Sức khỏe

Phổi tắc nghẽn mạn tính: Căn bệnh gây tử vong cao

Đức Trân 27/11/2023 14:23

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong trên thế giới. Tại Việt Nam, ước tính tỷ lệ mắc bệnh này là 9% dân số, được cho là cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

bai-chinh(2).jpg
Người dân khám sàng lọc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Mai Thanh.

Số liệu thống kê cho thấy, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các bệnh không lây nhiễm khác như bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường, hen phế quản đang ngày càng gia tăng và trở nên phổ biến, có những những tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế - xã hội.

Hiện nay, số người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trong cộng đồng rất lớn. Theo số liệu sơ bộ của điều tra yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2020 do Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới và Tổng cục Thống kê, có tới 3,1% số người trưởng thành (từ 18 - 69 tuổi) từng được chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Tại lễ Hưởng ứng Ngày bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính toàn cầu năm 2023 vừa qua, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một trong những bệnh không lây nhiễm cần được quản lý và có chiến lược trong phòng và điều trị bệnh nhằm giảm gánh nặng y tế, kinh tế xã hội do bệnh gây ra. Các bệnh không lây nhiễm đang là nguyên nhân tử vong hàng đầu, lớn hơn tất cả các nguyên nhân tử vong khác cộng lại.

Theo cơ quan chức năng, ước tính vào năm 2019 có 592.000 ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm, chiếm 81,4% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân. Trong đó chủ yếu là tử vong do các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh hô hấp mạn tính (bao gồm bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản), chiếm 66,2% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân. Trong số các ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam, có 41,5% tử vong sớm xảy ra trước tuổi 70.

Ông Cơ cũng thông tin: Tại Việt Nam, tần suất mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trung bình và nặng đứng cao nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Báo cáo kết quả triển khai quản lý bệnh tại tuyến y tế cơ sở hoạt động phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản năm 2016-2020 của Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, tỷ lệ người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản được phát hiện ở giai đoạn sớm trước khi có biến chứng đạt 35%. Tỷ lệ người bệnh được phát hiện, điều trị theo hướng dẫn chuyên môn đạt hơn 39%.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh lý hô hấp mạn tính làm tắc nghẽn luồng khí thở ra. Ở giai đoạn muộn, bệnh nhân khó thở khi gắng sức hoặc chỉ là gắng sức nhẹ, có thêm các biểu hiện đi kèm như phù chân, tím môi, tràn khí màng phổi, suy tim do thiếu ô xy, giảm tuổi thọ. Tỷ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn nặng là 70%, còn với giai đoạn rất nặng chỉ là 30%.

Đáng lo ngại hơn khi phần lớn triệu chứng của người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn sớm thường không rõ ràng nên dễ nhầm lẫn với các bệnh hô hấp khác, đồng thời khiến người bệnh dễ chủ quan dẫn đến không đi khám và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân chính gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là hút thuốc lá, bệnh hay gặp ở nam giới trên 40 tuổi. Hút thuốc lá chiếm hơn 90% các trường hợp mắc bệnh. Khoảng 20-30% số người hút trên 20 điếu thuốc lá mỗi ngày sẽ có các biểu hiện sớm hoặc muộn của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Để phòng tránh bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, các chuyên gia khuyến cáo, không hút thuốc là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất để phòng ngừa và thay đổi diễn tiến ở tất cả các giai đoạn của bệnh kể cả ở mức độ chưa có triệu chứng hay mức độ rất nặng.

Hạn chế đến mức thấp nhất tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như khí, hóa chất, khói độc hại, bụi. Nếu công việc buộc phải làm việc trong môi trường khói bụi thì cần có bảo hộ lao động để bảo vệ đường hô hấp đúng tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó, việc chẩn đoán sớm và tư vấn điều trị sớm giúp ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh, phòng ngừa biến chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Hiện có 245 phòng quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản trên cả nước, 106 phòng quản lý tuyến tỉnh, 239 phòng quản lý tuyến huyện, 2.264 trạm y tế xã/phường có hoạt động dự phòng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phổi tắc nghẽn mạn tính: Căn bệnh gây tử vong cao