Sau gần 5 năm đi vào hoạt động, phố bích họa Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều tác phẩm bích họa trên con phố này đã bị hư hỏng, thậm chí biến mất. Chứng kiến cảnh nhếch nhác, lộn xộn đang diễn ra tại đây, nhiều người không khỏi xót xa. Trong khi đó chính quyền địa phương vẫn loay hoay tìm giải pháp.
Đầu voi đuôi chuột
Dự án bích họa trên phố Phùng Hưng do UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Chương trình định cư con người Liên hợp quốc (UN-Habitat) và Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc (Korea Foundation) thực hiện, được khởi công vào năm 2017 và đi vào hoạt động tháng 2/2018.
Khi triển khai dự án, phố bích họa Phùng Hưng được kỳ vọng sẽ là một không gian kết nối văn hóa với phố đi bộ Hồ Gươm, chợ Đồng Xuân. Sau khi đi vào hoạt động, nơi đây đã trở thành một trong những điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với phố cổ. Có thể thấy, dự án đã góp phần vào sự phát triển văn hóa, xã hội, du lịch của Thủ đô Hà Nội, đồng thời là dịp để các tác phẩm nghệ thuật đến gần gũi hơn với công chúng.
Tuy nhiên, sau gần 5 năm đi vào hoạt động, con phố này đang bị xuống cấp nặng nề, nhiều bức bích họa đã bị hư hại. Khung trưng bày tranh, ảnh với hệ thống điện thắp sáng xập xệ, bỏ hoang, những bức ảnh đã mờ nhòe khiến người xem không khỏi xót xa. Bức tranh “Phố Hàng Mã” - một trong những bức tranh được nhiều người dân yêu thích đã bị vỡ một mảng lớn từ lâu song đến nay vẫn chưa được khắc phục… Chưa hết, từ một không gian nghệ thuật được nhiều người đến để thưởng thức và chụp ảnh lưu niệm, nay phố bích họa đã bị lấn chiếm, “hô biến” thành chỗ để xe, tập kết rác… vô cùng nhếch nhác.
Theo ghi nhận của PV, con phố bích họa có chiều dài khoảng 200m nhưng hàng ngày thường bị các dãy dài xe ô tô dừng đỗ che khuất tầm nhìn. Trên vỉa hè cũng bị chiếm dụng thành chỗ để xe máy của người dân, thậm chí trở thành nơi đổ rác. Không ít người dân và khách du lịch khi di chuyển qua đây đã phải đi xuống lòng đường.
Ngao ngán và thất vọng là những cảm nhận của anh Nguyễn Văn Sự, một khách du lịch đến từ TP Hồ Chí Minh khi trở lại thăm khu phố này: “Mấy năm trước, khi đến đây, tôi được chứng kiến cảnh người dân, du khách tấp nập chiêm ngưỡng các bức tranh và chụp hình lưu niệm. Giờ quay lại tôi không còn nhận ra con phố này của những năm trước nữa”.
Nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội đã xây dựng được một con phố như vậy thì cũng cần có phương thức gìn giữ và phát triển. Không nên làm kiểu “đầu voi đuôi chuột” sẽ gây bức xúc cho dư luận xã hội, nhất là đây lại là một con phố của Thủ đô nghìn năm văn hiến.
Chính quyền loay hoay
Thông tin với PV, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội (UBND quận Hoàn Kiếm) Đặng Đình Bằng cho biết, phố bích họa này được triển khai từ năm 2017, đến nay cũng đã 5 năm. Thời gian qua, với tác động của thời tiết nên khó có thể giữ được nguyên trạng. Cùng với đó, ý thức của người dân chưa cao cũng khiến cho con phố nhanh xuống cấp. Trước đây quận đã giao cho phường Hàng Mã hệ thống camera giám sát để bảo vệ, giữ gìn. Nhưng theo ông Bằng, đến nay vẫn chưa xử lý được trường hợp nào làm hư hại tranh bích họa.
Nói về việc người dân lấn chiếm vỉa hè và xuất hiện bãi xe ô tô dọc con phố, ông Bằng cho biết, việc xử lý về trật tự đô thị liên quan đến trách nhiệm của phường.
Cũng theo ông Bằng, hiện nay, UBND quận Hoàn Kiếm đã giao cho Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội có kế hoạch làm việc với các họa sĩ để khắc phục. “Chúng tôi đang cùng với các bên liên quan và các họa sĩ cố gắng khắc phục trong thời gian sớm nhất” - ông Bằng nói.
Liên quan đến công tác sửa chữa và bảo vệ phố bích họa Phùng Hưng, đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho biết hiện nay quận cũng đang triển khai nhưng còn gặp vướng mắc về vấn đề đơn giá, định mức vì từ trước đến nay chưa có trong quy định.
Trước đó, khi trao đổi về sự xuống cấp của một số công trình nghệ thuật cộng đồng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn - Giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam, cho rằng, sự xuống cấp của những công trình công cộng này do tác động thời tiết và có cả yếu tố con người. “Công tác trùng tu, sửa chữa chưa được chính quyền địa phương thực sự quan tâm. Muốn khai thác hiệu quả thì cần phải có sự chăm sóc, bảo dưỡng thường xuyên. Điều này cần có sự chung tay của cả nhà quản lý và người dân” – ông Sơn nói và đề nghị, muốn tiếp tục phát triển con phố bích họa, cần phải tu sửa, nếu không thì phải thu lại vì các bức tranh đã hết thời hạn sử dụng.
TS. KTS Ngô Doãn Đức cũng đề xuất, cần phải duy trì những công trình công cộng này sao cho tốt nhất, bởi nó đã hiện diện trong đời sống và được cộng đồng ghi nhận. Muốn giữ gìn và phát huy giá trị của nó thì cơ quan chức năng phải vào cuộc và có những giải pháp quyết liệt hơn.