Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương: Có dấu hiệu chiếm đoạt phải tìm mọi cách thu hồi

T.Dương (ghi) 16/07/2015 20:19

Ngày 16-7, trao đổi với báo chí tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Ban Nội chính Trung ương về thu hồi tài sản tham nhũng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Phạm Anh Tuấn cho rằng: Không phải chỉ trọng án mà trong thanh tra cũng phải nghĩ chuyện thu hồi tài sản tham nhũng; trong kiểm tra Đảng cũng phải nghĩ đến chuyện thu hồi tài sản tham nhũng.

Ông Phạm Anh Tuấn

Vừa qua Bộ Công an đã bắt được Giang Kim Đạt, bị can này đã chuyển rất nhiều tiền tham ô, tham nhũng ra nước ngoài. Ban Nội chính Trung ương đánh giá rất cao cơ quan An ninh điều tra trong thời gian vừa rồi xử lý vụ Vinashin, trong đó có vụ Giang Kim Đạt tham ô 18,6 triệu USD. Tôi hy vọng đây là tiền đề, là phát súng đột phá trong chuyện thu hồi tài sản tham nhũng. Không phải chỉ trọng án mà trong thanh tra cũng phải nghĩ chuyện thu hồi tài sản tham nhũng; trong kiểm tra Đảng cũng phải nghĩ đến chuyện thu hồi tài sản tham nhũng. Có thể không chứng minh được hành vi tham nhũng theo luật pháp đầy đủ vì hành vi nó ẩn, không phải dễ chứng minh nhưng thiệt hại hay có dấu hiệu chiếm đoạt là có thể chứng minh được thì phải tìm mọi cách thu hồi về. Vụ Giang Kim Đạt có đánh giá rất tốt và được dư luận đồng tình ủng hộ. Nếu chúng ta không kiên trì, kiên quyết làm thì xã hội không biết, không ai nghĩ một cán bộ rất ít tuổi thôi, cấp thì chỉ trưởng phòng, sống chìm như thế; không ai biết mà có thể dễ dàng tham nhũng, tham ô một khối tài sản quá lớn. Đây là một điều không thể chấp nhận được. Nhưng tôi nghĩ đấy có lẽ chưa phải trường hợp duy nhất đâu.

Giang Kim Đạt có tài sản ở nước ngoài, vậy làm sao có thể thu hồi được, thưa ông?

Hiện nay cái vướng là tài sản của đối tượng tham nhũng ở Việt Nam mà mua ở nước ngoài thì thu hồi thế nào? Nó mắc ở câu chuyện là giữa Việt Nam và quốc gia đó có ký kết hiệp định tương trợ tư pháp hay không? trong đó có nội dung kê biên phong toả tài khoản, tài sản. Mỗi nước có quy định riêng. Nhưng rất may là hiện nay số quốc gia tham gia công ước về chống tham nhũng của Liên hiệp quốc là tương đối nhiều. Việc kê biên tài sản hoặc phong toả tài sản của Giang Kim Đạt ở nước ngoài, đặc biệt là Singapore tôi nghĩ là không khó. Rất mừng là vụ việc được Interpol rồi Singapore giúp đỡ nhiệt tình. Tôi cho rằng chúng ta phải kiên quyết thu hồi, không thu hồi xã hội không thể chấp nhận được.

Thưa ông việc chuyển tài sản cho người thân hiện nay rất phổ biến. Có giải pháp gì để ngăn chặn việc ấy?

Hiện chưa ai thống kê, chưa ai nghiên cứu cụ thể diều này; và đấy là thủ đoạn tương đối phổ biến của những người tham nhũng bởi họ cũng chả dại gì trực tiếp tham gia các giao dịch hay đứng tên các giao dịch, tài sản. Bởi nếu có chức vụ thì đứng tên thì anh phải kê khai tài sản. Nếu đứng tên mình thì tài sản lộ liễu quá người ta sẽ đặt dấu hỏi ngay: Với thu nhập chính thức anh lấy đâu ra tiền mua cái này? Cho nên việc đứng tên người thân, người quen là cách tẩu tán, biến hoá tài sản đi dưới nhiều hình thức khác nhau.

Về mặt chủ quan chúng ta đều cảm nhận được nhưng để kết luận rằng có đúng tài sản này được hình thành từ nguồn tài sản tham nhũng không thì nó phải có quy định pháp lý rất chặt chẽ. Bởi vì chúng ta cũng mong muốn chống tham nhũng quyết liệt; nhưng chúng ta cũng phải thận trọng là tránh làm quá đi khiến nó thành oan sai. Khi mà mình áp dụng các biệt pháp để tước đoạt lại tài sản ấy, thu hồi tài sản ấy thì cũng rất yên tâm. Biết là có nhưng vừa làm cũng phải vừa thận trọng.

Vậy phải chăng cơ chế kiểm soát thu nhập của mình nó đang hổng? Có giải pháp gì để ngăn chặn, thưa ông?

Ở đây có 2 góc độ. Góc độ thứ nhất là chúng ta phải xem lại cơ chế quản lý kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh hay cơ chế quản lý các doanh nghiệp như thế nào để cho một cán bộ không phải cao mà tham nhũng được với một số lượng tài sản lớn như thế. Cái thứ hai là cơ chế kiểm soát thu nhập hay là công khai minh bạch tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, đúng là nó cũng đang có những cái hơi bất cập. Cái chính là đừng để việc xảy ra; nghĩa là cơ chế kiểm soát sao cho người ta không thể tham ô một cách dễ dàng.

Tại thời điểm chuẩn bị đại hội Đảng các cấp, tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan đến nhân sự, đặc biệt về tài sản và các mối quan hệ cá nhân ra sao? Ban Nội chính Trung ương có kế hoạch tiếp nhận, kiểm tra, giải quyết thế nào để góp phần đảm bảo công tác nhân sự cho Đại hội Đảng?

Đây là một hiện tượng vẫn thường xảy ra trong việc phản ảnh, tố cáo tiêu cực, tham nhũng trước bất cứ sự kiện chính trị nào. Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương; đặc biệt là Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan chức năng của Chính phủ cùng các cơ quan chức năng của các ban Đảng đương nhiên có trách nhiệm lắng nghe, tiếp nhận những thông tin đó để giúp cho việc bổ sung nhân sự cấp ủy của nhiệm kỳ mới không để những người tham nhũng, tiêu cực tham gia vào cấp ủy mới.

Đối với Ban Nội chính Trung ương, những dịp này cũng nhận được một số đơn tố cáo, phản ánh, thậm chí điện thoại. Ngay trong điện thoại của tôi cũng có nhiều tin nhắn. Có những người mình chưa hề biết tên, biết mặt, nhưng gọi liên tục để thông tin. Về nguyên tắc là tiếp nhận, nhưng không phải mọi thông tin đều xác định sự việc là như thế; mà căn cứ vào nội dung thông tin tiến hành thủ tục xác minh làm rõ. Ban Nội chính Trung ương sẽ đề nghị hoặc chuyển các cơ quan chức năng, để kiểm tra và thông tin lại kết quả. Tới đây, các ban Đảng, trong đó có Ban Nội chính Trung ương sẽ được mời, cùng với Bộ Chính trị xem xét các văn kiện cũng như công tác nhân sự chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ cấp tỉnh, thành trực thuộc Trung ương. Những thông tin như thế, nếu có căn cứ thì sẽ được nêu ra khi Bộ Chính trị xem xét các phương án nhân sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương: Có dấu hiệu chiếm đoạt phải tìm mọi cách thu hồi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO