Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận định không có cuộc thi người đẹp nào mà không có lùm xùm vì vậy nên kiểm soát chặt chẽ, không nên phân cấp thêm cho địa phương nữa.
Sáng 14/7, tiếp tục phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã trình bày tờ trình của Chính phủ về nghị định hiện hành về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng: Thời gian qua hoạt động biểu diễn diễn ra khá sôi động, rất nhiều trái ngọt nhưng không thiếu trái đắng, nên cần nhìn nhận thấu đáo. Nghệ thuật phản ánh thời cuộc, vị nhân sinh nhưng rõ ràng vừa qua không thiếu hoạt động biểu diễn lệch lạc không phục vụ cái gì, làm méo mó cuộc sống, khiến người có nhận thức tốt cảm thấy đau lòng.
“Có sự lợi dụng trong các cuộc thi người đẹp thời gian qua. Không có cuộc thi người đẹp nào mà không có lùm xùm, quan điểm của tôi là nên kiểm soát chặt chẽ, không nên phân cấp thêm cho địa phương nữa” - ông Phùng Quốc Hiển nêu vấn đề.
Trước đó, trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thông tin, một vấn đề được Chính phủ tách riêng xin ý kiến là quy định quản lý hoạt động tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu. Theo quy định hiện hành mỗi năm, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch chỉ cấp phép cho 2 cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia. Các cuộc thi có yếu tố nước ngoài thì không quy định cụ thể nên tùy theo tính chất từng cuộc thi mà Bộ sẽ quyết định cấp phép. Các cuộc thi người đẹp vùng, ngành, đoàn thể Trung ương do Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp giấy phép và mỗi năm tổ chức không quá 3 lần. Cuộc thi người đẹp cấp tỉnh do UBND tỉnh cấp giấy phép và mỗi năm tổ chức không quá 1 lần.
Song dự thảo Nghị định mới này không quy định số lượng cuộc thi người đẹp, người mẫu trong năm, thay vào đó, chỉ cần đáp ứng quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan. Do còn ý kiến khác nhau nên theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã báo cáo xin ý kiến thành viên Chính phủ hai phương án. Cụ thể, Phương án 1: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định điều kiện để UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý hoạt động tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu theo địa bàn.
Phương án này nhằm cắt giảm thủ tục hành chính, bảo đảm nội dung quản lý nhà nước vừa hạn chế những tiêu cực, bất cập như hiện nay. Còn Phương án 2 quy định: Tiếp tục quản lý theo hình thức hạn chế số lượng cuộc thi người đẹp, người mẫu trong một năm.
Theo phương án này thì có thể kiểm soát được số lượng các cuộc thi người đẹp, người mẫu. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho rằng việc kiểm soát số lượng các cuộc thi người đẹp, người mẫu chưa hợp lý với mục tiêu quản lý, dễ tạo cơ chế xin cho hoặc tổ chức “chui” như hiện nay. Các doanh nghiệp luôn tìm cách xin Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp phép nhằm tạo thuận lợi trong việc kêu gọi tài trợ, bảo hộ độc quyền và trục lợi từ danh hiệu của cuộc thi người đẹp, người mẫu.
“Qua kết quả xin ý kiến có 20/23 thành viên Chính phủ chọn phương án 1, có 3/23 thành viên chọn phương án 2 và 2 người có thêm ý kiến khác”-Bộ trưởng Thiện thông tin.
Theo đánh giá của Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, cắt giảm 5/10 giấy phép chưa đổi mới triệt để. “Trước kia cấp phép thi người đẹp, người mẫu trước là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì giờ phân cấp cho UBND cấp tỉnh, tạo điều kiện cho người tham gia biểu diễn nghệ thuật. Tuy nhiên cắt giảm 5/10 thủ tục hành chính trong đó có giấy phép ra nước ngoài biểu diễn, bỏ giấy phép nhưng lại chuyển sang “văn bản chấp thuận”. Như vậy là 2 hình thức quản lý khác nhau chứ không phải cắt giảm thủ tục hành chính như đã nói. Nếu đánh giá cắt giảm là chưa hoàn toàn phù hợp”-ông Tùng cho hay.