Phòng cháy, chữa cháy và... báo cháy giả

Ngọc Minh 29/05/2023 08:52

Việc siết chặt và tăng cường các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ là cần thiết, giúp giảm rủi ro cháy nổ và nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ cơ sở, doanh nghiệp (DN) và người dân. Tuy nhiên, “chặt quá” cũng khiến DN khó đáp ứng, nhất là khi phải bỏ ra nhiều chi phí để đáp ứng theo quy định. Một giám đốc DN cho biết, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC liên tục thay đổi, trong vòng 18 tháng, có tới 3 văn bản, trong đó có 2 thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng liên quan đến quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình, khiến DN “rối”.

Trong số đó có các cơ sở kinh doanh karaoke, nhất là ở các thành phố lớn, diện tích chật hẹp nên khó có thể đáp ứng đầy đủ điều kiện mới quy định về an toàn PCCC. Nhiều người cho biết, muốn đáp ứng được cải tạo, sửa chữa lại nhà, trong khi kết cấu nhà rất khó thay đổi. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng cần nới lỏng quy định PCCC, không nên cứng nhắc. Chủ cơ sở bỏ ra nhiều tiền để kinh doanh, nhưng do không thực hiện được theo quy định PCCC mới, phải đóng cửa, ngừng hoạt động dẫn tới tốn kém lớn.

Trước đó, ngày 5/4, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về vấn đề này. Công điện đánh giá việc triển khai công tác PCCC đã giúp kiềm chế, giảm thiểu số vụ, thiệt hại do cháy nổ gây ra. Tuy nhiên, để đảm bảo vừa tuân thủ quy định PCCC vừa không ảnh hưởng đến việc kinh doanh, sản xuất của DN, người dân, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì cùng Bộ Xây dựng rà soát lại chính sách, pháp luật PCCC để sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất lên cấp cao hơn để chỉnh sửa. Cả hai bộ được yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh, đồng thời cắt giảm thủ tục hành chính.

Người đứng đầu tại các địa phương cũng được giao xử lý ngay những bất cập trong quản lý nhà nước cũng như xử lý dứt điểm những vi phạm PCCC trong đầu tư xây dựng theo thẩm quyền để tháo gỡ vướng mắc cho người dân, DN.

Liên quan đến vấn đề này, nhiều ý kiến nêu thắc mắc rằng người dân có tốn chi phí khi gọi lực lượng cảnh sát PCCC đến chữa cháy hay không? Theo quy định của pháp luật, lực lượng Cảnh sát PCCC thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ hoàn toàn miễn phí. Mọi chi phí cho công tác tổ chức chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đều do nhà nước chi trả. Điều đó có nghĩa, người dân gọi lực lượng Cảnh sát PCCC đến chữa cháy và cứu nạn cứu hộ sẽ không mất bất kì một khoản chi phí nào. Tuy nhiên, khi có kết luận điều tra và xác định rõ nguyên nhân là do cố ý hay sơ suất, tùy theo mức độ nặng nhẹ mà bị xử phạt vi phạm hành chính, còn nếu vi phạm do lỗi cố ý mà gây hậu quả thì sẽ bị xử lý hình sự.

Nghị định số 144/2021 ngày 31/12/2021 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; PCCC; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình. Trong đó tại khoản 2 Điều 42 có quy định: Phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

-Không báo cháy, sự cố tai nạn hoặc ngăn cản, gây cản trở việc thông tin báo cháy sự cố tai nạn;

-Báo cháy giả; báo tin sự cố, tai nạn giả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phòng cháy, chữa cháy và... báo cháy giả

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO