Trong chuyến công tác ngắn ngủi 5 ngày dự, đưa tin Diễn đàn kinh tế kiều bào toàn cầu lần thứ nhất, tôi có may mắn được gặp rất nhiều kiều bào ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Họ là những lưu học sinh đăng ký làm tình nguyện cho diễn đàn, là những doanh nhân kiều bào đang dần góp phần “định danh” cho doanh nhân Việt trên bản đồ kinh tế của Hàn Quốc.
Thực đơn quán Quê hương và bát phở bò 100% vị Bắc.
Vươn lên trong khó khăn
Một trong những người tôi gặp trong chuyến công tác ấy và để lại trong tôi nhiều ấn tượng là chị Lê Thị Hoài Thu. Người phụ nữ ngoài 40, thấp nhỏ, có nụ cười thường trực là một trong những “tình nguyện viên” tiếp đón chúng tôi ngay từ phút đầu tiên đáp xuống sân bay Incheon. Nụ cười và sự nhiệt tình không giới hạn đó cũng là một ấn tượng khó quên mà Hoài Thu và các thành viên Ban Chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Hàn Quốc (VIBAK) cùng các tình nguyện viên sinh viên mang đến, giúp chúng tôi xua tan cái lạnh se sắt trong một ngày Incheon tự nhiên trút mưa. Nhưng, điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là đằng sau vẻ ngoài nhỏ nhắn, sự nhiệt tình và hiền lành là một người phụ nữ bản lĩnh, nghị lực của một trong những cô dâu Việt đã thực sự làm nên chuyện trên đất Hàn - người đã chắp cánh cho ẩm thực quê nhà nơi xa xôi.
Trong câu chuyện giữa chúng tôi, Hoài Thu kể về những ngày đầu không mấy êm ả của chị khi đến xứ Kim chi. Chị tới Hàn Quốc tới năm nay đã là năm thứ 25. Ngày đầu chị được cử đến Hàn Quốc để học cách dệt tất, nhưng chỉ được 10 tháng, nhà máy nơi Thu làm việc phá sản. Sau đó, chị chuyển sang làm cho một nhà máy dệt len nhưng chính chị cũng không trụ được ở nhà máy này đủ lâu, vì chỉ sau 1 năm, nhà máy cũng phá sản. Cứ như thế, trong khoảng 3-4 năm đầu đến xứ kim chi, chị Thu đã chuyển tới 3 nhà máy nhưng cuộc sống thật sự cũng không mấy dễ dàng với một cô gái Việt còn trẻ người non dạ ở nơi đất khách quê người. Một trong những điều an ủi nhất đối với cô gái trẻ Hoài Thu khi ấy là chị đã tìm được một nửa của mình ở nơi đây. Người đàn ông Hàn Quốc ấy yêu và cưới cô gái người Việt có cái tên gợi nhớ về những hoài niệm mùa thu và họ đã gắn bó với nhau đến nay hơn 20 năm, có với nhau 3 người con gái xinh xắn, dễ mến, đặc biệt rất yêu quê ngoại, yêu văn hóa và tiếng Việt. Hai cô con gái đầu của chị Thu đang học đại học; trong đó có một cháu đang học tiếng Việt ở quê ngoại, một cháu đang học ngành sư phạm trên Seoul và cô út đang học cấp hai. “Các con tôi dù nói tiếng Việt mới bập bẹ nhưng các cháu luôn tranh thủ để được nói tiếng Việt mọi lúc, mọi nơi” - chị Thu kể với giọng không giấu nổi tự hào.
Quán Việt có cái tên gợi nỗi nhớ nhà
Nói về cơ duyên đưa chị đến với nghiệp kinh doanh nhà hàng, Hoài Thu kể: Lúc mới đặt chân đến Hàn Quốc năm 1994, người Việt ở đây hầu như không nhiều, quán ăn Việt vì thế cũng không có. Mỗi lần thèm ăn món Việt, chị lại cảm thấy nhớ quê hương da diết. Rồi cộng đồng mình dần lớn mạnh thêm, mình bèn nung nấu ý tưởng mở quán phở Việt với một ý nghĩ đơn giản, ai đi xa quê cũng nhớ về quê hương. Và thế là quán Quê hương ra đời, để kiếm thêm thu nhập và có việc làm; tuy nhiên, trong lòng người phụ nữ Việt vẫn canh cánh một nỗi lo: Không biết mình có trụ nổi nơi đất Hàn hay không?
Bà chủ quán Quê hương Lê Thị Hoài Thu.
Quán Quê hương của chị Thu những buổi đầu tiên chỉ là một quán nhỏ rất khiêm nhường trên một khu phố ở thành phố Ansan (tỉnh Gyeonggi), vùng Nam Seoul - nơi được xem là một trong những thành phố tập trung đông bà con Việt nhất. Bán phở và bán thêm những thực phẩm Việt, Philipinnes, Bangladesh, tóm lại với mục tiêu cái nọ bù cái kia, chỉ mong kiếm thêm chút đỉnh. Thế nhưng, nhờ có chiến lược kinh doanh; đặc biệt là có tay nghề nấu nướng được thừa hưởng từ người cha, quán của chị Thu ngày một đông khách. Chị kể: “Năm 2002, khi mới mở, quán hầu như chỉ phục vụ cho người Việt mình. Nhưng sau 10 năm, khách Hàn Quốc cũng rất nhiều; thế là lúc đầu chỉ có ý định mở quán phục vụ cho cộng đồng Việt nhưng đến nay những khách hàng quen thuộc của quán là người Việt, người Hàn, người Philipinnes”...
Quán Quê hương mà chúng tôi tới thăm đã là địa điểm thứ 3 mà chị Thu lựa chọn; bởi nhu cầu mở rộng của quán là rất cấp thiết và sự yêu mến của thực khách đã giúp người phụ nữ Việt bé nhỏ đang ngồi trước mặt tôi có thêm động lực để làm mọi thứ nhằm đáp ứng yêu cầu thưởng thức ẩm thực Việt của những thực khách đáng mến. Đến nay chị Thu đã là bà chủ sở hữu 3 quán ăn Quê hương, 2 tại Ansan và 1 tại Seoul. Trong số đó chị Thu có một quán đặt ngay trong siêu thị Lotte Mart của Hàn Quốc. Và đây cũng là người Việt duy nhất tại Hàn Quốc cho đến thời điểm này có thương hiệu thâm nhập được vào hệ thống siêu thị hàng đầu của xứ Kim chi.
Hiện menu của quán Quê hương đã lên tới 70 món Việt. Món bán chạy nhất luôn luôn là phở Việt. “Niềm vui tôi tìm thấy trong quá trình gây dựng các quán ăn là rất lớn. Lúc đầu khách hàng Việt bảo, chị Thu ơi, chị có ý tưởng tuyệt vời. Còn khách hàng Hàn Quốc đã từng đi thăm Việt Nam, nhiều người ghé quán để tìm lại những hoài niệm đẹp về những tháng ngày sống tại Việt Nam. Họ bảo tôi, quán phở của nhà chị là quán ngon nhất trên đất Hàn. Đến nay, nhiều người Hàn Quốc đặt vấn đề muốn được nhượng quyền thương hiệu phở và các món ăn truyền thống của quán Quê hương” - chị cười hiền kể với tôi.
Tại quán Quê hương, tôi may mắn gặp Phan Văn Hợi, quê Hà Tĩnh đã sang Ansan 4 năm, làm nghề đi biển. Anh Hợi là khách hàng thường xuyên của quán Quê hương. Hợi bảo, anh quen ăn ở quán này vì thấy hợp khẩu vị với những món Bắc 100%. Còn người đàn ông Hàn Quốc cũng là một khách quen của quán Quê hương thì bảo, tới Ansan vào mỗi cuối tuần, anh và bạn gái người Việt bao giờ cũng tìm đến quán Quê hương để thưởng thức món ăn Việt. Anh khách này khoe: “Tôi đã ăn đến vài chục món ở quán và thích nhất là phở, nem rán, phở cuốn, kể cả một số món lẩu”.
Khách hàng của quán Quê hương.
Không chỉ có thực đơn phong phú, mà quán Quê hương còn đạt chứng nhận an toàn thực phẩm của Hàn Quốc. Những thực phẩm đậm chất Việt như phở, bún, bánh đa cùng nhiều nguyên liệu khác được nhập khẩu trực tiếp từ các công ty cung ứng thực phẩm uy tín. Về rau gia vị, mùa đông quán Quê hương mua từ các siêu thị, mùa hè chị Thu tự trồng trên mảnh đất có diện tích 1.000 mét vuông của gia đình.
Gặp những người như chị Thu ở một nơi rất xa quê hương, nghe câu chuyện của chị càng khiến tôi tin vào tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước và sự tự lực vươn lên của những người con sống xa Tổ quốc. Họ nương tựa vào nhau, lập ra những hội đoàn như VIBAK để có thêm thật nhiều cơ hội chia sẻ, hỗ trợ nhau và cảm nhận rõ hơn tình cảm quê hương gắn bó.