Việc chọn đề tài gia đình trong thời gian qua đã tạo nhiều hiệu ứng tích cực cả phim điện ảnh lẫn phim truyền hình. Tuy nhiên, đằng sau thành công là những áp lực cho các sản phẩm kế tiếp.
Sau thành công của các bộ phim truyền hình về đề tài gia đình như: “Về nhà đi con”, “Đừng bắt em phải quên”, “Trở về giữa yêu thương”, “Hướng dương ngược nắng”… mới đây Đài Truyền hình Việt Nam vừa phát sóng dài bộ phim hơn 100 tập mang tên “Hương vị tình thân”.
Ngay sau khi được ra mắt bộ phim tạo nên những hiệu ứng từ khán giả truyền hình với những góc nhìn mới ở mảng đề tài gia đình khá quen thuộc. Ở đó, phim là câu chuyện về một gia đình đáng mơ ước với bố mẹ thành đạt, con cái ngoan ngoãn, học giỏi. Cuộc sống tưởng chừng hạnh phúc nhưng ẩn sâu dưới vẻ êm đềm đó là những bất ổn, thậm chí có cả sự đau đớn.
Sự áp đặt của cha mẹ xung đột với những khao khát tự do của cô con gái tuổi mới lớn, là gánh nặng phải trở thành niềm tự hào đè lên vai cậu thiếu niên mềm yếu không chịu nổi áp lực... Bộ phim khởi đầu từ sự mâu thuẫn, đổ vỡ niềm tin của Hoàng My với cha mẹ mình. Hành trình trưởng thành của My với những vấn đề tâm lý lứa tuổi, câu chuyện tình bạn, tình yêu, phản chiếu đời sống của các bạn trẻ ngày hôm nay.
Câu chuyện của My nhắc nhở các bậc cha mẹ về cách chung sống với con cái, biết lắng nghe để có thể ở bên con khi cần, là chỗ dựa khi con vấp ngã và cùng con đi qua tuổi teen... Đó là hành trình để các bạn trẻ nhận ra tất cả chỉ là khởi đầu, hãy lắng nghe cha mẹ nhiều hơn, dù đôi khi cách họ nói có thể không làm ta vừa lòng.
Không chỉ phim truyền hình, trong những năm qua mảng đề tài gia đình cũng đã được các bộ phim điện ảnh khai thác và tạo ra những “bom tấn” ở phòng vé. Mới đây nhất là bộ phim “Bố già” về câu chuyện rất đời thường, với bối cảnh một xóm lao động bình dân, xoay quanh cuộc sống gia đình của ông Ba Sang với những mâu thuẫn cha con, anh chị em... đã liên tiếp phá các kỷ lục của điện ảnh Việt Nam với doanh thu tính đến thời điểm này đã đạt hơn 400 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, những bộ phim “Gái già lắm chiêu V”, phản ánh những mâu thuẫn trong gia đình có 3 chị em gái; hay phim “Lật mặt 5: 48h” là cuộc đương đầu gay cấn để bảo vệ gia đình của nhân vật chính… dù chưa “chạm mốc” kỷ lục những cũng đã tạo ấn tượng với khán giả.
Nhìn với những thành công cùng với sự phát triển chung của ngành điện ảnh, không thể phụ nhận mảng đề tài gia đình đang có một chỗ đứng trong lòng khán giả. Thậm chí còn đang “vượt mặt” các tác phẩm đề tài chính luận hoặc tính đặc thù ngành nghề, điều tra phá án.
Lý giải về vấn đề này, theo nhiều đạo diễn cho rằng số đông khán giả hiện này chỉ thích phim tình yêu, hôn nhân gia đình. Bên cạnh đó, những bộ phim về đề tài gia đình luôn thu hút khán giả bằng các câu chuyện nhân văn, tạo nhiều cảm xúc.
Thông qua những bộ phim, khán giả đã thấy được số phận của những người phụ nữ trong cuộc sống hiện đại. Có những lúc họ bị đẩy vào bước đường cùng, rơi vào cạm bẫy, đau khổ tủi nhục đến tận cùng, thế nhưng họ vẫn phải tự mình đứng lên làm lại cuộc đời, với ý chí mạnh mẽ và quyết tâm buông bỏ những thứ không thuộc về mình. Tất cả đã tạo sự đồng cảm nơi khán giả, đủ sức lay động trái tim, khiến người xem cùng thổn thức với đời sống nhân vật. Bởi thực tế dù xã hội thay đổi ra sao, phim về đề tài gia đình vẫn có giá trị và sức hút lâu bền.
Tuy nhiên, đằng sau những thành công những sản phẩm phim mới về đề tài gia đình cũng đang đứng trước những áp lực không hề nhỏ. Khi bắt tay vào làm một bộ phim, người làm phim phải đối diện với “tứ bề” áp lực. Cả ê kíp cùng chung cái cảm giác đó chứ không riêng gì đạo diễn. Nhìn vào thực tế sau “Về nhà đi con” không phải tác phẩm nào thuộc đề tài này cũng tạo nên sự thu hút. Đơn cử, ở góc độ phim truyền hình thời gian qua chỉ “Hướng dương ngược nắng” tạo được hiệu ứng trên mạng xã hội.
Theo nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm cho rằng, phim về tình thân gia đình ngày nay đòi hỏi người làm phim phải chịu dấn thân, đào sâu, kết tinh nhân vật từ “muối” của đời sống thì mới tạo ra một tác phẩm đậm bản sắc Việt, chạm tới trái tim khán giả. Nền điện ảnh có nhiều phim thuần Việt, khai thác thấu đáo, kỹ lưỡng những giá trị văn hóa bản địa mới có thể phát triển và bước ra thế giới.
Đồng quan điểm, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cũng cho rằng, với lĩnh vực phim truyền hình nếu trên một khung phát sóng cố định mà cứ chạy mãi theo một đề tài thì dù đó là gì, khán giả cũng sẽ mau chóng thấy buồn chán. Cuộc sống muôn hình muôn vẻ thì những câu chuyện trên phim cũng nên phong phú như thế.
Chưa kể khác với Hàn Quốc, nơi những vấn đề an sinh xã hội đã được giải quyết hầu như rốt ráo, thì ở Việt Nam, việc người dân phải đối phó với những vấn đề xã hội là khá nóng bỏng. Nếu coi phim ảnh là nơi khán giả có thể đi tìm chính mình thì các nhà làm phim cũng nên hiểu đời sống đa cực, và họ chớ nên buộc mình vào bất cứ đề tài nào cả.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cũng nhận định, sự hay dở của bộ phim phụ thuộc vào nhiều thứ. Trong đó kịch bản gần như đóng vai trò quyết định. Ngoài ra các mảng miếng do đạo diễn thực hiện cũng phải phù hợp với tinh thần kịch bản, mà việc lựa chọn diễn viên cho phim là một trong những nghiệp vụ quan trọng.