Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Nắm tay nhau cùng phát triển du lịch

Tấn Thành - Chí Đại 28/11/2020 14:53

"Trước đây chúng ta cùng xắn tay nhau để làm, thì bây giờ chúng ta cùng nắm tay nhau để làm”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Sáng 28/11, tại Quảng Nam đã diễn ra Hội nghị toàn quốc về Du lịch năm 2020 với chủ đề “Liên kết, hành động và phát triển”, do Bộ VH,TT&DL cùng UBND tỉnh Quảng Nam thực hiện.

Dự hội nghị có ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng 400 đại biểu là lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương và các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nghỉ dưỡng…

Quang cảnh Hội nghị toàn quốc về Du lịch năm 2020.

Báo cáo tại đây của lãnh đạo Bộ VH,TT&DL cho biết kết quả phát triển vượt bậc của du lịch Việt Nam.

Cụ thể, giai đoạn 2015-2019, khách quốc tế đến Việt Nam tăng 2,3 lần, từ 7,9 triệu lượt khách lên 18 triệu lượt với tốc độ 22,7%/năm; khách nội địa tăng từ 57 triệu lượt lên 85 triệu lượt với tốc độ 10,5%/năm. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam được xếp hạng 63/140 nền kinh tế năm 2019 (tăng 12 bậc so với năm 2015).

Ngoài ra báo cáo cũng đã nêu rõ những khó khăn, hạn chế và nhiệm vụ, giải pháp để phục hồi, phát triển ngành du lịch một cách an toàn, bền vững, thích ứng với bối cảnh và xu hướng mới.

Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL cho biết, du lịch tăng trưởng tác động lan tỏa nhiều ngành, lĩnh vực đời sống xã hội, tạo ra nhiều việc làm nâng cao thu nhập, an sinh xã hội cho người dân, đồng thời góp phần nâng cao tình hữu nghị, góp phần bảo tồn văn hóa, góp phần bảo vệ môi trường và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Tuy nhiên du lịch cũng là ngành dễ tác động thiệt hại bởi thiên tai, dịch bệnh. Từ đầu năm 2020 đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch Việt Nam nói riêng và du lịch thế giới nói chung; du lịch là ngành chịu thiệt hại nặng nề và kéo theo sự sụt giảm của các ngành lĩnh vực liên quan và đời sống xã hội.

Năm 2020 dự báo lượt du du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm trên 80% so với năm 2019, khách du lịch nội địa giảm 45% và thiệt hại về nền kinh tế du lịch lên tới khoảng 33 tỷ USD.

Đại diện các doanh nghiệp cũng đề xuất các giải pháp chiến lược nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh cho ngành du lịch trong và sau Covid-19; đề xuất tái định hình chính sách hỗ trợ và cơ cấu lại ngành du lịch sau đại dịch; gợi ý xu hướng chuyển đổi số để phát triển thời “bình thường mới”; đề xuất mô hình và kinh nghiệm hợp tác, liên kết giữa các nhà đầu tư về quảng bá, xúc tiến.

Đại diện từ các vùng miền đại phương như Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế, TP Hồ Chí Minh giới thiệu các giải pháp liên kết để tối ưu hóa nguồn lực; liên kết giữa các địa phương trong vùng nhằm tạo động lực mới cho phát triển du lịch trong và sau đại dịch; ứng dụng công nghệ số trong tham quan các điểm du lịch văn hoá…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, trong bối cảnh Covid-19, không chủ động được khách đến, do đó, các địa phương cần tập trung khách du lịch nội địa, bởi "chúng ta có thị trường 100 triệu dân với tầng lớp trung lưu ngày các phát triển nhanh". Vấn đề là làm sao để người Việt được trải nghiệm du lịch cao cấp, an toàn trong du lịch.

Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, vừa rồi Tổng cục du lịch, Bộ VH,TT&DL chỉ đạo rất khẩn trương cập nhật các số liệu các cơ sở lưu trú, số hóa toàn bộ bộ các di sản kể cả các cổ vật trong bảo tàng đưa thành nguồn tài nguyên chung để phục vụ du lịch.

“Nếu phối hợp với nhau tốt hơn thì chúng ta sẽ làm được những việc tưởng chừng không làm được. Trước đây chúng ta cùng xắn tay nhau để làm, thì bây giờ chúng ta cùng nắm tay nhau để làm”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (ở giữa) cùng Bộ, ngành quyết tâm phục hồi du lịch.

Cũng tại hội nghị đã diễn ra lễ ký kết hợp tác liên kết, phát triển du lịch giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và 5 tỉnh, thành gồm: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Nắm tay nhau cùng phát triển du lịch