Theo Bộ Tư pháp trong năm 2015 cả nước đã tổ chức gần 1,6 triệu cuộc tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật, tăng 54% so với năm 2014. Tuy nhiên, nội dung tuyên truyền còn dàn trải và chưa tạo ra thói quen tự giác học tập pháp luật của người dân.
Phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân cần phải linh hoạt và dễ hiểu.
Hiệu quả không cao
Đánh giá công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong năm 2015, Quyền Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (Bộ Tư Pháp) Đỗ Xuân Lân cho biết: Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được triển khai bài bản, rộng khắp gắn liền với triển khai thực hiện Luật Phổ biến giáo dục pháp luật. Theo đó nội dung phổ biến giáo dục pháp luật ngày càng bám sát công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật. Đáng ghi nhận bên cạnh việc duy trì, phát triển các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật truyền thống, các bộ, ngành, địa phương đã sáng tạo, áp dụng nhiều hình thức, mô hình tuyên truyền mới, phù hợp với đối tượng, địa bàn...
Trong đó điểm sáng nổi bật trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật năm 2015 là tổ chức thành công Cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp, tuyên truyền, quán triệt, phổ biến gắn với triển khai thi hành các luật, pháp lệnh mới ban hành; lấy ý kiến nhân dân đối với các Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và các dự thảo luật có liên quan đến các lĩnh vực thiết thực với người dân, doanh nghiệp. Qua đó góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức trách nhiệm trong tôn trọng, chấp hành Hiến pháp, pháp luật, tạo nên thói quen tự giác học tập pháp luật trong xã hội.
Mặc dù vậy công tác phổ biến giáo dục pháp luật vẫn chưa thoát khỏi lối mòn dàn trải mang tính hình thức. Đánh giá về công tác phổ biến giáo dục pháp luật giai đoạn 2011-2015 nói chung và riêng năm 2015, Bộ trưởng Hà Hùng Cường - Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương thẳng thắn thừa nhận: Công tác xây dựng, ban hành kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của Hội đồng ở một số bộ, ngành, đoàn thể, địa phương còn chậm, dàn trải. Tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm còn diễn biến phức tạp, có biểu hiện gia tăng các vi phạm về bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, trong đó số vụ vi phạm hành chính vẫn ở mức cao. Một bộ phận người dân nhận thức pháp luật còn hạn chế, chưa tự giác tích cực, học tập, tìm hiểu pháp luật và nghiêm chỉnh thực thi, chấp hành pháp luật...
Đổi mới tư duy trong phổ biến giáo dục pháp luật
Tại phiên họp lần thứ 6 của Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật, nhiều đại biểu phản ánh, theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật là “công dân có quyền được thông tin về mặt pháp luật” nhưng quan trọng hơn cả là người dân phải có “nghĩa vụ tự giác tìm hiểu pháp luật”. Quy định này được đánh giá là khá mới và hay thế nhưng, thực tế lại cho thấy, công tác phổ biến giáo dục pháp luật vẫn xuất phát từ một phía, từ yêu cầu của Nhà nước chứ không phải từ nhu cầu của người dân. Vì vậy, hoạt động này còn mang tính hình thức, thiếu hiệu quả, chưa thúc đẩy việc chủ động, học tập và tìm hiểu pháp luật của người dân.
“Nhiều đề án, chương trình tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật do nhiều đoàn thể cùng triển khai dẫn đến tình trạng chồng chéo, dàn trải nguồn lực. Bên cạnh đó, việc khai thác, sử dụng Tủ sách pháp luật ở nhiều cơ sở chưa hiệu quả. Nhiều cuốn sách pháp luật giấy còn mới nguyên như lúc vận chuyển về.” - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa cho biết.
Thực tế tại nhiều địa phương vẫn chưa “lắng nghe” xem người dân muốn được tiếp nhận kiến thức gì, không có sự chắt lọc với từng đối tượng. Thậm chí còn có tình trạng trùng lặp nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Xuất phát từ thực trạng này các đại biểu cho rằng, để tuyên truyền, phổ biến pháp luật đạt hiệu quả cao, các tuyên truyền viên phải khảo sát nhu cầu, trình độ dân trí cũng như khả năng tiếp nhận kiến thức pháp luật của người dân.
Từ đó, đưa ra những bài giảng, chương trình tuyên truyền phù hợp nhất với từng vùng miền, từng đối tượng. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật chỉ đạt hiệu quả khi gần dân. Gần dân không chỉ ở việc thấy được nhu cầu của họ mà còn phải gắn bó với họ, có kỹ năng phổ biến kiến thức, nói được tiếng địa phương và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng tình với đánh giá đó, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định, công tác phổ biến giáo dục pháp luật giai đoạn 2016-2020 đứng trước nhiều cơ hội cũng như phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Do đó Hội đồng cần đổi mới tư duy phổ biến giáo dục pháp luật, lấy ý thức chấp hành pháp luật là thước đo hiệu quả của công tác này thay vì dựa trên số lượng các cuộc tuyên truyền pháp luật, hay lượt người tham gia thi tìm hiểu pháp luật.