Chiều 5/9, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương để chuẩn bị phương án ứng phó siêu bão Yagi (bão số 3). Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự chỉ đạo cuộc họp.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cơn bão số 3 rất mạnh, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân tại nhiều địa phương. Chính phủ rất quan tâm đến diễn biến của bão. Ngay trong ngày 5/9, Thủ tướng đã ban hành 2 công điện để chỉ đạo ứng phó với bão số 3.
Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị báo cáo tập trung vào công tác ứng phó với bão, trong đó đặc biệt quan tâm đến kế hoạch cứu hộ, cứu nạn trước, trong và sau bão và yêu cầu cơ quan chuyên môn chỉ rõ những vùng ảnh hưởng chính của bão, các vùng hoàn lưu để địa phương có phương án chủ động.
Ông Hà nhấn mạnh phương châm phòng chống bão là chủ động phòng ngừa hết sức chặt chẽ, nghiêm khắc với tinh thần không có hối tiếc.
Phó Thủ tướng lưu ý cần thực hiện phòng chống bão nghiêm túc, trách nhiệm. Nếu xảy ra việc người dân còn ở lại khu vực trọng yếu, nguy hiểm, lồng bè nuôi trồng thủy sản thì người được phân công phụ trách khu vực đó phải chịu trách nhiệm. Nếu cơ quan dự báo cung cấp bản tin dự báo chính xác mà không được truyền đạt kịp thời thì phải quy trách nhiệm.
"Từ trưa mai bão tác động vịnh Bắc Bộ và đất liền nên dự báo kết hợp với hải văn, thủy văn. Hoàn lưu của bão rất lớn nên phải dự báo mưa lớn do bão gây ra. Đây là lúc nguy hiểm sau khi chống bão mệt mỏi, giảm sức lực" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị các bản tin dự báo bão cần cập nhật thường xuyên dự báo khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị trong ngày 5 đến trưa 6-9 các địa phương phải vận động, cưỡng chế du khách rời đảo để đảm bảo an toàn.
Thông tin tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm - giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết lúc 13h chiều 5/9, vị trí tâm bão số 3 cách phía đông đảo Hải Nam 460km. Cường độ bão mạnh cấp 16 (cấp siêu bão), giật trên cấp 17.
Theo ông Khiêm, khi vào vịnh Bắc Bộ, bão còn mạnh cấp 13-14, giật cấp 16, khi ảnh hưởng đất liền cường độ có khả năng còn cấp 9-12, giật cấp 13-14. Tốc độ gió dự kiến sẽ giảm nhanh sau khi đổ bộ vào đất liền. Tuy nhiên, dự báo hoàn lưu bão số 3 gây mưa rất lớn diện rộng, ngay cả khi tâm bão không đổ bộ vào Việt Nam.
Báo cáo về công tác triển khai phòng chống bão số 3, ông Phạm Đức Luận - Cục trưởng cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho biết, đến chiều 6/9 Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thông báo đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 51.319 tàu cá cùng 219.913 người biết thông tin về bão số 3 để di chuyển tránh trú.
Khu vực ven biển, trên biển các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh hiện có 52.176 ha, 19.343 lồng, bè và 3.906 chòi canh nuôi thủy sản có nguy cơ rất cao bị thiệt hại khi bão vào vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 13-14. Các địa phương đã triển khai gia cố lồng bè, khu nuôi thủy sản, không để người ở lại trên lồng bè.
Hiện còn khoảng 15.000 ha lúa hè thu chưa thu hoạch (chủ yếu tại Nghệ An) các địa phương đang tập trung thu hoạch. Bên cạnh đó, ở các địa phương khác còn 30.000 ha đã đến kỳ thu hoạch; 260.000 ha đang trỗ, chín sữa và 698.000 ha đang phân hóa đòng, chuẩn bị trỗ, nguy cơ bị ảnh hưởng nếu bị ngập úng kéo dài.
Tổng hợp từ các địa phương, ông Luận cho biết tỉnh Ninh Bình cấm biển từ 13h ngày 5/9. Các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Nghệ An dự kiến sẽ cấm biển từ ngày 6/9.
Liên quan tới 2.231 du khách còn ở trên các đảo (Quảng Ninh 154 người, Hải Phòng 2.077 người), lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết đã tiếp tục thông báo cho 154 khách trên các đảo để quyết định về bờ hoặc ở lại đảo.
Còn lãnh đạo UBND TP Hải Phòng cũng cho biết 2.077 du khách tại đảo Cát Bà đã nhận được thông tin và dự kiến đến sáng 6/9 toàn bộ du khách sẽ về đất liền.
Báo cáo về công tác ứng phó bão tại Thủ đô Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành công điện về việc chủ động ứng phó với bão số 3. Theo đó, thành phố đã tập trung rà soát, cắt tỉa cây cối để chống chịu kịp thời và hạn chế mức độ tối đa những thiệt hại bão có thể gây ra. Tiến hành nạo vét, hút bùn hệ thống các cống rãnh để tránh ngập úng đô thị ở khu vực nội thành. Tại khu vực ngoại thành, tiến hành hạ mực nước ở các hồ chứa trên địa bàn thành phố xuống gần 1m, nạo vét các công trình thủy lợi phục vụ cho sản xuất. Rà soát, đảm bảo an toàn các công trình xây dựng, đê điều, hệ thống điện, duy trì chế độ trực thường xuyên.
Tại các các tỉnh miền núi phía Bắc, hiện các tỉnh đang tích cực triển khai các kế hoạch chuẩn bị ứng phó bão và mưa lớn hoàn lưu sau bão. Chủ động các phương án ứng phó với lũ cuốn và sạt lở đất...
Cùng tham gia cuộc họp, sau khi nghe ý kiến của các cơ quan chuyên môn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, các bộ, ngành địa phương chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó, người dân cần cập nhật định kỳ thông tin về bão số 3, đồng thời đề nghị người dân trong vùng hoàn lưu bão không nên ra đường ngày 7/9 sắp tới.
Liên quan đến những địa phương bị ảnh hưởng của bão số 3 trong những ngày đầu năm học mới, ngày 4/9 Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi công điện yêu cầu các địa phương chủ động ứng phó bão số 3, không tổ chức khai giảng tại những nơi mưa lớn có nguy cơ sạt lở, ngập úng. Đồng thời lên các phương án bảo vệ an toàn cho con người và kịp di dời tài sản, máy móc, thiết bị, bàn ghế, hồ sơ, sách vở đến nơi an toàn đảm bảo không hư hại, hỏng hóc, mất mát, hạn chế tối đa thiệt hại do bão gây ra. Liên tục cập nhật thông tin, tổng hợp thiệt hại và lên phương án xử lý báo cáo UBND cấp tỉnh để khắc phục, đồng thời báo cáo về Bộ GDĐT để tổng hợp báo cáo Chính phủ.