Vào ngày 19/12/2018, trong lúc tuyên bố về kế hoạch rút quân khỏi chiến trường Syria, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nói: "Chúng ta đã đánh bại phiến quân IS ở Syria, đó là lý do duy nhất mà chúng ta ở đó trong nhiệm kỳ Tổng thống của tôi". Cùng ngày, ông tuyên bố rằng binh sĩ Mỹ ở Syria "tất cả sẽ trở về nhà, và họ đang trở về ngay bây giờ".
Lực lượng binh sĩ Mỹ ở Syria. Nguồn: Getty.
Đến ngày 7/1/2019, ông Trump lại sửa từ "ngay bây giờ" thành "rời khỏi theo tiến độ hợp lý hơn, cùng lúc vẫn tiếp tục chiến đấu chống IS", dù khẳng định rằng kế hoạch rút quân không có gì thay đổi. Nhưng trong khoảng thời gian giữa 2 tuyên bố trên, Jim Mattis - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Brett McGurk - Đặc phái viên về chiến dịch chống IS đã tuyên bố từ chức. Giới nghị sĩ kỳ cựu của đảng Cộng hòa công khai chỉ trích kế hoạch rút quân...
Giới chức chính quyền Mỹ đến nay vẫn đưa ra nhiều tín hiệu trái chiều trong kế hoạch rút quân. Trong hôm đầu tuần này, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói rằng "không có thay đổi gì trong cam kết của chúng tôi nhằm đánh bại IS trên toàn cầu", nhưng lại khẳng định rằng chiến dịch đó có thể được thực hiện mà không cần 2.000 binh sĩ Mỹ hiện đang ủng hộ lực lượng người Kurd đánh IS ở Đông Bắc Syria. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng nước này nói rằng kế hoạch rút quân phải dựa trên điều kiện cụ thể và không có thời điểm ấn định.
Những tín hiệu trên cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ chính quyền Mỹ, trong chính sách của nước này ở Syria. Nhưng có một thực tế rõ ràng là, Mỹ chưa hề đánh bại IS.
Không nghi ngờ gì khi nói rằng IS giờ chỉ là cái bóng nếu so với thế lực mà chúng có được trước kia, vào thời điểm tổ chức phiến quân này tuyên bố thành lập cái gọi là "Nhà nước Caliphate" trên một vùng lãnh thổ có diện tích ngang bằng đất nước Hungary. Nhưng chúng vẫn chưa bị đánh bại hoàn toàn, dù là xét về lực lượng chiến đấu hay tư tưởng hệ. Bên ngoài Syria, có nhiều dấu hiệu cho thấy IS đang hồi sinh ở Iraq. Một bản báo cáo mà LHQ công bố hồi tháng 8/2018 ước tính có khoảng 20.000-30.000 chiến binh IS vẫn đang lẩn trốn ở 2 quốc gia này. Và các chi nhánh của IS - từ Tây Phi cho tới Indonesia - vẫn không có dấu hiệu ngừng hoạt động.
Điểm nóng "Túi Hajin"
Ngày nay, có khoảng vài trăm chiến binh IS vẫn đang kiểm soát vùng lãnh thổ dọc biên giới Syria-Iraq. Cũng chính tổ chức này đã khiến 2 binh sĩ Anh bị thương hồi cuối tuần trước, trong một vụ tấn công bằng rocket trong vụ đụng độ ở "Túi Hajin" - khu vực rộng chỉ 20 km vuông, địa hình gồm hệ thống hang động và đường hầm chằng chịt, tạo thuận lợi cho IS ẩn náu. Lực lượng người Kurd dưới mặt đất - được hỗ trợ bởi các lực lượng đặc nhiệm và không kích của phương Tây - đã chiến đấu chống IS ở Hajin suốt nhiều tháng qua. Trong khoảng thời gian từ ngày 9/12 đến 15/12/2018, liên minh Mỹ dẫn đầu đã thực hiện tới 208 cuộc không kích nhằm vào IS ở Syria, phần lớn thực hiện ở Hajin.
Chưa bàn đến việc IS bị đánh bại hoàn toàn ở Syria, tổ chức này vẫn đủ khả năng để tổ chức nhiều chiến dịch tấn công. Chúng thường lợi dụng điều kiện thời tiết xấu để tấn công lực lượng người Kurd, sát hại hàng chục chiến binh người Kurd trong tháng 11 năm ngoái, sau đó tung video có cảnh tù binh.
Cũng có nhiều tín hiệu cho thấy các chi nhánh nằm vùng của IS ở Raqqa - từng được coi là thành trì của IS ở Syria - đang hoạt động mạnh mẽ. Hôm đầu tuần này, IS tuyên bố nhận trách nhiệm một vụ tấn công tự sát ở thành phố này, khiến nhiều người thiệt mạng và bị thương.
Hồi sinh ở Iraq
Cũng có nhiều dấu hiệu cho thấy IS đang tập hợp lực lượng ở Iraq, dù với số lượng nhỏ. Giới chức Iraq và các chuyên gia chống khủng bố cho rằng, các chi nhánh nằm vùng của IS đã thâm nhập vào cộng đồng đông dân cư ở xung quanh dãy núi Hamrin, phía Nam Mosul - thành phố lớn thứ hai Iraq từng được coi là thành trì của IS. Tại đây, chúng lợi dụng khoảng trống giữa Chính phủ ở Baghdad và chính quyền người Kurd ở địa phương, và chính vì lý do này mà nhiều gia đình thường dân không dám trở về các ngôi làng của họ.
Tình hình an ninh ở thủ đô Baghdad đã được cải thiện đáng kể, như việc lần đầu tiên sau 15 năm mở cửa trở lại Vùng Xanh (khu vực an ninh được đảm bảo chặt chẽ) vào tháng 12/2018. Nhưng IS - tổ chức coi người Hồi giáo dòng Shi'ite là thù địch cần bị tiêu diệt - vẫn nhằm vào cộng đồng người Shi'ite ở thủ đô của Iraq trong hàng loạt vụ đánh bom tự sát xảy ra vào tháng 10 và tháng 11/2018.
Ở những nơi khác, IS thực hiện các vụ ám sát nhằm vào giới chức an ninh ở tỉnh Diyala, các thủ lĩnh bộ tộc người Sunni ở tỉnh Nineveh và thực hiện các vụ tấn công chớp nhoáng trên tuyến đại lộ chính nối Baghdad với Mosul. Hồi tháng 11 năm ngoái, một chiếc xe chở bom phát nổ gần một nhà hàng ở Mosul đã khiến nhiều người thiệt mạng. Việc liên minh Mỹ dẫn đầu thực hiện nhiều cuộc không kích ở Iraq trong vòng vài tháng qua cũng cho thấy rằng, IS vẫn duy trì hiện diện ở các vùng sa mạc phía Tây nước này.
Dù IS được cho là đã cạn tiền, nhưng trong khoảng thời gian chiếm được phần lớn lãnh thổ ở Syria và Iraq, chúng đã từng thu được hàng trăm triệu USD từ dầu mỏ và tiền thuế. Từ trước khi thành lập cái gọi là "Nhà nước Caliphate", IS đã thu bộn tiền từ các hoạt động tống tiền ở Mosul, sau đó rửa tiền thông qua một số công ty "ma" ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Tháng 10/2018, Bộ Tài chính Mỹ đã áp lệnh trừng phạt đối với một công ty cung cấp dịch vụ tài chính có trụ sở ở Iraq. Công ty này bị phát hiện chuyển tiền cho IS, và chuyên rót tiền cho các hoạt động khủng bố trên khắp khu vực Trung Đông. Cùng trong tháng đó, các binh sĩ người Kurd ở Iraq đã bắt giữ được 8 kẻ nằm trong mạng lưới tài chính của IS ở miền Bắc Iraq.
Tư tưởng hệ IS
Tư tưởng hệ của IS - từng có thời điểm lôi kéo hàng trăm chiến binh nước ngoài tới Iraq và Syria - đã phai nhạt dần sau khi cái gọi là "Nhà nước Caliphate" sụp đổ. Nhưng nó chưa hề biến mất. Các tổ chức cực đoan từng cam kết trung thành với IS, từ Tây Phi, Libya, Yemen, Philippines cho tới Indonesia... vẫn còn hoạt động. Gần đây nhất là vụ một nhóm ủng hộ IS nghi đánh bom một trung tâm mua sắm ở Philippines vào dịp năm mới, khiến 2 người thiệt mạng.
Ở châu Âu, dù IS không còn đủ khả năng thực hiện các vụ tấn công khủng bố trực tiếp, nhưng các cá nhân cực đoan vẫn lấy cảm hứng từ IS để thực hiện các vụ khủng bố đơn độc. Cherif Chekatt, kẻ đã giết hại 5 người ở Strasbourg (Pháp) hồi tháng 12/2018 trước khi bị tiêu diệt, từng thu một đoạn video ủng hộ IS. Kẻ này bị cực đoan hóa trong lúc ngồi tù và lọt vào danh sách gồm 29.000 kẻ cần phải theo dõi của lực lượng an ninh Pháp.
Tương lai khó đoán định
Tình hình hiện nay ở Syria và Iraq cho thấy rằng quá trình hồi phục đã bắt đầu. Thế nhưng một phần lớn lãnh thổ nằm dọc biên giới hai nước này vẫn thiếu sự quản lý và an ninh lỏng lẻo. Những vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa chính là nơi lý tưởng để các tổ chức phiến quân trỗi dậy - đặc biệt là những nhóm có tổ chức chặt chẽ như IS.
Ông Hassan Hassan - người quan sát sự phát triển của IS và là đồng tác giả cuốn sách ISIS: Bên trong Đạo quân Khủng bố - đã gọi chiến lược của tổ chức này là "sahraa, sahwat, sawlat" - theo tiếng Arab có nghĩa là sa mạc, những kẻ thù trong cộng đồng người Sunni, và tấn công chớp nhoáng.
Nguồn gốc của IS là ở khu vực nông thôn, và tổ chức này từ lâu đã cho rằng đánh chiếm các thành phố không phải là chiến lược quan trọng đối với sự sống còn của chúng. Các cuộc tấn công của chúng tập trung vào những "người cộng tác" dòng Sunni trong suốt một thập niên, và giờ chuyên đánh úp các điểm chốt an ninh ở Iraq để khẳng định sự hiện diện của mình.
Hiện nay, chính quyền Iraq đang thực hiện một chiến dịch khá độc đoán nhằm trừng phạt những người có tư tưởng ủng hộ IS. Một nghiên cứu mới mà Trường ĐH Gothenburg (Thụy Điển) công bố mới đây chỉ ra rằng, chiến dịch này có thể đẩy cộng đồng người Sunni trở lại với tổ chức IS. Và trong bối cảnh đó, việc Mỹ rút quân khỏi Syria mà không có thỏa thuận nào giữa người Kurd và chính quyền Syria, hay lời đảm bảo sẽ không tấn công người Kurd từ phía Thổ Nhĩ Kỳ... sẽ chỉ khiến IS hồi sinh. Ý tưởng cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể dẹp tan tàn dư của IS là không thực tế: nước này không được tiếp cận tới các khu vực mà IS đang hoạt động. Trong khi đó, mục tiêu chính của Ankara không phải là IS mà là người Kurd - nhóm người mà họ coi là khủng bố.