Phòng ngừa say nắng

P.Vân 04/07/2021 07:42

Theo BS Nguyễn Sơn Nam, Bệnh viện đa khoa Hà Đông (Hà Nội), vào những ngày nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời có khi lên tới 40 độ C có nguy cơ đe dọa sức khỏe, gây say nắng, say nóng, sốc nhiệt.

Thời gian qua, bệnh viện tiếp nhận và cấp cứu nhiều trường hợp nhập viện do say nắng, sốc nhiệt. Trung bình một ngày từ 2 đến 3 người, chủ yếu là lao động ngoài trời. Say nắng, say nóng là một bệnh lý nằm trong nhóm bệnh lý thân nhiệt. Đây là nhóm bệnh lý có thể phòng ngừa được, thường gặp trong mùa hè, nhất là trong những ngày nắng nóng cao điểm, nhiệt độ tăng cao đột ngột.

Theo BS Nam, cơ thể con người có cơ chế điều hòa thân nhiệt cân bằng, quanh mức 37 độ C. Nếu cơ thể ở trong thời tiết nắng nóng kéo dài, trên 41 độ C, chức năng của các cơ quan quan trọng như não, tim, phổi, thận và đặc biệt khi nhiệt độ tăng quá cao, các hoạt động chuyển hóa trong cơ thể sẽ rối loạn nghiêm trọng "dẫn đến hôn mê, co giật". Nhóm nguy cơ cao bị sốc nhiệt là những người lao động ngoài trời nắng nóng với cường độ liên tục hoặc người cao tuổi, trẻ nhỏ, những người có bệnh lý nền, bệnh mạn tính.

Ngoài ra, sự giảm nhiệt độ môi trường làm tăng nguy cơ đột quỵ. Các nhóm người có nguy cơ bị đột quỵ do nhiệt độ thay đổi, bao gồm người cao tuổi, có bệnh lý tim mạch kèm theo như tăng huyết áp, rung nhĩ, suy tim... Đột quỵ não nếu không được xử trí, cấp cứu kịp thời có thể gây nên các biến chứng nghiêm trọng, làm giảm chất lượng cuộc sống, thậm chí tử vong.

Các biểu hiện của say nắng có thể diễn tiến từ sớm là trạng thái mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, da mặt đỏ gay, rối loạn tri giác, khó thở, tụt huyết áp, nhịp tim tăng lên và có thể hôn mê. Nặng hơn là suy thận, ảnh hưởng đến não, tim và có thể tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.

Các bác sĩ khuyến cáo, 1 giờ sau khi bị say nắng, say nóng ở mức độ nặng được gọi là "thời điểm vàng" để cấp cứu, hiệu quả gần như đạt 100%. Trường hợp cấp cứu chậm trong vòng 3 giờ sau khi bị đột quỵ não do nóng thì tỷ lệ tử vong sẽ rất cao.

Khi gặp người bị say nắng, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến nơi mát mẻ, thoáng khí. Cởi bỏ quần áo và sử dụng khăn ướt đắp vào cổ, nách, bẹn. Không nhúng người bệnh vào nước để tránh nguy cơ bị hít sặc; cho bệnh nhân uống nước để hạ thân nhiệt.

Đối với người bình thường cần che chắn cơ thể khi đi ra ngoài đường để tránh bị tăng thân nhiệt, không tắm nước lạnh ngay khi vừa đi ngoài trời nắng vào... Không nên sử dụng điều hòa với mức nhiệt độ quá thấp, nên duy trì ở khoảng 27 độ C, tránh chênh lệch nhiệt độ quá lớn so với môi trường bên ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phòng ngừa say nắng