Loa phường tại nội thành chỉ phát 15 phút/ buổi. 1 ngày không quá 2 buổi trừ ngày lễ, dịch bệnh và có chỉ đạo của UBND TP, Sở, và UBND các địa phương.
Ngày 27/7, Sở Thông tin và truyền thông TP Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về một số nội dung của kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn TP Hà Nội.
Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP Hà Nội cho biết, ngày 21/7, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 200/KH-UBND về việc thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn Thành phố.
Bà Hương khẳng định rằng, các mục tiêu, chỉ tiêu và nội dung của Kế hoạch bám sát Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 20/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin; và Quyết định số 1381/QĐ-BTTTT ngày 07/9/2021 của Bộ Thông tin và truyền thông ban hành Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch được bà Hương nhắc tới nhằm phát triển mạng lưới thông tin cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện đại, đồng bộ, bảo đảm kết nối với Trung ương, thống nhất từ Trung ương đến Thành phố, cấp huyện, cấp xã. Căn cứ Quyết định số 1381/QĐ-BTTTT ngày 07/9/2021 của Bộ Thông tin và truyền thông ban hành Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2021-2025.
Sở Thông tin và truyền thông TP Hà Nội cho hay: Kế hoạch của Thành phố đề ra các nhóm nhiệm vụ đồng bộ như: thiết lập hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin-viễn thông, trang thông tin điện tử cấp xã, bảng tin điện tử công cộng, hiện đại hóa thiết bị kỹ thuật, số hóa sản xuất nội dung truyền thông đa phương tiện của Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao cấp huyện, thiết lập Hệ thống thông tin nguồn thành phố Hà Nội để tổ chức quản lý tập trung và cung cấp thông tin nguồn cho hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn; tăng cường ứng dụng trên thiết bị di động thông minh và sử dụng mạng xã hội để tương tác với người dân; thiết lập Cổng thông tin điện tử thông tin cơ sở của thành phố Hà Nội, bảo đảm kết nối, liên thông Cổng thông tin điện tử thông tin cơ sở ở Trung ương; hiện đại hóa sản xuất nội dung tuyên truyền, phát triển nhân lực làm công tác thông tin cơ sở.
Trong đó, các đài truyền thanh cơ sở sẽ dần chuyển đổi công nghệ sang sử dụng phương thức truyền đưa tín hiệu âm thanh, dữ liệu trên hạ tầng viên thông, Internet theo quy định tại Thông tư số 39/2000/TT-BTTTT ngày 24/11/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông; sử dụng phổ biến công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp với công nghệ xử lý dữ liệu lớn (Big Data) trong sản xuất nội dung chương trình phát thanh, chuyển đổi nội dung văn bản sang giọng nói Thông tin, tuyên truyền nói chung và tại cơ sở nói riêng ngày càng có vai trò quan trọng, đóng góp vào sự ổn định và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, Thủ đô và từng địa phương.
Đặc biệt bà Hương nhắc tới: Trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua với yêu cầu cấp bách về truy vết, khoanh vùng, dập dịch đòi hỏi thông tin phải nhanh chóng, kịp thời, thường xuyên, liên tục.
Bên cạnh đó, thời gian thực hiện giãn cách xã hội và các đợt tiêm chủng yêu cầu thông tin thông suốt, có tính định hướng, bao phủ rộng, đều được hệ thống đài cơ sở truyền tải đầy đủ và được người dân ghi nhận. Nhiều cán bộ phụ trách đài vừa tham gia tuyến đâu phòng, chống dịch ở địa phương, vừa làm công tác thông tin, tuyên truyền để kịp phổ biến đến nhân dân những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cập nhật tình hình của địa phương, không quản ngày-đêm.
Song bên cạnh đó, bà Hương cũng thừa nhận, có lúc, có nơi, người dân còn bức xúc với loa truyền thanh phường do nội dung chưa phong phú, chất lượng phát thanh chưa cao, bộ trí khung thời gian, chương trình chưa hợp lý.
Trả lời báo chí, bà Hương cho biết, hiện TP có 579 xã phường, và 579 đài truyền thanh cơ sở. Như vậy là 100% đều có loa phường. Qua các giai đoạn khác nhau hệ thống phát thanh cơ sở đều có những hình thức hoạt động sao cho phù hợp, nhưng đúng là có bức xúc về tiếng ổn.
“Do thông tin cơ sở phải đến người dân khác, và đây là hình thức khác với loại hình truyền thanh khác nên không thể thể thay thế được. Vì có các tổ dân phố cần phải có thông tin. Khi phát qua loa bà con nắm được, người nọ nói với người kia tại cơ sở, ở cộng đồng đến với người dân. Qua chống dịch vừa qua đã thấy loa phường đã phát huy vai trò vì mỗi khu phố có ổ dịch khác nhau nên tuyên truyền về chống dịch có sự khác nhau cũng như phun thuốc ở giai đoạn nào?” - bà Hương cho hay.
Vị Phó Giám đốc Sở cũng cho rằng, khi cuộc sống đã thay đổi thì cách vận hành loa phường cũng hướng đến thân thiện với người dân. Cách chuyển đổi là trước đây cụm loa lớn, có 10 loa. Nhưng đề án đã giảm thiểu và duy trì chỉ có 2 loa. TP cũng có Quyết định 1246 để các địa phương căn cứ truyền thông. Việc lắp đặt loa có nguyên tắc tránh trường học, đoàn ngoại giao, và người già cũng như thay đổi về thời lượng phát sóng.
“Loa phường đưa cơ sở đến người dân hiệu quả và thiết yếu, thông tin cần thiết. Ở nhiều nước như Nhật Bản vẫn được duy trì hệ thống loa. Đặc biệt hệ thống loa phát thanh tại sơ sở nằm trong Chiến lược của của Bộ Thông tin và truyền thông, và hiện đang được các địa phường triển khai có 20 địa phương đang triển khai trong đó có Hà Nội. Hà Nội chưa bao giờ dừng loa phường mà nay phải khôi phục lại. Thực tế vẫn duy trì, bây giờ điều chỉnh lại để thân thiện với người dân hơn” - bà Hương khẳng định.
Về phần kỹ thuật, bà Hương cho biết, đã có văn bản chỉ đạo của Bộ Thông tin và truyền thông. Trong đó sẽ xây dựng thông tin nguồn, nhấn nút thì xã phường nhận được để giảm thiểu, tiết kiệm nhân lực. Qua giọng đọc AI sẽ tiết kiệm được nhân sự. Cũng như sẽ đánh giá theo dõi xem thông tin phát ở xã này, xã kia. Đây là bước tiến mong loa phường hiệu quả với người dân hơn.
Bà Hương cũng lưu ý, làm sao tuyên truyền cho người dân ủng hộ. Mấy ngày qua, nhiều người trên mạng xã hội lợi dụng chuyện này có ý kiến và bôi nhọ lãnh đạo cho rằng thế này, thế kia là không đúng. Loa phường chỉ là 1 trong những hình thức thông tin cơ sở.
Trước câu hỏi: Nhiều người băn khoăn tại sao thời đại 4.0 mà sao vẫn dùng loa phường?, bà Hương chia sẻ: Thực tế các phát thanh viên ở cơ sở đều kiêm nhiệm, chứ không có chuyên trách. Nên không làm tăng biên chế, tức là dùng công nghệ để giảm nhân sư làm việc trong lĩnh vực này. “Vừa qua TP có thí điểm 1 số thiết bị thông minh tại 1 số khu vực thì thấy rằng, thiết bị thông minh có thể tắt hoặc bật. Nhưng loa phường thì bắt buộc phải nghe. Trong đó có nhiều thông tin người dân cần phải nắm và loa phường là then chốt thông tin tại cơ sở” - bà Hương nói.