Phố cổ Hà Nội trong dòng chảy thời gian

Phạm Sỹ 03/03/2022 13:40

Phố cổ - di sản văn hóa của Thủ đô Hà Nội, là một trong những địa điểm hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước từ trước đến nay. Trong tình hình mới hiện nay, phố cổ đã dần hình thành những sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo, hấp dẫn phục vụ du khách.

Phố Hàng Đào (Hà Nội) hôm nay.

Phố cổ Hà Nội cùng với Hoàng thành Thăng Long là sự hiện hữu của Kinh thành Thăng Long xưa, đồng thời góp phần nhận diện bản sắc văn hóa đô thị Hà Nội. Với hàng trăm di tích đã được xếp loại, đầy đủ các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng…, nơi đây được xem như một kho tàng giá trị vật thể.

Theo Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, từ năm 2008 đến nay, có hơn 21 di tích trong khu phố cổ được UBND quận Hoàn Kiếm đầu tư và cải tạo. Nhiều di tích sau khi được cải tạo đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch như đình Kim Ngân, chùa Lý triều Quốc sư… Cùng với đó là sự chỉnh trang các tuyến phố trong khu phố cổ, khôi phục lại diện mạo của những ngôi nhà có giá trị, góp phần khôi phục lại diện mạo xưa của các tuyến phố chính tại khu vực trung tâm.

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, các đơn vị vẫn thường xuyên phối hợp để tổ chức nhiều hoạt động văn hóa biểu diễn: Ca trù, chầu văn… Cùng với đó là giới thiệu đến du khách những làng nghề tại các điểm di tích, di sản. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 diễn ra, nhiều điểm di tích đang tạm đóng cửa để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Trước đó, để chuẩn bị cho thích ứng an toàn với tình hình dịch bệnh, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội cùng Công ty lữ hành Hanoitourist tổ chức khảo sát các địa điểm, di tích trên địa bàn quận Hoàn Kiếm với mục đích đánh giá lại tiềm năng du lịch phố cổ Hà Nội. Qua đó, hình thành những sản phẩm du lịch mới cho Thủ đô sau dịch Covid-19.

Đoàn khảo sát đã trải nghiệm du lịch phố cổ bằng xe điện đến những điểm di tích nổi tiếng của phố cổ Hà Nội như: đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào), Trung tâm văn hóa nghệ thuật - Hội quán Quảng Đông (22 Hàng Buồm), đền Quan Đế (28 Hàng Buồm), đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc), ngôi nhà Di sản (87 Mã Mây) ngôi nhà đã xuất hiện trong các ấn phẩm du lịch chuyên nghiệp như Toutard, Lonely Planet. Đoàn cũng khảo sát Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ), đây là địa điểm giới thiệu về lịch sử, quá trình hình thành và phát triển của khu phố cổ, là nơi tổ chức gặp gỡ, trao đổi giữa các nhà khoa học, người dân và là nơi giao lưu giới thiệu các loại hình nghệ thuật truyền thống của Hà Nội tới du khách và giới thiệu các loại hình nghệ thuật trên thế giới.

Theo ông Nguyễn Hữu Việt - Trưởng phòng Xúc tiến du lịch (Trung tâm Xúc tiến, đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội) thì tiềm năng phát triển các sản phẩm du lịch mới cho khu phố cổ Hà Nội là rất lớn. “Khu phố cổ Hà Nội có giá trị rất lớn trong việc thu hút du lịch, không chỉ bởi quần thể đậm đặc các di sản, di tích, mà còn bởi đặc trưng riêng trong đời sống của cư dân. Các đơn vị điểm đến cần có sự kết nối mật thiết với doanh nghiệp lữ hành để tạo thêm nhiều tuyến tham quan hấp dẫn cũng như tổ chức thêm nhiều hoạt động trải nghiệm để thu hút du khách”- ông Việt nói.

Không chỉ tham quan các di tích, di sản nổi tiếng của phố cổ, đoàn cũng khảo sát một số tuyến phố cổ có thể tạo sự kết nối phù hợp trong việc xây dựng sản phẩm du lịch như: Phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Thiếc, Hàng Đồng, Lãn Ông, Hàng Mã... Dự kiến, du khách sẽ được trải nghiệm các sản phẩm du lịch phố cổ bằng xe điện.

Phố Hàng Đào hơn 100 năm trước.

Bà Trần Thị Thúy Lan - Phó Trưởng Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, sẽ kết nối các điểm đến tại Hà Nội, trong nước với không gian di sản quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và không gian di sản quốc gia phố cổ Hà Nội. Đồng thời hỗ trợ kết nối các đơn vị lữ hành, khai thác và xây dựng các sản phẩm du lịch, xây dựng tour, giới thiệu các điểm đến của hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội. Cùng với đó, tạo điều kiện hỗ trợ tổ chức các sự kiện, các cuộc thi về âm nhạc truyền thống.

Hiện nay, các điều kiện phòng, chống dịch tại các điểm di tích đã được triển khai và quy định chặt chẽ về quy trình nhằm đảm bảo an toàn cho du khách. Cùng với đó, lên phương án trong trường hợp phát hiện du khách có dấu hiệu bất thường trong quá trình tham quan để có những biện pháp xử lý phòng, chống dịch kịp thời.

Theo ông Phùng Quang Thắng - Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, để xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa bền vững không chỉ ở kết nối mà cần sự chung tay, tham gia của cộng đồng cư dân. Cùng với đó là đào tạo thêm đội ngũ hướng dẫn viên có kiến thức lịch sử, văn hóa về Hà Nội để có thể truyền cảm hứng và tình yêu Hà Nội cho du khách.

Được biết, UBND quận Hoàn Kiếm đã tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn các điểm đến, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch theo các quy định của ngành Du lịch và Y tế.

“Quận đã tập trung chỉ đạo đa dạng các sản phẩm du lịch nhưng chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, trong đó sẽ đẩy mạnh các hoạt động du lịch mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc với lối trình diễn sinh động, kết nối thành câu chuyện hình thành, phát triển của Hà Nội”- ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phố cổ Hà Nội trong dòng chảy thời gian