Điện Biên là tỉnh có đường biên giới dài, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập. Song, Điện Biên đã tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, các bản làng vùng biên, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, qua đó, đã giúp tỉnh giữ vững “vùng xanh” trong những tháng gần đây.
Ông Lò Văn Mừng, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Điện Biên trò chuyện với PV Báo Đại Đoàn Kết.
PV:Đối với một tỉnh có đường biên giới dài, lại có nhiều đường ngang, lối mở thì công tác phòng chống Covid-19 gặp những khó khăn, phức tạp như thế nào, thưa ông?
Ông Lò Văn Mừng: Vị trí địa lý phức tạp là một khó khăn lớn trong công tác phòng dịch. Đường biên giới trên địa bàn không chỉ dài mà còn có nhiều đường mòn, lối mở. Ngoài ra, các trang thiết bị ở vùng sâu không có điện, giao thông đi lại chủ yếu là đường rừng trong núi nên việc trang bị các trang thiết bị cho anh em các chốt kiểm soát rất khó. Xác định “phòng hơn chống”, công tác tuyên truyền luôn được các địa phương đưa lên hàng đầu với quyết tâm ngăn chặn không cho dịch xâm nhập.
Cán bộ y tế ở cơ sở, chính quyền, MTTQ các địa phương tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động; đặc biệt, đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, đội ngũ già làng, trưởng bản đã thường xuyên đến các gia đình hướng dẫn cách phòng tránh bệnh này cùng với lợi thế từ hệ thống loa truyền thanh rộng khắp kết hợp với đội ngũ tuyên truyền viên y tế và trưởng thôn, bản, những nội dung về dịch bệnh Covid-19 và các biện pháp phòng tránh được hướng dẫn đến từng người dân.
Riêng khu vực biên giới, tỉnh thành lập và giao cho biên phòng làm lực lượng nòng cốt của các trạm để kiểm soát cửa khẩu, các lối mòn để ngăn chặn từ khu vực biên giới. Vì lâu nay, bà con 2 bên biên giới vẫn qua lại, như vậy sẽ tiềm ẩn những nguy cơ lây nhiễm. Ngoài lực lượng chủ chốt của Biên phòng còn có lực lượng của Hải quan, Công an cùng tham gia cũng như dân quân của các địa bàn, địa phương cùng phối hợp để tham gia các chốt kiểm dịch.
Là địa bàn từng bùng phát dịch bệnh và luôn có nguy cơ tiềm ẩn, trong khi điều kiện y tế còn hạn chế, Điện Biên đã chuẩn bị thế nào để ứng phó nếu không may nhiều người trở thành F0?
- Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn nhiều kịch bản cụ thể theo các cấp độ khác nhau. Hiện nay, kịch bản ở cấp độ bình thường như thời điểm hiện nay thì từ thành phố cho đến các thị xã đều có các khu cách ly tâp trung và nơi điều trị F0 được tập trung về trung tâm thành phố, tập trung các lực lượng y, bác sĩ đủ điều kiện chữa trị bệnh cho các bệnh nhân.
Còn lại, các địa bàn huyện, thị khác các đối tượng F1, F2 phải cách ly tại nhà cũng có các phương án rất cụ thể để phân loại từng đối tượng một để có cách quản lý, theo dõi và có các trường hợp phân tách kịp thời.
Với địa bàn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số như tỉnh Điện Biên, việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến mỗi người dân, đặc biệt là với những người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và khu vực giáp biên sẽ là ưu tiên hàng đầu. Bởi khi mỗi người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng sẽ là cách phòng tránh hiệu quả nhất trước nguy cơ dịch bệnh có thể xảy ra.
Đây cũng là nơi mà vai trò của Mặt trận, các đoàn thể nhân dân phát huy hiệu quả cao độ. Cán bộ Mặt trận và các đoàn thể tuyên truyền cho đoàn viên, hội viên của mình và nhân dân thực hiện cho tốt chỉ đạo về phòng, chống dịch, thực hiện tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, luôn luôn nâng cao cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch. Điều này tạo nên biến chuyển về nhận thức bà con. Bà con ở vùng sâu, vùng xa có con em đi làm việc ở các khu công nghiệp khi trở về đã ý thức khai báo kịp thời; không hợp tác để đưa người qua biên giới...
Với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc tiếp cận các phương tiện truyền thông còn hạn chế nhất định, Điện Biên đã làm thế nào để khắc phục những khó khăn này, thưa ông?
- Ngoài phát huy vai trò của cán bộ địa phương, già làng, trưởng bản, đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa chúng tôi phối hợp cơ quan thực hiện tuyên truyền bằng tiếng dân tộc thiểu số trên Đài Tiếng nói của tỉnh Điện Biên, đài phát thanh các huyện. Bên cạnh đó, chúng tôi phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của Tổ Covid cộng đồng để có sự bọc lót, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình vận động, tuyên truyền sao cho cụ thể, kịp thời và hiệu quả.
Còn ở những xã sát biên công tác tuyên truyền phòng dịch Covid-19 tới từng người dân được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng chú trọng triển khai. Không được tiếp cận thông tin dễ dàng như ở những vùng trung tâm thị trấn, thành phố, nên việc đi trực tiếp tới từng hộ dân tuyên truyền được coi là biện pháp hiệu quả để đưa thông tin dịch bệnh sát đến từng người dân ở các bản biên giới.
Thủ tướng Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ra Lời kêu gọi ủng hộ Quỹ Vaccine cũng như ủng hộ các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Đến nay, tỉnh Điện Biên đã hưởng ứng và tổ chức triển khai được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Hưởng ứng Lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, riêng Quỹ Vaccine phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đã vận động được hơn 6 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ vận động được cả bằng tiền và hiện vật đã được tỉnh hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Điện Biên có huyện Nậm Pồ là điểm nóng về dịch bệnh, cả tỉnh phải dồn lực là các trang thiết bị y tế, nước khử khuẩn, lương thực thực phẩm… nên người dân trong khu vực cách ly hoàn toàn yên tâm không phải lo nhu yếu phẩm đảm bảo cuộc sống hàng ngày; đồng thời, công tác chữa trị được thực hiện bài bản, chu đáo. Tỉnh Điện Biên cũng tổ chức 3 đoàn y, bác sĩ đi tăng cường cho TP HCM và tỉnh Bình Dương.
Nguồn kinh phí còn lại được dùng để mua trang thiết bị, sinh phẩm phục vụ công tác phòng dịch đều cần phải có nguồn lực rất lớn nên tỉnh cũng cố gắng để đảm bảo được nguồn lực đó. Trong lúc khó khăn, các tỉnh phía bắc của nước bạn Lào đã tặng hơn 300.000 kít thử Covid-19. Việc này thể hiện tình cảm tốt đẹp của nhân dân hai nước.
Trân trọng cảm ơn ông!