Trên tài khoản Facebook của mình, gã phiến quân Omarkhayam Romato Maute tự mô tả mình là “trái bom hẹn giờ sống”. Và khi một nhóm phiến quân do kẻ này dẫn đầu tràn tới thành phố miền Nam Philippines trong hôm 23/5 vừa qua, với lá cờ đen của IS, người ta mới thấm thía dòng mô tả bản thân của hắn.
Lực lượng vũ trang Philippines chiến đấu tại thành phố Marawi. (Nguồn: Getty).
Các chính phủ trong khu vực Đông Nam Á từ lâu đã nêu quan ngại về khả năng phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), sau khi tháo chạy khỏi Iraq và Syria, sẽ tìm cách thiết lập “Nhà nước kiểu Caliphate” ở khu vực này và trở thành một mối đe dọa khủng khiếp với các nước.
“Trung Đông nhìn có vẻ xa nhưng không phải. Đây là một vấn đề đang tồn tại ngay giữa chúng ta” - Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói trên đài Australia trong hôm 10-6 vừa qua, khi mà cuộc chiến nhằm giành lại thành phố Marawi của quân đội Philippines đã kéo dài 3 tuần - “Đó là một mối nguy hiểm hiện hữu và rõ ràng”.
Nguồn gốc nhóm phiến quân Maute
Omarkhayam và Abdullah Maute cùng sinh trưởng tại Marawi, thành phố tập trung đông cộng đồng Hồi giáo trong một đất nước có tới hơn 90% dân số là người Công giáo. Marawi, về mặt lịch sử, là trung tâm của đạo Hồi trên đảo Mindanao, nơi mà sự trỗi dậy của làn sóng ly khai chống chính phủ đã tồn tại suốt nhiều thập kỷ qua.
Khi ở độ tuổi dưới đôi mươi trong những năm 1990, hai anh em nhà Maute dường như cũng giống các thiếu niên trẻ tuổi khác. Chúng cùng học tiếng Anh và kinh Koran, cùng chơi bóng rổ trên đường phố.
“Chúng tôi vẫn tự hỏi tại sao chúng lại thề trung thành với IS” - một người hàng xóm của anh em Maute, người cũng từng là một phiến quân và sau đó đầu hàng chính phủ, cho hay - “Chúng từng là người tốt. Không ai nhớ kinh Koran bằng chúng. Nhưng đây chính là điều đã xảy ra với hai em chúng”.
Đầu những năm 2000, Omarkhayam và Abdullah du học ở Ai Cập và Jordan, và thành thạo tiếng Arab sau đó. Omarkhayam học ĐH Al-Azhar ở Cairo, nơi hắn gặp gỡ con gái của một giáo sỹ Hồi giáo bảo thủ ở Indonesia. Sau khi kết hôn, cặp đôi này đến Indonesia. Tại đây, Omarkhayan đã giảng dạy tại trường học của cha vợ, và rồi đến năm 2011 thì sống ổn định ở Mindanao, Philippines.
Và chính vào thời điểm đó Omarkhayam đã bị nhiễm tư tưởng cực đoan, thay vì ở Trung Đông.
Ở Cairo, “không ai trong số bạn học của hắn nhận thấy dấu hiệu cực đoan của hắn, và các bức ảnh về hắn cũng cho thấy một người đàn ông trẻ tuổi đang chăm sóc cô con gái của mình và chăm lo cho gia đình”, chuyên gia chống khủng bố ở Jakarta, ông Sidney Jones, viết trong một báo cáo năm 2016.
Nhưng rất ít người biết về cuộc sống của Abdullah khi hắn tới Jordan, và hiện vẫn chưa rõ liệu kẻ này có trở về Lanao del Sur - một tỉnh của Mindanao bao gồm cả thành phố Marawi - hay không. Một số nguồn tin tình báo cho rằng nhà Maute có tổng cộng 8 anh em và 7 trong số này tham gia cuộc chiến ở Marawi.
Isnilon Hapilon, thủ lĩnh Abu Sayyaf, kẻ được coi là giật dây vụ tấn công Marawi. (Nguồn: StraiTimes).
Những kẻ tinh ranh, khôn khéo
Được biết, Maute là gia đình giàu có thuộc một xã hội bộ lạc nơi mà lòng tự tôn, danh dự và kinh Koran được xem là những giá trị tối cao.
Người phát ngôn quân đội Philippines, Thiếu tá Jo-Ar Herrera, cho hay bộ lạc Maranao, nơi mà gia đình Maute thuộc về, có truyền thống mẫu hệ, bởi vậy mà người mẹ đóng vai trò trung tâm của gia đình. Theo ông Herrera, gia đình này có Farhana Maute vốn là một doanh nhân chuyên buôn bán đồ gỗ và xe hơi cũ, bởi vậy đã giúp rót tiền cho tổ chức phiến quân Maute. Ngoài ra, người phụ nữ này cũng vận hành đường dây tuyển dụng và truyền bá tư tưởng cực đoan thanh niên trẻ tuổi địa phương.
Trong hôm 9/6 vừa qua, Farhana đã bị chặn lại bên ngoài Marawi trong lúc đang lái một chiếc xe chất đầy súng ống và chất nổ, và đã bị bắt giam. Sự việc này được xem là một đòn giáng mạnh với nhóm phiến quân Maute bởi Farhana được coi là “trái tim của tổ chức Maute”, ông Herrera cho hay.
Trước đó một ngày, hôm 8/6, cha của anh em phiến quân Maute, một kỹ sư, đã bị bắt ở thành phố Davao, cách Marawi 250 km.
Khi cuộc chiến ở Marawi nổ ra, vài trăm kẻ phiến quân đã tham gia, trong đó có các chiến binh đến từ nhiều quốc gia xa xôi như Morrocco và Yemen. Nhưng phần lớn những kẻ phiến quân này đến từ các tổ chức địa phương từng thề trung thành với IS, và cầm đầu chính là nhóm Maute.
Theo nhà phân tích Jones, nhóm Maute gồm “nhiều thành viên có trí tuệ, có giáo dục và tinh ranh nhất” trong số các tổ chức ủng hộ IS ở Philippines.
Bà Samira Gutoc-Tomawis, một quan chức địa phương có biết về gia đình Maute, cho hay, các anh em của gia đình này phần lớn dựa vào mạng xã hội để tuyển mộ thành viên và truyền bá tư tưởng cực đoan của chúng.
“Anh em nhà Maute hoạt động rất mạnh trên Internet. Chúng thường xuyên đăng tải các tư tưởng của mình trên Youtube” - bà Samira nói - “Chúng ăn nói rất khéo léo và rất duy tâm”.
Một trong số những người hàng xóm khác của gia đình Maute, yêu cầu giấu tên vì an toàn bản thân, cho hay, các chiến binh của nhóm phiến quân này cũng hết sức liều lĩnh và không sợ chết. Người này kể lại rằng ông đã bị mắc kẹt trong ngôi nhà 3 tầng của mình suốt 5 ngày liền trong tháng trước, chứng kiến cảnh cuộc chiến giữa phiến quân và lực lượng vũ trang Philippines nổ ra.
“Trong lúc máy bay OV-10 của chính phủ đang không kích, chúng vẫn cứ ngồi ăn bánh quy mà chả thèm chạy đi tìm chỗ ẩn nấp” - người này kể lại.
Trong hôm 28/5, một nhóm gồm 7 chiến binh - trong số này có Omarkhayam - đã đến nhà của người đàn ông này và hỏi lý do tại sao ông chưa rời khỏi thành phố. Khi ông trả lời rằng ông sợ bị dính đạn lạc, những kẻ này đã dẫn ông tới một cây cầu dẫn ra bên ngoài thành phố và đưa cho ông một mảnh vải trắng để ra hiệu.
Kẻ giật dây cuộc chiến ở Marawi
Được biết tổ chức phiến quân Maute lần đầu tiên trỗi dậy vào năm 2013 sau một vụ đánh bom tại một CLB đêm gần Cagayan de Oro, Philippines. Danh tiếng của chúng lên như diều gặp gió kể từ đó, đáng chú nhất là sau vụ đánh bom hồi năm ngoái nhằm vào một khu chợ ở thành phố Davao, quê hương của Tổng thống Rodrigo Duterte.
Các thành viên của Maute bị bắt giữ từng khai nhận rằng vụ tấn công ở Davao được chỉ thị bởi một kẻ tên Isnilon Hapilon thủ lĩnh tổ chức phiến quân Abu Sayyaf - tổ chức phiến quân được thành lập từ những năm 1990 vốn khét tiếng với các vụ bắt cóc con tin và các hoạt động tội ác.
Hapilon, gã phiến quân từng được IS nêu danh như “Tiểu vương” ở khu vực Đông Nam Á hồi năm ngoái, xuất hiện trong một đoạn video hồi tuần trước, trong đó có nhiều tay súng phiến quân gồm cả các anh em nhà Maute, và có cảnh những kẻ này đang lên kế hoạch phong tỏa thành phố Marawi.
Theo ông Herrera, anh em nhà Maute nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ ở Marawi.
“Đây là nơi sinh của chúng, là nơi có gia đình chúng, đây là nền văn hóa và di sản của chúng tồn tại. Bởi vậy có nhiều sự đồng cảm với anh em nhà Maute” - ông Herrera nói.
Nhưng ông Khana-Anuar Marabur, một ủy viên hội đồng thành phố Marawi, nói rằng anh em nhà Maute cũng tạo nên không ít kẻ thù do tư tưởng cực đoan của chúng. Ông kể rằng khi ông tới chỗ anh em nhà Maute vào ngày chúng tấn công Marawi, chúng đã yêu cầu ông rời khỏi thành phố này.
“Chúng yêu cầu tôi biến khỏi thành phố này bởi Nhà nước Hồi giáo đã ra lệnh” - ông Marabur nói với hãng tin Reuters - “Chúng coi tôi như một kẻ thù”.
Tờ Phil Star dẫn lời ông Restituto Padilla Jr., phát ngôn viên Lực lượng vũ trang Philipines, hôm 12-6 cho biết quân đội nước này tin rằng Isnilon Hapilon - kẻ giật dây cuộc tấn công Marawi - đang ẩn náu ở khu vực Barangay Lilod Madaya, Marawi, nơi lực lượng thủy quân lục chiến Philippines giao tranh với phiến quân Hồi giáo Maute tuần trước khiến 13 lính thiệt mạng. |