“Phố ông đồ” TP Hồ Chí Minh nằm cạnh góc ngã tư đường Phạm Ngọc Thạch - Nguyễn Thị Minh Khai (bên hông Nhà Văn hóa Thanh niên, quận 1).
Đây là không gian văn hóa xin chữ và cho chữ truyền thống của người dân thành phố từ nhiều năm qua.
Trong dịp Tết Canh Tý 2020, Phố ông đồ được khai mạc từ trước Tết và kết thúc trước ngày mùng 5 Tết, với những nét riêng độc đáo. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa thì tục xin chữ ở vùng đất Nam Bộ bắt nguồn từ thế kỷ thứ 17, tức có từ thời chúa Nguyễn vào khai phá vùng đất phương Nam, cùng với các đợt người Việt (người Kinh từ miền Bắc, miền Trung) di cư vào theo...
“Ông đồ” Võ Tuấn Xuân Thành có 12 năm theo nghề thư pháp tại “Phố ông đồ” cho biết, việc duy trì nét văn hóa truyền thống này rất có ý nghĩa trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân thành phố. Điều đó cũng cho thấy, dù quá trình di cư khai phá vùng đất mới gặp nhiều khó khăn, hiểm nguy nhưng người Việt di cư vẫn có gắng duy trì, gìn nhữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của mình ở cố hương. Đó là truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, tức trọng chữ nghĩa, trọng tri thức của cha ông.
Trải qua nhiều đời, tục xin chữ tiếp tục được duy trì, gìn giữ như một nét văn hóa truyền thống của dân tộc tại vùng đất phương Nam. Thế nhưng nhiều người đi xin chữ cũng có những đượm buồn vì hiện nay tục xin chữ có những biến đổi không còn thuần khiết như trước. Thậm chí, chúng ta không còn được thấy những ông đồ cho chữ thuần túy (miễn phí, không đòi hỏi nhận tiền công, tức tùy tấm lòng của người xin chữ) và gần như phải dùng đúng từ là “mua chữ”, với các mức giá cả không hề nhỏ. Dẫu biết các ông đồ cũng cần tiền để duy trì đam mê, duy trì một nghề thư pháp vốn ít người học, thế nhưng tâm thức về một nét đẹp trong văn hóa truyền thống cũng bị phai nhạt ít nhiều.