Mỗi năm, tăng huyết áp gây tử vong cho 4,9 triệu người vì bệnh tim thiếu máu cục bộ, 2 triệu người vì đột quỵ chảy máu não và 1,5 triệu người vì đột quỵ thiếu máu não.
BS Khổng Tiến Bình - Trưởng khoa Nội, Can thiệp tim mạch – hô hấp, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, theo một số thống kê cho thấy, độ tuổi mắc tăng huyết áp đang ngày càng trẻ hóa, bệnh viện đã từng ghi nhận những ca được xác định tăng huyết áp khi tuổi đời mới 22.
“Gần đây nhất là trường hợp bệnh nhân N.V.M. (23 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội), kết quả siêu âm tim cho thấy bệnh nhân bị dày thành tim, biến chứng do tăng huyết áp. Vào thời điểm đó, huyết áp của bệnh nhân tăng lên 150/100mmHg. Ở độ tuổi 23, với chỉ số như vậy, bệnh nhân có nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim bất cứ lúc nào” - BS Bình cho biết.
Tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới. Theo số liệu thống kê từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay, hơn 1 tỷ người bị tăng huyết áp và số người mắc ngày càng tăng lên. Mỗi năm, tăng huyết áp gây tử vong cho 4,9 triệu người vì bệnh tim thiếu máu cục bộ, 2 triệu người vì đột quỵ chảy máu não và 1,5 triệu người vì đột quỵ thiếu máu não.
Tại nước ta, theo số liệu mới nhất cho thấy có khoảng 25,1% người trên 25 tuổi tăng huyết áp. Trong đó, số người biết mình tăng huyết áp và điều trị thấp, chỉ chiếm 34,2% và kiểm soát tốt huyết áp chỉ có 11% số bệnh nhân. Những bệnh nhân trẻ, nếu không phát hiện tình trạng tăng huyết áp sớm dễ dẫn tới các vấn đề nguy hiểm, đặc biệt là biến chứng tim mạch gây đột quỵ não, nhồi máu não, suy thận…
“95% tăng huyết áp không có nguyên nhân, thường tập trung ở nhóm tuổi trung niên và người cao tuổi. Còn lại 5% tăng huyết áp có nguyên nhân thường tập trung ở nhóm người trẻ. Nguyên nhân tăng huyết áp thường do bệnh lý về thận, như: Suy thận, sỏi thận, viêm cầu thận cấp. Ngoài ra, bệnh nhân tăng huyết áp còn do có rối loạn chuyển hóa, cường tuyến giáp, tuyến yên, tuyến thượng thận và do hút thuốc, béo phì…” - BS Bình thông tin.
Cũng theo BS Bình, những biến chứng của tăng huyết áp rất nguy hiểm, khó lường, thậm chí gây tử vong. Trong các ca bệnh về tim mạch, đột quỵ hiện nay, khoảng 70% liên quan đến tăng huyết áp.
Mặc dù là căn bệnh rất nguy hiểm nhưng bệnh tăng huyết áp thường không có triệu chứng đặc hiệu. Theo đó, đa phần bệnh nhân đến khám có biểu hiện: Hồi hộp, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, hoa mắt, chóng mặt, đau đầu… Khi siêu âm tim phát hiện độ dày thành tim tăng, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị tăng huyết áp. Một trong những dấu hiệu sớm của tăng huyết áp chính là dày thành tim. Do đó, nhiều người không phát hiện bệnh kịp thời, mà chỉ tình cờ phát hiện tăng huyết áp khi đi khám một bệnh lý khác.
Theo các chuyên gia y tế, tăng huyết áp là một bệnh mạn tính. Để ngăn ngừa lâu dài các biến chứng, người bệnh cần phải kiểm soát tốt huyết áp, bằng cách áp dụng lối sống khoa học và tuân thủ thuốc điều trị của bác sĩ.
Cụ thể, người bệnh phải có chế độ ăn hợp lý, duy trì cân nặng lý tưởng với chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5 đến 22,9, tích cực giảm cân (nếu quá cân). Bên cạnh đó, cần hạn chế uống rượu, bia, ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào, tăng cường tập thể dục, đi bộ, đi xe đạp hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày; tránh lo âu, căng thẳng thần kinh, tránh bị lạnh đột ngột.
Các bác sĩ khuyến cáo, người trưởng thành cần thường xuyên đo, kiểm tra huyết áp đúng cách để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp; uống đúng thuốc, đủ liều, đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ; không tự ý dừng thuốc, thay đổi thuốc, tăng hoặc giảm liều… Đồng thời, cần có chế độ ăn giảm mặn và mỡ. Chế độ ăn thừa muối có nguy cơ cao dẫn tới tăng huyết áp cũng như các bệnh tim mạch.