Hoài Nam (Hai Bà Trưng) chất vấn, khi phê duyệt khu đô thị mới có dành diện tích cho sân chơi, nhà sinh hoạt cộng đồng, tuy nhiên chủ đầu tư không tuân thủ? Việc kiểm tra quá trình chấp hành tuân thủ quy hoạch của các dự án này được thực hiện thế nào? Vừa qua một loạt dự án tại các tòa nhà chậm triển khai, cho chủ đầu tư tạm thời cho kinh doanh dịch vụ nhưng không thấy bóng dáng công trình xã hội mọc lên ở đây, quan điểm TP thế nào, trách nhiệm ra sao?

Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Thế Hùng cho biết, hiện nay sân chơi cho trẻ em thiếu ở cả hai nội dung nhu cầu và theo tiêu chuẩn xây dựng. Đối với các khu chung cư cũ, lý do thiếu sân chơi là do gia tăng dân số. Ngoài ra việc quản lý lơi lỏng dẫn đến phần đất công bị chiếm dụng nên các sân chơi ngày càng thiếu trầm trọng. Đối với các khu đô thị mới hiện nay đã có quy định rất rõ của Bộ Xây dựng phải dành đất cho sân chơi.

Liên quan đến câu hỏi việc HĐND TP đã ban hành quy hoạch phát triển về văn hóa, đến 2015 có 45% các khu đô thị mới, quận huyện, thị xã có sân chơi vườn hoa đến nay đã thực hiện được bao nhiêu, ông Hùng thông tin, đến nay chưa đạt được chỉ tiêu 45% các khu đô thị có khu vui chơi do nhiều dự án bị chậm triển khai và bị ảnh hưởng phát triển kinh tế chậm trong thời gian qua. Trả lời ĐB Nguyễn Hoài Nam (Hai Bà Trưng) về việc khi phê duyệt quy hoạch cho các dự án Khu đô thị mới có duyệt quy hoạch đất dành cho nhà cộng đồng, sân vui chơi hay không? Ông Hùng cho biết, tất cả các dự án trong quá trình đầu tư đều có quy hoạch và thẩm định quy hoạch, đối với các dự án mới đều đảm bảo dành đất cho xây dựng các hạng mục này. Các dự án cũ không có hạng mục này trong thiết kế, TP đã có quyết định thu hồi một số diện tích để dành cho xây dựng nhà cộng đồng, sân chơi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 13 HĐND TP Hà Nội khóa XIV: Không thể hứa kiểu “đang và sẽ"