Thời gian gần đây có một bộ phim cảm động về người Hà Nhì được quay ở Bát Xát (Lào Cai). Đó là phim tài liệu “Chị gái” do Trung tâm sản xuất các chương trình giáo dục (VTV7) thực hiện.
“Chị gái” dài hơn 21 phút, kể về cuộc sống của Phà Gớ Pia, một cô bé 8 tuổi người dân tộc Hà Nhì, sống ở thôn Mò Phú Chải, Y Tý, Lào Cai. Bộ phim bắt đầu bằng lời kể thủ thỉ của cô bé, khi mẹ em vừa mới sinh em bé và em ước em bé là con gái.
Giống như những gia đình Hà Nhì khác trong thôn, gia đình bé Pia ở cheo leo chừng núi, cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất đều gắn với núi rừng. Bố rất hiền, mẹ nghiêm khắc hơn, tính cả em bé mới sinh là nhà Pia đã có 4 anh chị em- với bố mẹ thế là đủ. Pia là chị cả 8 tuổi, 2 em trai “2 kẻ đầu gấu” gồm Gớ Dờ (6 tuổi) và Gió Hờ (4 tuổi), còn “1 kẻ mới sinh”, cũng là em trai, và tròn 13 ngày tuổi- kịp được phép mặc quần áo theo phong tục của người Hà Nhì.
Thông qua bé Pia, “Chị gái” kể về cuộc sống của những đứa trẻ ở vùng cao Việt Nam. Cuộc sống của các em còn nhiều khó khăn, nghèo khó nhưng các em yêu thương cuộc sống của mình với tất cả sự hồn nhiên, chân chất.
Để thực hiện, đoàn phim đã có 14 ngày ghi hình tại thôn Mò Phú Chải, Y Tý, Lào Cai. Phim không có lời bình, chủ yếu là hình ảnh và những lời kể của các nhân vật nhưng khiến người xem xúc động. Đây là đẹp, không buồn, không tối tăm mà trái lại, đầy sắc màu, khiến người xem hiểu hơn về cuộc sống của người vùng cao...
“Bộ phim không miêu tả cuộc sống ở thành phố, nó tái hiện cuộc sống huyền bí ở một nơi xa xôi nào đó tại vùng cao Việt Nam” - biên kịch Phan Ý Linh chia sẻ - “Với thời lượng 20 phút, bộ phim đủ cho ta một cảm nhận trọn vẹn về cuộc sống của các em nhỏ vùng cao, có khó khăn và nghèo đói. Quần áo, bữa cơm của các em đơn giản, không cầu kỳ nhưng cuộc sống của các em lại rất tự do. Các em yêu rất cuộc sống dù nó vất vả”.