Trong những năm qua, điện ảnh Việt Nam đã có những cú hích với việc ghi dấu ấn tại các giải thưởng, liên hoan phim quốc tế. Không những vậy, nhiều bộ phim đã mạnh dạn “xuất khẩu”, công chiếu tại thị trường nước ngoài.
Tìm kiếm cơ hội
Thông tin từ đoàn làm phim “Memento mori: Earth” (Đất), bộ phim vừa được lựa chọn là đại diện duy nhất của Việt Nam tranh giải New Currents (Làn sóng mới) tại Liên hoan phim (LHP) quốc tế Busan 2022 từ 5 đến 14/10. Bộ phim của đạo diễn Marcus Vũ Mạnh Cường sẽ tranh giải với 9 tác phẩm đến từ Singapore, Thái Lan, Đức, Malaysia... Riêng chủ nhà Hàn Quốc và Ấn Độ mỗi quốc gia có 2 phim được đề cử.
Có thể nói, trong những năm qua việc các bộ phim Việt Nam góp mặt tại các LHP quốc tế đang tạo nên những cú hích cho nhiều nhà sản xuất mạnh dạn mang các tác phẩm của mình vươn ra “biển lớn”, “đem chuông đi đánh xứ người”. Cho dù, thành tích của các bộ phim Việt Nam tại các LHP “hạng A” vẫn vẫn còn khá khiêm tốn. Đơn cử, trong 17 lần chọn phim tham dự Oscar, ngoài phim “Mùi đu đủ xanh” của đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng lọt vào vòng đề cử chính thức Phim quốc tế xuất sắc năm 1993, thì các phim Việt Nam còn lại đều bị “đánh trượt” từ vòng sơ loại. Hay tại LHP quốc tế Cannes, phim Việt Nam thường chỉ được chọn giới thiệu tại các chương trình bên lề, như Góc điện ảnh châu Á, Chợ phim, Góc phim ngắn… và chưa có một bộ phim nào được tranh giải chính thức.
Tuy nhiên, dù “xuất ngoại” phim Việt được ví như một khe cửa hẹp, nhưng các nhà làm phim Việt cũng đang nỗ lực tìm phương cách để xuất ngoại được tác phẩm của mình. Họ xông xáo, luôn tìm cơ hội để phát triển sang thị trường thế giới bằng nhiều con đường khác nhau thông qua các LHP quốc tế lớn, nhỏ. Minh chứng rõ nhất là thời gian gần đây, nhiều phim Việt Nam đã được nhận giải quốc tế như “Người lắng nghe: Lời thì thầm” “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” được đề cử tranh giải hạng mục A Window of Asia Cinema - hạng mục dành cho những tác phẩm điện ảnh mới của các nhà làm phim châu Á; “Vợ ba” đạt giải thưởng Phim châu Á xuất sắc nhất tại LHP quốc tế Toronto, Canada, giải Phim hay nhất tại phần thi quốc tế của LHP quốc tế Kolkata, Ấn Độ lần thứ 24; “Ròm” thắng giải Làn sóng mới LHP quốc tế Busan 2019…
Theo nhà sản xuất Đông Hoa, nhiều phim Việt tham gia các LHP quốc tế dù quy mô phần nhiều ở trong khu vực nhưng cũng là nguồn động viên cho người làm nghề cũng như là nơi cọ xát cho các nhà làm phim trẻ. Tuy nhiên, muốn có tác phẩm chất lượng cao, bước ra thế giới, có khả năng cạnh tranh quốc tế, thì phải phát triển điện ảnh thành ngành công nghiệp, đồng thời tăng cường xúc tiến, hợp tác, học hỏi các nền điện ảnh mạnh trên thế giới.
Nối tiếp những giấc mơ
Bên cạnh việc phim Việt mạnh dạn tham gia các giải thưởng, LHP quốc tế, điện ảnh Việt cũng đang ghi nhận những tín hiệu lạc quan trong “xuất khẩu” phim ra nước ngoài. Có thể kể như bộ phim “Hai Phượng” được công chiếu tại Trung Quốc và Mỹ, thu về hơn 2 triệu USD. Hai phần phim “Lật mặt: Nhà có khách” và “Lật mặt 48h” cũng được phát hành tại Mỹ và Australia. Còn “Thiên thần hộ mệnh” đem công chiếu tại 12 thị trường bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Ireland, Malaysia, Indonesia, Philippines, Canada, Cộng hòa Czech, Singapore, Hungary, Australia. Đặc biệt, bộ phim “Bố già” đã công chiếu tại 45 rạp trên toàn nước Mỹ, đạt doanh thu hơn 1 triệu USD… Ngoài ra còn phải kể đến phim “Bóng đè” của đạo diễn Lê Văn Kiệt đã được thị trường phim quốc tế săn đón với số lượng quốc gia mua lại bản quyền gây sốt. Cụ thể, trên trang IMDB-trang cung cấp thông tin dữ liệu phim hàng đầu thế giới cho biết cho đến thời điểm hiện tại đã có đến 25 nước trải dài trên khắp thế giới và một số nước vẫn đang thương thảo để lấy phim về. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho ê-kíp làm phim cũng như nền điện ảnh Việt Nam bởi trước đây, số lượng phim Việt được mua bản quyền phát hành tại nước ngoài còn khá hạn hẹp.
Thực tế cho thấy, việc phim Việt “xuất ngoại” giờ đây không chỉ là giấc mơ. Nhưng để hiện thực hóa việc này lại là một hành trình đầy gian nan. Bởi các tác phẩm điện ảnh Việt Nam để có mặt và đón nhận tại thị trường phim quốc tế, bản thân nhà sản xuất phải tự thân vận động, tìm mối quan hệ để phát hành, rồi tự mò mẫm liên hệ truyền thông, báo chí, đài truyền hình… Để sản xuất những bộ phim có sức hút với khán giả quốc tế, phim phải kể được câu chuyện của người Việt Nam hôm nay, mang bản sắc và đặc trưng Việt, không vay mượn, làm lại kịch bản nước ngoài.
Theo đạo diễn Victor Vũ, khi đã ra đến thị trường quốc tế phải tính đến “khẩu vị” của người xem. Bên cạnh nội dung cuốn hút, giàu tính giải trí, phim Việt muốn cạnh tranh ở nước ngoài phải mang “bản sắc và phong vị Việt Nam”. Khi một bộ phim muốn ra thế giới thì nội dung của nó phải vượt khỏi giới hạn về ngôn ngữ và văn hóa. Đó phải là những câu chuyện về con người, có những yếu tố mà bất cứ dân tộc hay quốc gia nào xem cũng cảm nhận được.
Theo nhà biên kịch Vân Anh, đưa phim Việt ra thị trường thế giới và được đón nhận vẫn là một bài toán nan giải chứa đựng những câu hỏi, khát vọng, thách thức phía trước. Dẫu biết có nhiều nhà sản xuất không ngừng nỗ lực để tìm kiếm cơ hội. Nhưng để việc xuất khẩu phim Việt tiến đến chuyên nghiệp, cần sự liên kết giữa các nhà làm phim và đặc biệt phải cần đến chính sách nhất quán cho lĩnh vực điện ảnh từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Chỉ có như vậy thì việc vận động, xuất khẩu phim không chỉ còn là nhỏ lẻ.