Biến chứng hậu Covid-19 đã và đang gây những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người. Đáng chú ý, không chỉ người lớn, trẻ em cũng bị mắc biến chứng hậu Covid-19. Những quan sát gần đây cho thấy, một số ít trẻ bị tình trạng hậu Covid-19 từ nhẹ đến nặng... Giới chuyên gia khuyến cáo, nếu trẻ xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào mà trước khi mắc Covid-19 trẻ không có, cha mẹ cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế để xác định bệnh…
Thông tin từ Bộ Y tế, tính từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, tỷ lệ mắc Covid-19 của trẻ dưới 18 tuổi ở nước ta là 19,2%, tương đương khoảng hơn 490.000 trẻ. Theo phân tích từ các chuyên gia, biến chứng hậu Covid-19 không chỉ diễn ra ở người lớn, mà trẻ em cũng bị mắc hậu Covid-19. Do đó, các bậc phụ huynh cần hết sức lưu tâm.
Chú ý những biểu hiện hậu Covid-19 ở trẻ em
Đáng chú ý, trong gần nửa triệu trẻ mắc Covid-19 có 4,8% trẻ từ 13-17 tuổi; 8% trẻ 6-12 tuổi; 2,8% trẻ từ 3-5 tuổi và 3,6% trẻ từ 0-2 tuổi. Hầu hết các trẻ mắc Covid-19 đều nhẹ và phục hồi nhanh hơn người lớn. Tuy nhiên, những quan sát gần đây cho thấy, một số ít trẻ vẫn bị tình trạng hậu Covid-19 từ nhẹ đến nặng, nhất là Hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C).
Vào tháng 10/2021 Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra khái niệm: “Tình trạng hậu Covid-19 xảy ra ở các cá thể có tiền sử nghi ngờ hoặc chẩn đoán xác định mắc Covid-19, thường 3 tháng kể từ khi bệnh khởi phát, với triệu chứng kéo dài ít nhất 2 tháng mà không tìm được chẩn đoán thay thế”.
Theo PGS. TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương: Với trẻ em, hậu Covid-19 là thuật ngữ để chỉ một nhóm triệu chứng tồn tại lâu dài (như mệt mỏi, rối loạn vị giác, đau đầu, ho, khó thở…) trẻ gặp phải sau mắc Covid-19 trong vòng 3 tháng và có ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày của trẻ. Các triệu chứng này có thể tồn tại từ lúc mắc bệnh ban đầu hoặc mới xuất hiện sau khi đã khỏi bệnh và không do các căn nguyên khác gây ra.
Những trẻ có tiền sử đã mắc Covid-19 hoặc tiếp xúc với người mắc, sống trong vùng dịch có những triệu chứng như: Sốt cao liên tục, rối loạn tiêu hóa, phát ban ngoài da, môi lưỡi đỏ; mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ, rối loạn vị giác, khứu giác,… có các biểu hiện rối loạn cảm xúc, kém tập trung, giảm trí nhớ, khó khăn trong học tập; ho kéo dài, đau họng, khó thở; đau khớp, đau cơ, nặng ngực, hồi hộp đánh trống ngực. Hoặc trẻ xuất hiện bất kỳ dấu hiệu/triệu chứng nào mà trước khi mắc Covid-19 trẻ không có, cha mẹ cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế để xác định bệnh cũng như có chế độ điều trị, can thiệp, và chăm sóc hợp lý. Trường hợp trẻ phải nhập viện trong đợt mắc Covid-19 cấp tính, cha mẹ nên cho trẻ đi khám lại theo lịch hẹn của cơ sở y tế (nếu có).
“Ngoài ra, dù trẻ không có các triệu chứng nghi ngờ của hậu Covid-19, cha mẹ có thể đưa trẻ tới khám bác sĩ Nhi khoa vào khoảng thời gian 4-12 tuần sau mắc Covid-19 để được kiểm tra, tư vấn về các vấn đề sức khỏe của trẻ” - ông Điển cho hay.
Chưa có báo cáo khoa học
TS Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đức Giang cho hay, Phòng khám hậu Covid-19 của Bệnh viện bắt đầu vận hành từ ngày 24/1/2022. Ngoài bệnh nhân tới khám đa phần là trung niên, cũng có một số trẻ em được cha mẹ đưa đi khám. Theo đó, ngay sau khi phòng khám vận hành đã có hai bé trai 8 và 11 tuổi ở Hà Nội được gia đình đưa đi khám hậu Covid-19 tại Bệnh viện vì ho kéo dài, viêm họng tới 2 tuần. Hai bé trai đều chưa đến tuổi tiêm vaccine phòng Covid-19.
BS Đinh Thế Tiến - Khoa Nội tổng hợp thuộc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, một trong 12 nhân viên y tế tham gia phòng khám hậu Covid-19 của Bệnh viện cho biết thêm, với trẻ nhỏ mắc Covid-19 thông thường tiến triển nhẹ, không phải thở ô xy, được điều trị tại nhà.
Theo PGS. TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, dù trẻ không có các triệu chứng nghi ngờ của hậu Covid-19, cha mẹ có thể đưa trẻ tới khám bác sĩ nhi khoa vào khoảng thời gian 4-12 tuần sau mắc Covid-19 để được kiểm tra, tư vấn về các vấn đề sức khỏe của trẻ.
Tương tự, Bệnh viện Nhi Trung ương thời gian qua cũng đã ghi nhận những trẻ em đến khám hậu Covid-19. Trong đó, đa phần là những trẻ đã khỏi bệnh nhưng tình trạng ho vẫn kéo dài dai dẳng. Điển hình, trường hợp bệnh nhi nhập viện Khoa Điều trị tích cực Nội, Bệnh viện Nhi trung ương ngày 13/2 trong tình trạng khó thở, sốt cao liên tục, sốt rét run, ho, chảy nước mũi, nôn, mắt phù nề, viêm kết mạc. Gần 2 tháng sau khi khỏi Covid-19, trẻ sốt cao trên 39 độ C kèm co giật. Qua thăm khám, trẻ được chẩn đoán mắc hội chứng viêm đa hệ thống.
Theo các chuyên gia y tế, hiện tại hậu Covid-19 vẫn là vấn đề còn mới và cần nghiên cứu thêm. Do đó, có thể còn nhiều thay đổi về các triệu chứng, cách theo dõi, phác đồ điều trị bệnh trong thời gian tới.
Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, từ khi triển khai khám, điều trị hậu Covid-19 cho trẻ, số phụ huynh đưa trẻ đi khám hậu Covid-19 khá đông. Tuy nhiên, sau khi khám ban đầu, số trẻ cần tiếp tục thăm khám, điều trị hậu Covid-19 không nhiều. Về tỷ lệ trẻ bị hậu Covid-19, BS Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TPHCM cho biết, số này không nhiều, nhưng khó thống kê và tính toán được vì phần lớn bệnh nhi được phụ huynh đưa đến khám hậu Covid-19 từng điều trị Covid-19 ở những cơ sở y tế khác.
PGS Phạm Văn Quang - Trưởng khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Nhi đồng 1, Phó trưởng bộ môn Nhi Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) cho biết, tại Việt Nam hiện chưa có báo cáo khoa học về tình trạng di chứng hậu Covid-19 ở trẻ em. Vấn đề hậu Covid-19 được ghi nhận ở các bệnh viện nhi đồng trên địa bàn TPHCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu là hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em, nhưng rất ít.
Phòng bệnh thích hợp, tiêm vaccine khi có chỉ định
Một trong những hậu quả nguy hiểm nhất của hậu Covid là hội chứng MIS-C như đã đề cập ở trên. Bệnh thường xảy ra sau mắc Covid-19 khoảng 2-6 tuần với các biểu hiện thường gặp như: Sốt cao liên tục, rối loạn tiêu hóa, phát ban ngoài da, môi lưỡi đỏ,... Bệnh thường gây tổn thương đa cơ quan như tim, mạch máu và các cơ quan khác khiến tình trạng bệnh tiến triển nhanh cần nhập viện. Biểu hiện MIS-C khá giống với với một số tình trạng bệnh lý khác như sốc nhiễm độc hay bệnh Kawasaki.
Theo PGS. TS Trần Minh Điển, Hội chứng viêm đa hệ thống sau nhiễm SARS-CoV-2 tuy hiếm gặp nhưng là tình trạng nặng và có thể nguy hiểm đến tính mạng thường xảy ra sau 2-6 tuần mắc Covid-19. Bệnh thường gây tổn thương đa cơ quan như tim, mạch máu và các cơ quan khác khiến tình trạng bệnh tiến triển nhanh cần nhập viện.
Các chuyên gia y tế lưu ý rằng, không phải tất cả các triệu chứng xuất hiện ở trẻ sau mắc Covid-19 đều là hậu Covid-19. Trước khi kết luận triệu chứng đó do hậu Covid-19, cần loại trừ các nguyên nhân khác. Ví dụ như một em bé đến khám vì ho kéo dài, sụt cân sau mắc Covid-19, trẻ hoàn toàn có thể bị bệnh viêm phổi hoặc các bệnh lý hô hấp khác.
Do chưa tìm ra được nguyên nhân rõ ràng của hậu Covid-19, nên hiện nay chưa có bất kỳ một biện pháp vật lý, thuốc hay thực phẩm nào giúp ngăn chặn việc xuất hiện hậu Covid-19. Phương pháp duy nhất giúp không xuất hiện hậu Covid-19 là dự phòng nhiễm SARS-CoV-2 cho trẻ bằng các biện pháp phòng bệnh thích hợp và tiêm vaccine phòng Covid-19 khi có chỉ định. Khi trẻ mắc Covid-19, cần theo dõi, chăm sóc trẻ theo đúng hướng dẫn của nhân viên y tế và đưa trẻ tới khám, điều trị tại các cơ sở y tế kịp thời.
Bác sĩ CKII Lê Công Tước - Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang:
Tỷ lệ trẻ mắc viêm đa hệ thống rất thấp
Tất cả trẻ em không nhất định phải tái khám hậu Covid-19 vì không phải trẻ nào cũng mắc di chứng này và không nghiêm trọng như người lớn. Hầu hết triệu chứng như ho, sốt, mệt mỏi... ở giai đoạn cấp, trẻ sẽ lướt qua dễ dàng, không để lại di chứng kéo dài khi khỏi bệnh.
Di chứng hậu Covid-19 nguy hiểm nhất ở trẻ em là hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C). MIS-C là bệnh chỉ xảy ra với trẻ em, chưa ghi nhận ở người lớn. Trẻ có thể gặp di chứng này ở giai đoạn 2-6 tuần sau khỏi Covid-19. Các triệu chứng bệnh đặc trưng bao gồm sốt cao, đau bụng, tiêu chảy, mắt đỏ, lưỡi đỏ, các ngón tay chân sưng nhẹ, nổi hồng ban, tim đập nhanh. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ có thể bị hạ huyết áp hoặc sốc, suy giảm chức năng tim, tổn thương màng tim, viêm màng ngoài tim, bất thường mạch vành, rối loạn đông máu, rối loạn tiêu hóa cấp tính, thậm chí tử vong.
Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ mắc MIS-C rất thấp, chỉ khoảng 0,1%, thường gặp ở nhóm 8-11 tuổi, trẻ thừa cân béo phì có nguy cơ bị MIS-C nặng hơn. Trong bối cảnh biến chủng Omicron đang lưu hành chủ yếu như hiện nay thì trẻ bị viêm đa hệ thống hậu Covid-19 càng ít hơn.
BS Lê Phan Kim Thoa - nguyên Phó Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM:
Lưu ý hỗ trợ tâm lý trẻ
Hội chứng hậu Covid-19 phổ biến nhất ở trẻ em đa phần cũng liên quan đến đường hô hấp, như ho nhiều, ho kéo dài, hụt hơi, khó thở. Một số trẻ bị đau ngực, nhịp tim không đều, cảm giác mệt khi gắng sức do các bệnh lý liên quan đến tim mạch, thường gặp là viêm cơ tim. Ngoài ra, trẻ cũng bị giảm sức chịu đựng về thể chất, dễ mệt hơn bình thường ngay cả khi không có bệnh lý ở tim, hô hấp; trẻ cũng giảm sự tập trung, dễ quên hơn bình thường, đau đầu.
Không ít trẻ có tâm lý mặc cảm, tự ti sau mắc Covid- 19. Một biểu hiện khác ở trẻ khiến phụ huynh lo lắng là khó tập trung, không ghi nhớ và hiểu được kiến thức giáo viên giảng dạy, chữ viết xấu... Toàn bộ biểu hiện này rất cần được theo dõi, đánh giá sớm và can thiệp kịp thời, tránh ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của trẻ.
Trẻ sau khi mắc Covid-19 có thể có tình trạng “não sương mù” làm trẻ suy nghĩ chậm, giảm trí nhớ và thiếu tập trung. Trẻ cần thời gian nhiều hơn để học và nhớ bài. Do đó, trẻ cần hỗ trợ về mặt tâm lý từ phụ huynh và thầy cô để vượt qua khó khăn trong học tập, tránh tâm trạng lo lắng bi quan. Trẻ nên tập thể dục nhẹ nhàng, tăng lên dần chứ không quá sức khiến trẻ dễ mệt và sẽ từ chối hoạt động. Từ sự hỗ trợ về tinh thần và thể chất, dần dần trẻ sẽ quay trở về nhịp sống bình thường.
Đ.Trân - A.Thái(ghi)