Những phóng viên từng đi công tác cùng Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh đều cảm nhận rõ sự nhiệt thành với công việc, tác phong gần gũi nhân dân của bà. Người phụ nữ ấy vừa có sự từng trải, lịch lãm, vừa dân dã, mộc mạc. Bà vốn là một cô giáo vùng cao, nét mộc mạc vẫn vẹn nguyên theo năm tháng...
Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh tặng quà
cho các học sinh nghèo vượt khó tại xã Ngổ Luông.
Ký ức Ngổ Luông
Huyện Cao Phong hôm nay đã trở thành một huyện phát triển năng động của tỉnh Hòa Bình, và nhiều người vẫn nhớ những kỉ niệm về "bà Bí thư" trong thời gian đầu đặt nền móng cho sự phát triển kinh tế, xã hội của huyện những năm về trước. |
Ngồi trong xe ô tô từ thị trấn Tân Lạc vào xã Ngổ Luông hôm nay, sẽ phải nếm trải cảm giác người bị quăng lên quật xuống. Khi xe dừng lại, có người không còn sức để bước xuống. Chẳng nói thì ai cũng hiểu, nếu lùi thời gian lại hơn 30 năm về trước thì Ngổ Luông khó khăn đến mức nào. Mặc chặng đường vất vả trong chuyến về thăm, làm việc tại Ngổ Luông hôm ấy, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh vẫn giữ nguyên vẻ rắn rỏi. Bà đã quá quen với chặng đường như thế. Những lúc xe chầm chậm để vượt qua những gộc đá gồ ghề, lại thấy ánh mắt bà bồi hồi, nhìn về phía xa xăm… Đúng 37 năm về trước, lần đầu tiên cô giáo Bùi Thị Thanh đặt chân đến Ngổ Luông. Khi ấy, vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm Việt Bắc, cô giáo trẻ Bùi Thị Thanh được Sở Giáo dục Hà Sơn Bình (tỉnh cũ) điều lên dạy bổ túc văn hóa cho cán bộ cốt cán xã. Chiến tranh vừa mới đi qua. Đau thương còn nằm lại khắp đất nước. Xe chỉ đi được đến nửa đường, cô Thanh phải cuốc bộ vào Ngổ Luông. Vali, túi xách có người khỏe chân, khỏe tay mang giúp, cô giáo Thanh không nhớ mình đã đi qua bao thung sâu, vượt qua bao ngọn núi, đôi chân bao lần đạp lên những mô đá nhọn hoắt để đến trung tâm xã. Đến khi bóng tối bao trùm, bầu không khí đặc quánh sương đêm, đoàn mới kịp đến đỉnh núi trước khi đến xã Ngổ Luông. Từ trên cao nhìn xuống, một anh lãnh đạo phòng giáo dục của huyện nói và chỉ “nơi trường cô ở đó”. Mọi người reo lên. A! trường kia rồi. Cảm giác mừng vui xen lẫn âu lo. Thăm thẳm dưới thung sâu Ngổ Luông le lói hiện ra thứ ánh sáng ít ỏi, lác đác trên các ngôi nhà sàn của bản mường.
Cô giáo Bùi Thị Thanh đã bắt đầu sự nghiệp trồng người nơi bản mường như thế. Những kỉ niệm về một thời “gian lao mà anh dũng” chưa bao giờ phai trong tâm trí bà dù mấy thập kỷ trôi qua. Ngày ấy, tiêu chuẩn tem phiếu mỗi tháng được nhận hơn 10 kg gạo và sắn lát nhưng kho lương thực ở mãi trung tâm huyện Tân Lạc, cách trường mấy chục cây số. Thương các thầy cô giáo vất vả, chính quyền xã cắt cử dân công đi lấy gạo giúp. Lắm khi phải gùi sắn, gạo trên lưng suốt mấy chục cây số ròng. Tem phiếu thì có nhưng các thầy cô giáo cũng phải cho hết, bởi một năm mới đi xuống vùng thấp được 2 lần, chưa kể đến việc chờ đợi xếp hàng... Tháng nào may mắn có người đi lấy gạo giúp thì hơn 10 kg gạo cũng không thể đủ ăn trong 30 ngày. Cuộc sống của các thầy cô vì thế gắn chặt với những bữa đói no của bà con. Thi thoảng xã cũng hỗ trợ thêm vài đấu thóc cứu đói, bà con trong bản người nhường cho bát ngô bung, người phần vài củ sắn, bắp ngô, củ dong luộc mỗi khi các thầy cô đến nhà. Những bữa cơm độn sắn với rau rừng và muối ớt xanh đã trở thành món ăn thường nhật của các thầy cô. Nhưng cùng với sự vận động của giáo viên, người dân Ngổ Luông nhận ra rằng chỉ có con chữ, chỉ bằng con đường học tập mới đưa họ thoát khỏi nghèo nàn.
Những năm công tác ở Ngổ Luông, nỗ lực không ngừng của cô giáo Bùi Thị Thanh đã góp phần khiến xã Ngổ Luông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động ngành Giáo dục.
Mặc dù hôm nay Hòa Bình vẫn là tỉnh nghèo, giao thông vào Ngổ Luông chưa được đầu tư đúng mức, nhưng tinh thần hiếu học của người dân Ngổ Luông được gieo mầm từ mấy mươi năm trước vẫn bền bỉ cho đến hôm nay, tạo nền tảng để có những bước đột phá trong thời gian tới, khi hạ tầng được đầu tư xây dựng. Khoảng thời gian công tác ở Ngổ Luông không dài, nhưng những ngày tháng được đồng bào vùng cao chia ngọt sẻ bùi góp phần định hình nên tính cách, nếp nghĩ của bà Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam sau này.
Thấu hiểu lòng dân
Dạy học một thời gian, cô giáo Bùi Thị Thanh chuyển sang công tác phụ nữ ở cơ sở, rồi lên tỉnh. Năm 2003, bà Bùi Thị Thanh được điều động sang làm Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Hòa Bình. Năm 2005, tỉnh Hòa Bình thành lập huyện mới Cao Phong. Bối cảnh huyện mới rất cần một cán bộ năng động, lắng nghe, thấu hiểu tâm tư của bà con để xây dựng chính sách phù hợp với điều kiện của một huyện mới, bà Bùi Thị Thanh được phân công làm Phó Bí thư thường trực rồi Bí thư huyện ủy Cao Phong. Huyện Cao Phong hôm nay đã trở thành một huyện phát triển năng động của tỉnh Hòa Bình, và nhiều người vẫn nhớ những kỉ niệm về "bà Bí thư" trong thời gian đầu đặt nền móng cho sự phát triển kinh tế, xã hội của huyện những năm về trước.
Công tác ở nhiều cương vị khác nhau, nhưng một điều ít ai ngờ tới là việc bà Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam hôm nay từng là một... cán bộ cai nghiện. Năm 1991, tỉnh Hòa Bình đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tập trung sức người, sức của để giúp cộng đồng người Mông tại hai xã Hang Kia, Pà Cò của huyện Mai Châu phá bỏ nương thuốc phiện. Cũng thời điểm ấy, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hòa Bình được giao tổ chức thí điểm việc cai nghiện thuốc phiện tại cộng đồng cho chị em phụ nữ ở hai xã trên. Hai đợt cai nghiện kéo dài trong gần một tháng rưỡi. “Lúc đó chồng tôi dạy học ở xa. Hai con nhỏ để lại nhà ở thị xã Hòa Bình nhờ bà con hàng xóm chăm sóc, thi thoảng 2 bà nội, ngoại ở cách thị xã gần 100 cây số thay nhau lên thăm cháu. Có lần vừa về đến cổng, tôi đã thấy rất đông người trong xóm tập trung trong nhà. Nghĩ họ biết mình về đến hỏi thăm nhưng khi vào nhà mới ngỡ ngàng đến chảy nước mắt vì con tôi đang sốt cao. Thương hai con nhỏ dại mà phải xa cả bố, cả mẹ lâu ngày nhưng vì công việc tôi không thể không đi”, bà Thanh nhớ lại.
Kinh tế Việt Nam lúc ấy vừa thoát khỏi thời bao cấp, cán bộ Hội Phụ nữ phải trông coi, chăm sóc người nghiện trong một căn phòng lợp lá, giường là những mảnh ván ghép lại trong khi người nghiện phải được theo dõi tỉ mỉ từ bữa ăn, giấc ngủ cho đến lúc uống thuốc, cắt cơn, sau khi hồi sức trở về trạng thái bình thường mới trả về gia đình. Có người sợ uống thuốc tìm cách dấu thuốc để không phải uống, việc sinh hoạt của họ cũng rất khác, có người nửa đêm vùng dậy bỏ chạy, có người cầm dao dọa chém chết... Trong gang tấc giữa sự sống và cái chết, với cách thu phục nhân tâm, tuyên truyền đi vào lòng người, bà và các cán bộ ở đây đã giúp cho nhiều chị em, cả những người đàn ông nữa cắt cơn và cai nghiện thành công. Thành công từ 2 đợt cai nghiện đã mở ra một hướng mới trong công tác vận động cai nghiện tại cộng đồng và vận động quần chúng tại địa phương. Nhờ sự hi sinh không biết mệt mỏi của chính quyền, các cán bộ Hội mà vùng đồng bào dân tộc Mông tại 2 xã Hang Kia, Pà Cò đã đổi thay, mang sức sống mới. Những trường học, những con đường rộng mở đã nối từ trung tâm huyện tới 2 xã, cây trồng vật nuôi và hệ thống đường giao thông đều được đầu tư. Nhờ đó đời sống của bà con nơi đây được cải thiện, hơn hẳn các xã vùng thấp của huyện Mai Châu.
Trước những thành công từ cơ sở, năm 2006 bà Bùi Thị Thanh được điều động về tỉnh làm Trưởng Ban Dân vận. Một trong những thành tựu nổi bật nhất của "bà Thanh dân vận" là việc nhờ bám sát quần chúng nhân dân, nắm địa bàn bà đã phát hiện hiện tượng thu gom sổ đỏ của người dân, qua đó góp phần phá vỡ đường dây lừa đảo, giúp hàng ngàn hộ dân lấy lại được sổ đỏ đã mất.
Năm 2009, bà Bùi Thị Thanh được Trung ương điều động về làm Phó Chủ tịch Mặt trận Trung ương vào đúng dịp Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ VII. Những năm tháng gian nan vất vả, trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau nhưng tinh thần dù khi nào, ở đâu cũng thấu hiểu nhân dân, gắn bó với nhân dân của bà đã tạo tiền đề cho những thành công trong công tác Mặt trận sau này.