Phóng sinh

Truyện ngắn của SƯƠNG NGUYỆT MINH 25/02/2023 09:16

“Chim sẻ chim câu gặp nạn đây ạ. Xin chào khách lạ lần đầu, người quen từ lâu. Mở lòng thành hiếu sinh. Nuôi dưỡng lòng từ bi, cứu khổ cứu nạn, tiêu tan nghiệp báo. Vô biên công đức phóng sinh: Oán hận giải trừ, điều ác tán tiêu, sầu não bay biến. An lành quanh năm, mừng vui suốt tháng. Cõi trời tái sinh, phước hưởng muôn đời...”

Tôi gặp lại Giang trong dịp lễ vía Mẹ.

Ra Giêng, bụi mưa rắc lây phây. Những nụ mai vàng đón xuân muộn đã kịp hé nở làm cho đất trời ngoại ô bớt ẩm ướt. Sông Mang gầy tong teo, phờ phạc. Tôi không ngược sông bằng thuyền từ phía hạ lưu mà đi ô tô đến bến Than rồi đi đò ngang sang đền Thánh Mẫu. Đền Thánh Mẫu xây trên hòn núi Ngọc nhô hẳn ra sông Mang. Dựa lưng vào núi, mặt nhìn ra sông, đền đài trầm mặc, u tịch già nua hàng mấy thế kỉ.

Lễ vía Mẹ đang lúc đông người.

Cảnh vẫn xưa cũ mà người ở đâu? Thời gian trôi đi như nước chảy dưới chân núi có bao giờ ngưng? Bỗng chốc bao kỉ niệm một thời dào dạt trở về. Giang! Tôi và Giang đã từng có những ngày vạ vật kiếm sống ở bến sông, ở hòn núi Ngọc nhô ra sông Mang trong thường nhật hương khói và các dịp lễ trọng vía Mẹ.

Thuyền sắt chở khách lẫn thuyền mộc chở cua, ốc, cá, ba ba phóng sinh lũ lượt cập bến. Tất cả cũng chỉ là muôn loài chúng sinh trên trần gian bể khổ. Bể khổ ai mà chẳng luân hồi ngụp lặn. Du khách bộ hành đi bộ lẫn người bán chim trời cá nước đứng thẳng, ngồi xổm, ngồi bệt ngay các lối đi. Tôi dừng lại trước người đàn ông thọt một chân. Cảnh cũ người xưa, ông ta không nhớ tôi, nhưng tôi thì vẫn nhận ra người đàn ông từ hơn mười năm trước đã ngồi bán chim cá ở đây. Cái miệng ông ta vẫn dẻo kèo kẹo chào mời mua chim phóng sinh.

“Chim sẻ chim câu gặp nạn đây ạ. Xin chào khách lạ lần đầu, người quen từ lâu. Mở lòng thành hiếu sinh. Nuôi dưỡng lòng từ bi, cứu khổ cứu nạn, tiêu tan nghiệp báo. Vô biên công đức phóng sinh: Oán hận giải trừ, điều ác tán tiêu, sầu não bay biến. An lành quanh năm, mừng vui suốt tháng. Cõi trời tái sinh, phước hưởng muôn đời...”

Người dỏng tai nghe. Kẻ bu xung quanh những chiếc lồng nhốt chim ngó nghiêng. Có kẻ chỉ trỏ, nửa tin nửa ngờ.

Thằng bé lên mười tuổi, hai mắt cứ chăm chắm nhìn lồng chim, ngón tay sỏ vào ô mắt cáo. Mỗi lần mỏ chim sẻ mổ, nó lại rụt ngón tay, cười ré lên.

“Ông… ông. Ông toàn bán những con sẻ ri, chào mào, chích chòe lìu tìu.”

Thiếu phụ cũng hùa theo:

“Ừ nhỉ. Sao ông không bán đại bàng, phượng hoàng, hay hồng hạc phóng sinh?”

“Rìu... rìu… rà… rà… ríu ríu… rắt rắt”. “Gù… gù… gù”. Tiếng chim sẻ và tiếng chim bồ câu gù chìm vào thanh âm hỗn loạn. Những con bồ câu gầy guộc, lông khô và xơ xác. Còn chim sẻ thì con lờ đờ, con nhảy loạn xạ, có con vành mắt xước sát, chân rướm máu. Đúng là cá chậu chim lồng, chúng thật tội nghiệp và đáng thương.

“Có bao giờ ông cộng nhẩm trong đời mình đã bán bao nhiêu sinh mạng chim sẻ chim bồ câu không?”

“Ta bán cái người ta cần, khi cần thì lòng tham nổi lên, mà con người thì lòng tham vô lượng, làm sao ta cộng hết”.

“Có bao giờ ông mở lòng từ bi thương những con chim bị nhốt trong lồng tre lồng sắt đang nhảy nhót tìm cách sổ lồng bay về với bầu trời tự do?”

“Chúng sinh muôn loài đều có nghiệp báo. Cũng như người đời có kẻ bắt người thả. Chú mầy có mở lòng từ bi với những con chim bị bắt bị nhốt này thì hãy dốc hầu bao đi”.

Tôi bảo cô gái đi cùng mua hết cả dãy lồng, mua gần hai trăm con chim sẻ và bồ câu để thả chúng ra. Ông bán chim chân thọt bỗng hớn hở đồng ý, nhưng vẫn giữ lại chín con chim béo múp được nhốt riêng ở một cái lồng son. Chín con chim lông mượt mà, mỡ màng nhẩy nhót. Loại chim này có đẳng cấp khác, được nuôi dưỡng nâng niu với chế độ khác chăng?

Mua thì thả. Tôi mở cửa các lồng chim. Đàn chim ríu rít bay ra, chúng chao liệng trên bầu trời tự do mênh mông trong tiếng reo hò của du khách. Một lúc sau, chúng biến đi đâu đó gần hết, trên bầu trời cao rộng chỉ còn vài cái chấm đen mờ dần. Lòng tôi nao nao mừng vui. Coi thân mạng muôn loài như thân mạng mình. Lòng từ bi rộng mở, giúp muôn loài an lành là mở đường hạnh phúc cho chúng sinh và cho cả mình. Tôi vừa làm một việc mang hạnh phúc cho chính tôi, tôi vui, tôi thấy an lành, mà chẳng cần ai biết, ai mang đến.

*

* *

“Anh Giang!”

Tôi ngơ ngác đưa mắt nhìn người gọi tên mình giữa chốn đông người.

“Em đây nè. Anh Lam đi qua trước mặt em, mà hổng nhận ra em sao?”

“Ôi trời! Gi…ang”.

Tôi và Giang ôm chầm lấy nhau. Không còn đôi vú chũm cau, và cái mông gầy ngày xưa xa ngái. Chẳng còn mái tóc thưa xác xơ thuở nào trên cái thuyền mộc chở ốc. Giang để tóc dài, mượt mà. Vồng ngực Giang căng đầy. Vồng ngực tôi nở nang. Chạm vào nhau, chặt cứng. Vòng tay ôm nhau xiết chặt. Ấm nóng, râm ran.

Buông vòng tay ôm nhau, tôi chợt nhận ra một ông già trán rô đứng bên cạnh Giang. Ông ta ôm một con mèo già, chân trước nó bị thương đang quấn băng trắng. Con mèo già đau đớn thỉnh thoảng kêu meo… meo… Gương mặt ông ta không giấu nổi vẻ soi mói khi bắt gặp cái nhìn của tôi. Giang ghé tai ông ta, chẳng biết cô nói gì, chỉ thấy ông ta gật gật đầu rồi đi trước.

“Giang… Em Giang cũng đi lễ vía Mẹ?”

“Không! Công việc của em đây. Ê hề nè”.

Giang khoát tay chỉ cả một dãy cá chậu chim thú lồng và một vùng rừng núi, sông nước, thuyền chụm lại chở cua, ốc, lươn, trạch… tươi ngoay ngoảy. Bỗng nhiên, tôi rùng mình, ớn lạnh. Một ý nghĩ lướt rất nhanh trong đầu: Chả lẽ Giang đã làm ăn lớn, không còn đi bán lẻ từng cóng ốc phóng sinh nữa.

“Em đã nhìn thấy Lam mua rất nhiều chim, cua cá, ốc ếch, mua cả mèo nhà mèo rừng. Mua rất hào phóng”.

“Em nhìn thấy anh… phóng sinh?”

“Dạ! Em muốn nói chuyện, bàn chuyện phóng sinh với anh dài dài…”

Minh họa: Công Quốc Hà.

Lòng dạ tôi thắt lại. “… bàn chuyện phóng sinh với anh dài dài…”. Tôi thương những giống loài cá chậu chim lồng và có ý giận Giang. Lũ lượt hàng đoàn thuyền chở thủy sản, rồi ngổn ngang lồng chậu đựng chim trời cá nước thì sức tôi mua bao giờ cho hết? Vậy mà… vẫn hết. Có cầu thì ắt có cung. Cổ nghẹn cứng, muốn nói với Giang vài câu mà không nói được.

“Anh Lam có nhớ cái lần mò ốc đổ từ cái thuyền mộc của em bị lật úp không?”

Tôi nhíu mày cố tìm trong ký ức. Ký ức từ những đám mây mỏng trên dãy Trường Sơn xa mờ đang lãng đãng bay về, vụt sống dậy. Một cái thuyền chở ốc phóng sinh mỏng mảnh như lá tre vừa cập chân núi Ngọc thì du khách ập tới. Người ta nhao nhao chen nhau mua. Tôi cũng mua, nhưng là mua hộ. Một nữ du khách đeo vòng cổ vòng tay nặng trĩu, thơm tho từ đầu đến chân thuê tôi mua hết cả thuyền ốc cho cô phóng sinh. Xưa nay, cầu ít cung nhiều là khủng khoảng thừa, còn cung ít cầu nhiều thì sinh ra độc quyền, hét giá. Phóng sinh ngày lễ vía Mẹ cũng bị cuốn vào vòng quay cung cầu thời kinh tế thị trường. Chủ thuyền bán ốc là cô bé trán hơi rô bướng bỉnh, ngực nhu nhú chũm cau, tóc buộc đuôi gà vẩy lên. Đôi tay gầy xanh xao đong ốc bằng cóng cho nhiều người được duyên mua phóng sinh lấy lộc cầu may. Tôi cầm tiền rồi lao vào cuộc mua bán duyên lành phóng sinh. Tôi bỏ mẹt hàng vặt trên bến lao xuống chen dạt mọi người ra, rồi nhảy lên thuyền. Chòng chành. Thuyền chao mạnh. Chòng chành rồi… lật. Lật nghiêng, rồi lật úp. Bao nhiêu ốc phóng sinh chưa bán đổ ụp xuống dòng sông Mang đang mùa cạn hao gầy.

“Nhớ rồi! Giang khóc nhè. Anh cùng Giang lóp ngóp lặn xuống, trồi lên mò ốc để bán tiếp kẻo về ba Giang phạt…”

“Dạ. Em vẫn không thể nào quên được cái vụ đắm thuyền ốc phóng sinh. Anh Lam có tin là con người ta có nhân duyên không? Có nhân duyên thì trước sau cũng gặp lại nhau. Và hôm nay, em đã gặp Lam”.

Dòng người từ các thuyền cập chân núi vẫn tiếp tục đùn lên, đẩy du khách lên điện. Giang bồn chồn không yên với cuộc gặp đường đột với tôi. Giang đang quá bận. Giang kịp đưa tôi cái card visit in chữ xanh trên nền màu trắng ngà và hẹn gặp nhau vào một ngày gần nhất.

“Nói chuyện lâu ở lễ vía Bà không tiện. Nhà em ở cuối dòng sông này. Em đón anh ở đấy được không?”

Tôi gật đầu, nắm chặt tay Giang, bần thần và chưa hết bất ngờ.

Đột ngột quá! Giang đến rồi đi đều nhanh, nhanh và đột ngột như tia chớp đầu mùa xẹt qua cuộc đời tôi vậy.

*

* *

Sau lễ Nghinh thần là Chánh tế.

Lễ Chánh tế diễn ra ngay sau khi đón rước các vị thần và Thánh Mẫu - Nữ thần Mẹ xứ sở Ponagar hồi loan về điện. Lúc này, quanh chân núi, thuyền bè đã gần như chật sông, mà phía hạ lưu sông Mang, thuyền cứ dồn lên; còn bến Than bờ bên kia, du khách và người đi lễ vẫn tiếp tục gọi đò sang ngang. Vãn cảnh non sông cẩm tú, đền đài trầm mặc. Cầu lộc cầu tài. Mua may bán rủi… Mỗi người đến lễ hội vía Mẹ theo một cách khác nhau với niềm tin tâm linh của riêng mình.

Tôi thì lòng thành nhưng không trọn vẹn tâm chí nơi lễ vía Bà. Giang đã chen vào đầu tôi có lúc đẩy bật cả không khí lễ vía Bà ra khỏi đầu, và có lúc trước mắt tôi không còn cảnh người chen nhau đi lễ, mua chim cá phóng sinh. Tôi nghĩ đến Giang, và Giang hiện ra bằng xương bằng thịt với những lồng chim, những chậu cá, những thuyền thủy sản. Rồi những ngày xưa lam lũ lại hiện về…

Hiện về đầu tiên là hình ảnh những ngày tôi tay xách nách mang mẹt hàng, túi xách đựng đồ lặt vặt: tăm bông, kim băng, bật lửa, kẹo cao su… đến núi Ngọc leo lên đền Thánh Mẫu bán rong. Còn Giang chèo thuyền chở ốc, ếch, cua cá cập vào chân núi ngay lối lên đền bán cho du khách và người đi lễ phóng sinh. Những lúc ế khách, tôi ngồi trên tảng đá, Giang ngồi dưới thuyền ốc vóng vót đấu hót chuyện trên trời dưới bể.

“Anh Lam à. Anh có thấy kẻ đem bán, người mua thả, tất cả ai cũng vui không? Ở lễ hội vía Bà ấy”.

“Ờ. Thì người người reo vui khi mua cua cá ốc rồi thả, kẻ kẻ hân hoan lúc bắt được đem bán kiếm bộn tiền. Anh cứ thấy nó làm sao ấy”.

“Thì cứ bắt, bán, mua, thả. Rồi lặp lại cái vòng luẩn quẩn ấy không dứt”.

“Người bán, người mua đều thấy vui vẻ sung sướng theo cái cách của mình nhỉ".

“Lam ạ! Em nghĩ người ta không thể làm giàu từ cái việc bắt bán mua thả này! Bất trắc lắm. Em sẽ đổi nghề”.

“Đổi nghề gì?”

“Em chưa biết. Chỉ thấy thương ba cực nhọc lặn hụp mò ốc vớt ốc, còn em không thể chèo thuyền bán ốc cho ba mãi. Tự mình phải thả mình ra thôi. Em thấy mình cũng đã lớn rồi, Lam ạ.”

“…”

“Em cảm thấy có một điều gì đó bất trắc sắp xảy ra. Sắp xảy ra ngay ở con thuyền này, ở dòng sông dưới chân ngọn núi Ngọc này”.

*

* *

Chật vật một lúc tôi mới chen được chân vào điện Minh Kính Đài lễ Thánh Mẫu. Mồ hôi đẫm lưng áo, cả người như ướp mùi nhang thay cho hương cây lá núi Ngọc. Cô gái cùng đi cũng mồ hôi nhễ nhại, đi từ dưới lên:

“Xong hết rồi. Hôm nay, sếp phóng sinh hết phần thiên hạ”.

“Tích đức hướng thiện”, làm được việc gì có ích thì cứ làm sao phải tranh phần?”

Cô gái cười, cái răng khểnh duyên quá:

“Nhưng mà có cái nầy hay lắm. Sếp theo em xuống mà xem”.

Tôi đi theo cô xuống chân núi, luồn qua những cành cây rủ xuống con đường mòn. Càng đi tiếng chim ríu rít càng rõ. “Rìu… rìu… rà… rà… ríu ríu… rắt rắt…”. Cô gái ra hiệu tôi dừng lại và im lặng. Trời đất ơi! Là người đàn ông thọt một chân và mấy cái lồng cùng những con chim mồi. Ông ta đang điều khiển các con chim mồi kêu: “Rắt rắt… rắt rắt”… “Rìu… rìu…” để dụ chim sẻ đang bay chui vào lồng. Cách một đoạn không xa là ông già trán rô đã đi cùng Giang khi nãy.

Bên cái lồng màu xanh đựng mấy con chim mồi là một thằng bé mới lớn to lộc ngộc. Ông ta đứng ở bãi cỏ trống bên con đường mòn đang chúm miệng kêu “rắt rắt… rìu rìu…” cũng dụ đàn sẻ ri. Chấp chớp trong nắng mới những cánh chim nhỏ nhẹ chao liệng rồi chui tọt vào những cái lồng ba tầng cùng các con chim mồi đang nhảy nhót kêu ríu rắt, mời gọi.

Tôi đi thẳng đến chỗ ông già trán rô, cất tiếng hỏi:

“Ông làm cái gì kỳ vậy?”

Ông già trán rô hơi giật mình, quay lại nhìn tôi rồi hất hàm:

“Chú mầy thử nhìn xuống mặt sông Mang xem kìa”.

Ngoài thuyền xuôi ngược trên dòng sông Mang trong xanh, tôi còn nhìn thấy những con chim sẻ, con chim bồ câu như nắm giẻ lớn nhỏ trôi trên mặt nước.

“Những con chim. Chúng làm sao thế, ông?”

“Người ta phóng sinh nhưng chim bay không nổi, chim rơi xuống hoặc bay không xa, mỏi cánh buộc nó phải đáp xuống”.

“Sao thế ông?”

“Người ta cắt một ít lông cánh chim. Hai cánh mất thăng bằng. Máy bay cũng giống như con chim ấy. Chú mầy biết máy bay mất thăng bằng thì sẽ như thế nào rồi đấy?”

“Nhưng sao ông, cả ông già thọt chân nữa lại cùng nhứ con chim mồi thi nhau cất tiếng kêu rắt rắt… rìu... rìu?”

“À. Cùng một việc làm những đích đến khác nhau đấy. Chú mầy muốn biết thì cố mà ăn thêm tấn gạo nữa, đủ lớn rồi chịu khó nghĩ ngợi chuyện cho đi nhận lại và được mất ở đời nhé”.

Quá khó hiểu với những gì xảy ra trong buổi lễ vía Bà. Giang đến rồi đi mang theo vô vàn chuyện khó hiểu, tôi chỉ muốn cắt nghĩa về con người Giang. “Giang sơn khó đổi, bản tính khó dời”. Rõ ràng Giang không còn là cô bé chèo thuyền mộc đong từng cóng ốc bán cho người đi lễ phóng sinh nữa. Nhưng cô đã thành con người gì sau hơn chục năm “sông cạn đá mòn”?

*

* *

Nhà em ở nơi cuối dòng sông.

Bất ngờ. Ngạc nhiên. Và tò mò. Bất ngờ với chủ nhân và tò mò với trang trại. Trang trại mang tên… Lam Giang. Giang là sông thì đã rõ, còn Lam rất có thể là màu xanh? Dòng sông xanh, “chiết tự” thế chẳng biết có ổn không, nhưng tôi cũng có ý vơ vào mình. Tên trang trại có ẩn ý gì không, hay chỉ là chủ nhân nghĩ đến dòng sông trong xanh, ước muốn là dòng sông trong xanh?

Tôi không điện thoại báo trước cho Giang về sự có mặt của tôi nơi cuối dòng sông. Lòng nhủ lòng hãy tự tìm hiểu về Giang trước khi tôi quyết định có gặp cô hay không?

Ông già trán rô. Lại là ông già trán rô nhận ra tôi ở ngay cổng vào trang trại. Ông ta cười hiền khá thân mật, bảo:

“Cô chủ nhỏ đang bận tiếp mấy nhà sinh vật học”.

Tôi bảo:

“Không sao ạ! Là cháu tự tìm đến và cũng chưa muốn phiền cô chủ ngay”.

“Vậy thì ta muốn đưa chú mầy đi thăm trang trại”.

Tò mò quá! Tò mò càng kích thích tôi tìm hiểu, khám phá. Trại cá sấu. Trại lợn rừng. Đầm nuôi ba ba. Khu ao sen. Cánh đồng hoa. Vườn rau sạch… mênh mông và ngào ngạt hương hoa cùng không khí thanh sạch an lành. Phục và nể quá. Ông già trán rô có vẻ thân tình, cởi mở giới thiệu những cái độc đáo của trang trại mà không hề giấu giếm.

Thực ra cũng là chỉ một trang trại trồng rau, hoa, nuôi ba ba, cá sấu, lợn gà, cá tôm… chuyên cung cấp đồ ăn sạch cho lớp người giàu có nơi thành phố và cho các bếp ăn công nghiệp, chứ có gì quá đặc sắc đâu. Chẳng có gì là bất ngờ! Và cũng không đáng bỏ công khám phá, tìm hiểu quá nhiều. Người như Giang mới bé tí đã biết chở thuyền ốc đi bán từng cóng cho người đi lễ phóng sinh thì rất có thể cái trang trại đầy “hoa thơm vật lạ” này cũng sẽ là nơi cung cấp cho các lò buôn bán những con vật phóng sinh? Chả lẽ lại hỏi thẳng ông già trán rô chuyện này?

Nhưng, bất ngờ thật sự, bất ngờ của bất ngờ khi ông già trán rô ngăn lại khi tôi muốn bước vào “Khu cứu hộ động vật hoang dã”. Xa xa, tôi nhìn thấy các ô nuôi động vật hoang dã. Thấp thoáng bóng Giang và mấy nhà sinh vật học, bác sĩ thú y mặc áo blouse.

“Bọn ta không chỉ cứu hộ các động vật hoang dã, rồi trả chúng về rừng, mà còn cứu hộ cả những con vật nuôi bị làm tình làm tội”.

“Ông muốn nói đến các con vật nuôi bị tra tấn?”

“Không hẳn là như vậy. Chẳng hạn những con chim câu, chim sẻ bị bắt nhốt, bị cắt một ít lông cánh để khi bay lên mất thăng bằng mà chú mầy đã thấy trong lễ vía Bà đó”.

“Ôi trời! Chúng bay không nổi rồi họ lại dụ chúng trở lại lồng để bán tiếp?”

“Chú mầy sáng dạ lắm. Chú mầy thấy ta nhại tiếng chim rắt rắt… rìu rìu là dụ những con đang mỏi cánh, cố bay chui vào lồng, chứ không thì nó rơi xuống đất chết. Chỉ có điều bọn ta không bán tiếp như người khác, mà đem chúng về nuôi mọc đủ lông dài cánh rồi mới trả chúng về với bầu trời. Các loại mèo, khỉ… bị bẫy xước sát mặt mũi, tay chân đầy thương tích bán cho người phóng sinh, chúng lang thang không sống nổi ở rừng, bọn ta cũng thu gom về đây cứu hộ, chờ chúng khỏe mạnh mới thả về rừng”.

Trong lòng tôi vỡ òa, cảm xúc xôn xao và biết ơn nể phục dào dạt tràn về.

“Giang có nói với ta: Chú mầy là người hào phóng phóng sinh. Chỉ có điều chú mầy chưa biết đạo phóng sinh”.

“Cháu chưa biết đạo phóng sinh?”

“Ừ. Nhưng Giang thì biết. Giang ngẫu nhiên, tình cờ gặp chim cá bị nạn rồi dốc tiền mua chúng phóng sinh. Đang đi ô tô nhìn thấy mấy chú bé chăn trâu cầm xâu cá diếc, cá trê mới bắt được đứng bên đường bán, Giang bảo lái xe dừng lại mua, rồi thả. Bất chợt bắt gặp mấy ông thợ sơn tràng bẫy được mấy con chim, con sóc, đứng trên đỉnh đèo bán, Giang dừng lại mua rồi… thả. Tình cờ, ngẫu nhiên vậy thôi. Còn chú mầy cậy tiền đông đến đền, chùa chủ định mua nhiều, mua hết, thả hết sạch, càng khuyến khích người ta nô nức đánh bắt động vật mang đến nơi tâm linh bán kiếm tiền…”.

Lại vỡ òa. Đầu tôi bỗng sáng bừng lên. Tôi mua sạch, thả hết liệu có ích gì? Còn Giang phóng sinh của phóng sinh; Giang phóng sinh lại phóng sinh. Tôi bỗng nhớ đến Giang, hình ảnh Giang cứ đẹp dần lên trong mắt tôi, đẹp như thuở còn trong veo chèo thuyền đi bán ốc ngày xưa.

“Cháu thật sự muốn hỏi ông, nếu không ngại phiền: Ông có biết cơn cớ nào để Giang làm được những điều giản dị mà phúc đức này không?”

“Bắt đầu từ ba Giang. Ban ngày Giang chèo thuyền bán ốc cho người đi lễ phóng sinh. Ban đêm, ba Giang lại ngụp lặn mò ốc, vớt ốc ở chính cái nơi người ta phóng sinh để sáng hôm sau cho con bé bán. Thế rồi vào một đêm lạnh lẽo, ba Giang bị cảm dưới nước. Được cứu sống nhưng không còn làm nổi cái việc cha mò ốc ban đêm để con gái bán ốc ban ngày nữa, ông ta mới tỉnh ngộ”.

“Tội quá! Một sự trả giá quá đắt. Cháu muốn biết sức khỏe của ba Giang thế nào ạ?”

“Ta đây! Ta chính là ba của Giang đây”.

Trời đất! Bất ngờ quá! Quá bất ngờ! Tôi cảm thấy mình vẫn lơ ngơ nhỏ bé vô cùng trước Giang, cả bây giờ và cả ngày xưa.

Tháng 12 năm 2022

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phóng sinh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO