Sáng ngày 27/5, ông Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã có buổi làm việc với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An về việc khảo sát ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác Mặt trận. Trên cơ sở lắng nghe, học hỏi nhằm trao đổi những khó khăn, thuận lợi, trong quá trình thực hiện chuyển đổi số.
Mở đầu buổi khảo sát, ông Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, chuyển đổi số là nhiệm vụ cấp thiết không chỉ của riêng Mặt trận mà cả hệ thống chính trị. Việc sử dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước nhằm giúp giảm bớt sự chậm trễ của hệ thống văn bản, văn thư truyền thống.
Đối với Mặt trận, lâu nay có chuyển đổi số nhưng mà chậm, chưa thành công, nó có nhiều nguyên nhân nhưng yếu tố như công nghệ, con người cũng làm cho việc áp dụng công nghệ số chưa kịp thời.
Tuy nhiên, thực hiện chủ trương của cấp trên, trong thời gian tới, UBTƯ MTTQ Việt Nam quyết tâm thực hiện đồng bộ hóa trong hệ thống Mặt trận nhằm số hóa toàn bộ hệ thống tư liệu, dữ liệu của Mặt trận. Phục vụ công tác quản lý một cách đồng bộ, quản lý tốt các hệ thống quỹ do Mặt trận phụ trách như quỹ Vì người nghèo, quỹ cứu trợ…
Đồng thời, ứng dụng công nghệ số nhằm đáp ứng kịp thời, chính xác, nhanh nhạy… thậm chí vừa di chuyển vừa làm việc.
“Do đó, việc ứng dụng công nghệ số vào quản lý còn tránh sự lạc hậu, tránh việc không nắm được diễn biễn hàng ngày, hàng giờ như bão lũ, cứu trợ, hay như Covid-19 vừa qua… Với tinh thần nghe, học hỏi trao đổi những thuận lợi và những khó khăn, nhất là tại Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An đã thực hiện lâu nay. Qua đó, từ những thực tiễn đã thực hiện để có điều chỉnh phù hợp”, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài mong muốn.
Tại buổi khảo sát, theo báo cáo của MTTQ tỉnh Nghệ An, địa phương này đã thực hiện chuyển đổi số từ năm 2021.
Theo đó, sau khi có chủ trương của Tỉnh ủy, MTTQ tỉnh Nghệ An đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác với VNPT Nghệ An để lựa chọn, xác định các nhóm giải pháp thực hiện chuyển đổi số trong hệ thống Mặt trận.
Trong đó, có 8 nội dung gồm: Hoàn thiện hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến; Hoàn thiện hệ thống Cổng/Trang thông tin điện tử; Hoàn thiện hệ thống báo cáo trực tuyến; Hoàn thiện hệ thống chữ ký số điện tử; Xây dựng hệ thống quản lý phản ánh tương tác giữa người dân và Mặt trận, chính quyền; Số hóa dữ liệu trên các lĩnh vực trong công tác Mặt trận; Đào tạo, tập huấn chuyển giao công nghệ; Hỗ trợ công nghệ thông tin phù hợp với nhu cầu hoạt động Mặt trận.
Tính đến nay, qua hơn 1 năm thực hiện chuyển đổi số, MTTQ tỉnh Nghệ An hoàn thiện phòng họp trực tuyến.
Từ khi vận hành hệ thống hội nghị trực tuyến đến nay, MTTQ tỉnh Nghệ An đã tổ chức hơn 92 hội nghị trực tuyến (bao gồm cả hội nghị Trung ương và hội nghị của tỉnh) với hon 27.600 lượt đại biểu tham dự hội nghị, bình quân 300 đại biểu/hội nghị.
Tiếp đó, vào tháng 7/2020, MTTQ tỉnh Nghệ An đã nâng cấp Cổng thông tin điện tử Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thành Trang thông tin điện tử MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An vận hành trên hệ thống.
Qua gần 2 năm vận hành, Trang thông tin MTTQ tỉnh Nghệ An đã đǎng tải hơn 12.034 tin, bài, ảnh với 220.729 lượt truy cập, 443.302 lượt theo dõi chia sẻ, tương tác trên hệ thống; qua đó, tạo thêm kênh thông tin để Mặt trận nắm bắt thêm tình hình nhân dân, định hướng dư luận xã hội.
Cùng với đó, MTTQ tỉnh Nghệ An tích cực hướng dẫn các địa phương tǎng cường thiết lập các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, fanpage) để tuyên truyền các hoạt động Mặt trận.
Riêng MTTQ tỉnh Nghệ An đã thiết lập 1 trang Facebook "Tiếng nói Mặt trận" với hơn 4.900 bạn bè, gần 500 tài khoản thường xuyên theo dõi, tương tác; thành lập 14 nhóm Zalo để trao đổi thông tin phục vụ công tác, hướng tới thực hiện đề án “Hội nghị không giấy”'.
Đặc biệt, trang fanpage Mặt trận Nghệ An hoạt động hết sức sôi động và hiệu quả với gần 76.000 người theo dõi và thường xuyên tương tác, đây là kênh tuyên truyền rất hiệu quả trong nắm bắt thông tin, định hướng dư luận xã hội mà bấy lâu MTTQ tỉnh Nghệ An đang triển khai trong bối cảnh bùng nổ công nghệ số như hiện nay.
Ngoài ra, 100% MTTQ các huyện, thành phố, thị xã và nhiều xã, phường, thị trấn đều thiết lập các trang Zalo, Facebook để phục vụ công tác hướng dẫn, triển khai các hoạt động Mặt trận, tiêu biểu như: thành phố Vinh, thị xã Hoàng Mai, thị xã Cửa Lò, huyện Anh Sơn, huyện Quỳnh Lưu, huyện Quỳ Hợp...
Một số địa phương có nhiều cách làm sáng tạo trong ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ công tác tuyên truyền, như: MTTQ xã Thịnh Sơn (huyện Đô Lương) tự xây dựng clip ngắn với nội dung súc tích, dễ hiểu để tuyên truyền công, tác Mặt trận; MTTQ huyện Thanh Chương tự thiết lập kênh YouTube để tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các hoạt động của Mặt trận và các mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả,...
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước được MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An thực hiện hết sức linh hoạt, sáng tạo và được cấp ủy, chính quyền ghi nhận, được Nhân dân đồng tình, hưởng ứng.
Tuy nhiên, việc vận hành các trang thông tin điện tử và trang mạng xã hội thực tế vẫn còn gặp một số khó khăn, như: kinh phí phục vụ vận hành, nâng cấp còn khá cao; độ phủ sóng ở một số địa phương chưa đều do cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng, tâm lý ngại tương tác của người dân còn cao; nguy cơ mất an toàn thông tin có thể xảy ra,...
Đối với ứng dụng Hệ thống phần mềm quản lý văn bân (I-Office) và thực hiện chữ ký số điện tử. Kết quả, qua 2 năm thực hiện phần mềm l-Office, MTTQ cấp tỉnh và huyện đã tiếp nhận 84.447 văn bản, đã xử lý trên hệ thống 10.322 văn bản liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận (trong đó cấp tỉnh: tiếp nhận 13.847 văn bản, xử lý phát hành 3.415 vān bàn).
Tại buổi làm việc, đại diện đơn vị Viễn thông Nghệ An đã trình bày các ứng dụng công nghệ trong quản lý, sử dụng hệ thống văn bản. Đồng thời, giải đáp những thắc mắc mà Đoàn công tác yêu cầu.
Trong đó, có nội dung kiểm soát văn bản nội bộ, ý kiến trao đổi giữa các ban, phòng... để ra một văn bản hoàn chỉnh trước lúc xuất bản.
Nói về vấn đề này, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài nhấn mạnh: "Việc ký, xuất bản một văn bản ra ngoài thì trước đó, vấn đề xử lý hồ sơ văn bản phải thực sự tổng thể. Nghĩa là, các phòng, ban khi được giao xử lý một nội dung cụ thể, thì trong đấy, người ký duyệt cuối cùng phải nắm rõ được từng ý kiến của phòng, ban được giao phối hợp. Nhằm tránh mang ý chủ quan, thậm chí không lấy hết ý kiến của các phòng, ban được giao tham mưu".
Trước đó, ông Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cùng Đoàn công tác đã tham quan Phòng Truyền thống, nơi lưu giữ các tài liệu, hình ảnh, những hoạt động của cán bộ, lãnh đạo MTTQ tỉnh Nghệ An qua các thời kỳ.