Đuối nước là một trong những nguyên nhân gây tử vong cho trẻ em nhiều nhất. Đây không chỉ là nỗi đau, mất mát của các gia đình có trẻ em bị tử vong, mà còn khiến toàn xã hội bức xúc, lo lắng. Nhiều năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đề ra nhiều giải pháp khắc phục, hạn chế thấp nhất tai nạn chết đuối ở trẻ em trong cộng đồng mỗi khi hè về và trước mùa lũ.
Dạy trẻ bơi để đề phòng đuối nước.
Hiểm họa
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 6.400 người bị đuối nước, trong đó có khoảng 3.500 trẻ em và trẻ vị thành niên (chiếm hơn 50%). Vùng ĐBSCL nơi có nhiều kênh rạch chằng chịt với hơn 2.300 con sông và kênh rạch là nơi tai nạn đuối nước luôn rình rập bất kể ở đâu, lúc nào đặc biệt là vào dịp hè và vào mùa nước lũ về. T
ai nạn chết đuối những năm gần đây gia tăng nhanh gây nhiều bức xúc trong cộng đồng, ảnh hưởng đến tâm lý của người dân và nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ emtrong độ tuổi từ 4 đến 6 tuổi. Chỉ một vài phút sơ hở, trẻ em bị trượt chân té xuống nước hoặc nghịch nước ngả từ trên nhà, trên thuyền, cầu tàu xuống nước... là bị chết đuối ngay.
Tại TP Cần Thơ, năm 2016 đã xảy ra 7 trường hợp chết đuối, gồm 6 trẻ em và 1 người lớn. Ông Bùi Quang Minh - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai - Tìm kiếm Cứn nạn (PCTT-TKCN) TP Cần Thơ, cho biết: Tỷ lệ trẻ tử vong do đuối nước cao có nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Nhưng trước hết là do môi trường sống của các em không an toàn. Do có nhiều sông, kênh, rạch, mặt nước đã làm tăng nguy cơ về đuối nước ở trẻ em. Ngay cả những ao, hồ công trình chứa nước ở nông thôn cũng tiềm ẩn những nguy cơ đuối nước với trẻ em. Điều kiện khách quan đã khiến trẻ em có nguy cơ đuối nước khá cao, thêm vào đó là những nguyên nhân chủ quan do thiếu trách nhiệm, thiếu ý thức, chủ quan của người lớn, gia đình trong việc quản lý, chăm sóc và giáo dục trẻ, làm cho tình trạng tử vong do đuối nước của trẻ em không ngừng gia tăng....
Theo thống kê của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, tính từ năm 2000 đến nay, TP Cần Thơ có gần 150 người chết đuối, chủ yếu là trẻ em. Đây là con số báo động mà các ngành, các cấp TP Cần Thơ quan tâm, tìm nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng này.
Giải pháp nào?
Trước thực trạng trẻ chết do đuối nước càng tăng, Bộ LĐ-TB&XH xây dựng Dự thảo Đề xuất chính sách hỗ trợ phòng chống đuối nước trẻ em. Mục đích nhằm góp phần hỗ trợ trẻ em từ 6 đến 15 tuổi được tiếp cận các dịch vụ dạy bơi, dạy kĩ năng an toàn trong môi trường nước và được cấp cứu kịp thời khi bị đuối nước. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 có trên 80% trẻ em từ 6 tuổi đến 15 tuổi được học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước. 100% các tỉnh, thành phố kiện toàn mạng lưới dịch vụ dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn cho trẻ; 100% các tỉnh, thành phố xây dựng đội ngũ nhân viên dạy bơi theo chương trình bơi an toàn; hỗ trợ trang thiết bị nổi và nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên làm việc trên các phương tiện vận chuyển khách; 100% các xã, phường trên toàn quốc thực hiện loại bỏ nguy cơ gây đuối nước trẻ em...
Với điều kiện tự nhiên có nhiều kênh rạch chằng chịt, ĐBSCL là môi trường không an toàn cho trẻ nhỏ, chỉ cần sơ suất, thiếu quản lý của người lớn sẽ dẫn đến nguy hiểm cho trẻ. Do vậy, gia đình là nơi trẻ em được bảo vệ tốt nhất. Các tổ chức chính trị xã hội và ngành giáo dục cần dạy cho trẻ kỹ năng sống, đặc biệt là biết bơi lội xem việc dạy bơi là kỹ năng bắt buộc nhằm hạn chế nạn chết đuối.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, mùa lũ năm nay ở ĐBSCL về sớm hơn so với trung bình nhiều, đồng thời mực nước sẽ lên cao vào các tháng 9, 10, 11/2017. TP Cần Thơ tập trung triển khai công tác ứng phó và kiểm tra, tái thành lập hàng chục điểm giử trẻ mùa lũ tại các quận, huyện đầu nguồn. Hiện nay, ngành giáo dục và đào tạo Cần Thơ đã tổ chức dạy bơi cho hơn 50% học sinh tiểu học và THCS biết bơi. Đồng thời, các địa phương tăng cường vận động gia đình có con nhỏ nên gửi trẻ khi không có người trông giữ.
Ông Đào Anh Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN, khẳng định: “Khi lũ về, các điểm trông giữ trẻ ở các địa phương đầu nguồn sẽ triển khai thực hiện ngay. Các địa phương cũng sẵn sàng đưa, rước con em đến trường khi nước lũ về, nhất là học sinh tiểu học, nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra...”