Khu phố cổ Hà Nội được hình thành từ thế kỷ XV. Đây là một quần thể kiến trúc độc đáo với những ngôi nhà nhỏ hình ống xen kẽ, hòa quyện vào nhau tạo nên không gian kiến trúc cổ đa dạng, sinh động.
Đặc điểm chung của các phố cổ Hà Nội là nhiều tên phố bắt đầu bằng chữ “hàng”, tiếp đó là một từ chỉ nghề nghiệp nào đó như Hàng Đào, Hàng Mã, Hàng Thiếc… Khác với các phố cổ khác trên thế giới, phố cổ Hà Nội hiện nay diễn ra đồng thời nhiều hoạt động của đời sống xã hội.
Phố cổ Hà Nội chứa đựng “hồn cốt” của kinh đô Thăng Long từ buổi ban đầu bởi một kho tàng giá trị vật thể bao gồm 121 di tích, trong đó có 83 di tích lịch sử văn hóa, 30 di tích lịch sử cách mạng và 8 di tích khác (hiện có 25 di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia) với đầy đủ các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng: Đình, đền, chùa, hội quán, nhà thờ Hồi giáo, miếu, am...
Các giá trị phi vật thể trong khu phố cổ cũng khá đa dạng, hấp dẫn như: Các hoạt động sinh hoạt hàng ngày trên phố của người dân; ẩm thực; các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật dân gian như ca trù, hát xẩm...; những lễ hội truyền thống (Lễ hội đền Bạch Mã, đình Yên Thái, Lễ hội Trung thu, Lễ hội Kim hoàn...). Những giá trị vật thể và phi vật thể này đã góp phần làm nên dấu ấn Thăng Long - Hà Nội hơn một nghìn năm văn hiến.
Những năm qua, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội đã chủ động phối hợp với các cá nhân, đơn vị, tổ chức trong nước, quốc tế triển khai nhiều dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị vật thể, phi vật thể khu phố cổ Hà Nội. NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội cho rằng, khu vực phố cổ chứa đựng “hồn cốt” của kinh đô Thăng Long, có vai trò quan trọng trong đời sống của người dân Thăng Long xưa và Hà Nội nay. Phố cổ là nguồn cảm hứng cho các văn nghệ sĩ sáng tạo nên các tác phẩm văn học, nghệ thuật đặc sắc. Các lĩnh vực văn học, nghệ thuật như kiến trúc, văn nghệ dân gian, văn học, điện ảnh, múa, sân khấu, nhiếp ảnh, mỹ thuật… đều có đóng góp tích cực trong việc góp phần bảo tồn di sản phố cổ.
Còn theo nhà thơ Nguyễn Thị Mai (Hội Nhà văn Hà Nội), để văn học nghệ thuật tiếp tục phát huy được vai trò lưu giữ bảo tồn di sản văn hóa - lịch sử của phố cổ Hà Nội thì người nghệ sĩ phải tạo ra được những tác phẩm hay. Muốn vậy phải tìm tòi, phát hiện ra vẻ đẹp, giá trị đích thực của phố cổ bằng góc nhìn của riêng mình. Trong sự xô bồ, ồn ã, đua chen của môi trường công nghiệp hóa đang tràn vào phố cổ, người nghệ sĩ phải dùng ngôn ngữ riêng của loại hình nghệ thuật mà phê phán, phản biện với tinh thần xây dựng. Không nên chỉ nhìn thấy những điều tiêu cực, xấu xí mà phủ định tất cả.
“Đặc biệt, kiến trúc sư là người nhìn thấy rõ nhất giá trị văn hóa vật thể của phố cổ. Nên cần có những đóng góp thiết thực nhất trong việc bảo tồn, tôn tạo hoặc phục chế những giá trị ấy” - bà Mai nói.