Văn hóa

Phim Việt tìm đường ra biển lớn

Ngọc Mai 22/04/2024 08:27

Điện ảnh Việt Nam đã từng có thời hoàng kim. Một số bộ phim trở thành kinh điển. Sau những thăng trầm, gần đây điện ảnh Việt Nam đã có được một số thành công, trong đó có những phim doanh thu phòng vé ấn tượng. Tuy nhiên, trong hành trình “tìm đường ra biển lớn”, xác lập vị trí trong nền điện ảnh đương đại thế giới thì con đường phía trước vẫn lắm gian nan.

1-a1.jpg
Thị trường điện ảnh Việt Nam được đánh giá đang phát triển rất sôi động và nhanh, tuy nhiên vẫn thiếu sự đồng đều, bền vững. Ảnh: Quang Vinh.

Tới nay, phim Việt Nam vẫn khó tiếp cận thị trường Âu - Mỹ. Đó là một trong những thông tin được đưa ra tại Liên hoan phim quốc tế TPHCM 2024 (HIFF 2024). Bà Trần Phương Thảo - Giám đốc Kinh doanh và tiếp thị (Công ty TNHH BHD) cho rằng, bên cạnh những khó khăn về nội dung, các nhà làm phim trong nước vẫn có thói quen làm “cuốn chiếu” mà chưa xây dựng kế hoạch cụ thể ngay từ khi bắt tay vào sản xuất, dẫn đến thất bại trong việc đưa phim ra nước ngoài.

anh-1-bai-trang-8-1.jpg
Một cảnh trong phim “Đào, phở và piano” được coi là hiện tượng mới của điện ảnh Việt Nam. Nguồn: ĐPCC.

Vì sao phim Việt khó ra nước ngoài?

Theo bà Winnie Lau - cựu Giám đốc phát triển và phân phối phim tại châu Á, mặc dù Việt Nam là thị trường điện ảnh đang phát triển, nhưng việc hợp tác sản xuất vẫn hạn chế. Trong khi làm ra một bộ phim là cách nhanh và hiệu quả nhất để mang địa phương đó đến toàn cầu.

Trong khi đó, ông Nguyễn Phạm Hoàng Quân - Tổng Giám đốc điều hành Công ty Truyền thông ProductionQ cho rằng, một lý do khiến chiến lược quảng bá và phân phối phim Việt Nam còn hạn chế bởi những nhà làm phim chưa thực sự hiểu về marketing film (chiến lược marketing sản phẩm liên quan đến phim ảnh). Bên cạnh đó, khi có kế hoạch cho phim ra thị trường nước ngoài, các nhà làm phim cần chuẩn bị kỹ càng các bước. Cần có chiến lược cụ thể trên các nền tảng mạng xã hội để dự án phim được công chúng biết đến rộng rãi.

“Một dự án phim ra nước ngoài thành công cần có sự kết hợp hiệu quả giữa các thành viên marketing và nhà sản xuất phim” - theo ông Quân.

Cũng tại HIFF 2024, tham gia ý kiến trong tọa đàm về cơ hội thị trường toàn cầu của ngành VFX (kỹ xảo điện ảnh) và hoạt hình ở Việt Nam; ông Thierry Nguyễn - người sáng lập Bad Clay Studio cho biết dù làm kỹ xảo cho những phim lớn của Hollywood, Netflix nhưng vai trò của người Việt vẫn rất hạn chế. “Tôi ước phim Việt Nam có những hiệu ứng tuyệt vời, để người Việt Nam có thể kể câu chuyện của mình chứ không chỉ đi làm thuê nữa" - ông Thierry Nguyễn nói.

Theo số liệu năm 2023, có hơn 60% các studio 3D-VFX ở Việt Nam đang hợp tác với nước ngoài. Trong đó hơn 30% làm việc với khách hàng châu Á (Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản…), Hàn Quốc chiếm phần lớn. Còn lại làm việc với khách hàng châu Âu.

Ở khía cạnh khác, khi nói về tương lai điện ảnh châu Á (tại HIFF 2024), nhà sản xuất phim Raymond Phathanavirangoon góp ý, phim Việt Nam đang sa đà vào những chuyện buồn khổ, lấy nước mắt khán giả, điều mà Thái Lan từng vấp phải. “Điện ảnh Việt Nam có nhiều nhân tài nhưng các phim thương mại cứ nhắc đi nhắc lại những chủ đề buồn khổ, đến một lúc nào đó khán giả sẽ phát chán với những loại phim lấy nước mắt. Đừng tập trung làm phim lấy nước mắt người xem nữa, đó là điều rất tệ" - ông Phathanavirangoon nói, tuy rằng không nêu đích danh phim nào.

Tán đồng, Anderson Lê - đạo diễn chương trình ở HIFF và từng là đạo diễn nghệ thuật của LHP Hawaii cho rằng, trên thực tế, hiện nay các phim thương mại ăn khách của Việt Nam thường nhằm lấy nước mắt khán giả. Nhưng cũng có điểm mới là đã xuất hiện những phim kinh dị khai thác nhiều đề tài khác nhau, như “Quỷ cẩu”, “Kẻ ăn hồn”, hoặc phim thiên về tình cảm lãng mạn như “Mắt biếc”, “Người vợ cuối cùng”, “Em và Trịnh”...

Theo ông Anderson, đó cần được coi là tín hiệu tích cực.

anh-1-bai-trang-8-2.jpg
Ba vai nữ chính phim “Người vợ cuối cùng”. Nguồn: TT&VH.

Thắng lớn kiểu “đột biến” và sự phát triển bền vững

Dù thị trường điện ảnh Việt Nam được đánh giá đang phát triển rất sôi động và nhanh nhất châu Á, nhưng cũng lại bị coi là những phim thắng lớn kiểu "đột biến" mà thiếu sự đồng đều, bền vững.

Nhà sản xuất Khoa Nguyễn nhận định: Với khán giả Việt Nam, những câu chuyện gần gũi, dễ liên hệ, nhiều cảm xúc, cùng ngôn ngữ tiếng Việt sẽ được họ ưu tiên chọn xem hơn. Đó là điều thuận lợi cho con đường cất cánh của phim Việt. “Tuy nhiên ai cũng thấy thị trường phim Việt nghìn tỷ nhưng rất bấp bênh, thiếu bền vững".

Thực tế phòng vé cho thấy một số ít phim có doanh thu cao vượt trội với trăm tỷ đồng, còn số đông các phim lại thua lỗ. Điều đó khiến nhiều người làm phim và đầu tư sản xuất "run tay". Việc tìm vốn, thu hút nhà đầu tư rót tiền cho các dự án điện ảnh rất gian nan. Những "ông lớn" là công ty bất động sản, các nhãn hàng tiêu dùng, những tổ hợp vui chơi... có thời từng hứng thú đầu tư vào phim ảnh thì hiện đã rút vào “ở ẩn”.

Với việc phim “Mai” của Trấn Thành ở thời điểm đạt gần 550 tỷ đồng với hơn 6,5 triệu vé bán ra, nhà sản xuất Nguyễn Hữu Tường Vi nhận xét: "Nhìn qua Hàn Quốc, với số dân hơn 51 triệu người nhưng số vé bán ra cao nhất là 17,6 triệu vé (phim The Admiral: Roaring Currents) thì với dân số hơn 100 triệu người của Việt Nam, dư địa phát triển còn rất lớn”.

Khi không có nhiều nhà đầu tư bỏ vốn vào làm phim thì điện ảnh cũng khó mà có được tầm vóc. Nhưng, ở chiều ngược lại, chính nhiều bộ phim bị chê là thảm họa về mặt chất lượng và thua lỗ nặng đã ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư, khiến rất khó kêu gọi được kinh phí sản xuất.

Nhưng “tiền chưa phải là tất cả”, nói như đạo diễn, nhà sản xuất phim Võ Thanh Hòa thì điểm yếu lớn của phim Việt là tình trạng “thắt cổ chai” ở những vị trí quan trọng như đạo diễn, biên kịch, diễn viên… “Làm phim là công việc không dễ và đòi hỏi sự góp sức của một tập thể giỏi. Để mặt bằng chung phim Việt có chất lượng cao đều hơn, chứ không chỉ có vài phim ăn khách và chất lượng phim luôn trồi sụt, vẫn là phải đầu tư phát triển nhân lực, nguồn vốn và trang thiết bị, bởi lượng người làm nghề giỏi trong các khâu hiện vẫn rất ít ỏi" - ông Hòa nói.

Còn theo nhà sản xuất - đạo diễn Hằng Trịnh, các nhà làm phim không có nhiều lựa chọn trong việc tuyển diễn viên và các thành phần trong đoàn. Vấn đề cần thiết là phải đào tạo để có nhiều nhân tài hơn trong lĩnh vực làm phim, như vậy thì thị trường mới có thể thực sự phát triển bền vững.

Hy vọng phía trước

Đó là nói về dòng phim thương mại, tư nhân bỏ vốn sản xuất. Còn phim được Nhà nước tài trợ thì sao?

Trước nay, những bộ phim được Nhà nước tài trợ rất khó trụ được ở rạp vài ngày. Chính vì thế, phim “Đào, phở và piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn đã trở thành hiện tượng khi khán giả hồ hởi đón nhận. Theo ông Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, nếu chúng ta có thể biến hiện tượng này trở thành xu hướng thì thời gian tới sẽ tạo ra sự thay đổi rất lớn đối với dòng phim Nhà nước đặt hàng, giúp các bộ phim này đến với khán giả một cách rộng rãi hơn, truyền tải được những thông điệp mà chúng ta mong muốn đến với xã hội.

Vậy, câu hỏi đặt ra là vì sao trước giờ lại không làm được như “Đào, phở và piano”, cho dù nhận được đầu tư khá lớn? Theo ông Sơn, một trong những nguyên nhân là tư duy làm phim theo kiểu cũ. Tức là chỉ chú ý đến làm sao có thể sản xuất ra một sản phẩm điện ảnh mà chưa chú ý đến việc đưa tác phẩm đó ra thị trường, đến với công chúng.

Còn ông Trịnh Xuân An - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho rằng, từ hiện tượng “Đào, phở và piano” cần đặt vấn đề một cách tổng thể hơn, sâu hơn và trách nhiệm hơn về các phim do Nhà nước đầu tư. Đặc biệt là cần phải thay đổi cơ chế về đầu tư, đặt hàng để phim Nhà nước không chỉ hiệu quả mà còn cạnh tranh được với các phim thương mại. Đừng để “Đào, phở và piano” trở thành một hiện tượng dị biệt trên mạng xã hội rồi khi giai đoạn cảm xúc qua đi thì những bộ phim do Nhà nước đầu tư lại phải chịu số phận hẩm hiu trong kho và chờ đến một cơn sốt bất chợt nào đó.

Bức tranh tổng thể dù còn nhiều điểm mờ nhưng cũng có thể thấy điện ảnh Việt đang bừng tỉnh. Hành trình “ra biển lớn” tuy vẫn ở phía trước những cũng đã lóe lên hy vọng.

Năm 1959, bộ phim truyện Việt Nam đầu tiên “Chung một dòng sông” ra đời. Phim lấy bối cảnh là dòng sông Bến Hải và câu chuyện tình yêu bị chia cắt qua vĩ tuyến 17. Tiếp đó, điện ảnh Việt Nam ghi dấu ấn qua hàng loạt phim, trong đó phải kể đến “Vợ chồng A phủ”, “Lửa trung tuyến” (cùng ra đời trong năm 1961); “Chim vành khuyên” (1962); “Chị Tư Hậu” (1963); “Nổi gió” (1966)… Đến những bộ phim vào thập niên 80, là “Chị Dậu” (1981); “Làng Vũ Đại ngày ấy” (1983) cùng chùm 3 bộ phim đặc sắc của đạo diễn Đặng Nhật Minh, gồm: “Cô gái trên sông” (1980); “Thị xã trong tầm tay” (1982); “Bao giờ cho đến tháng Mười” (1984). Thời gian đó, bộ phim “Ván bài lật ngửa” cũng là một điểm sáng, mà cho tới nay nhiều người vẫn ao ước “bao giờ cho tới ngày xưa”...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phim Việt tìm đường ra biển lớn