Thời gian vừa qua đã có nhiều vụ ngộ độc xảy ra tại cả ở nhà và các bếp ăn tập thể, trường học. Hiện đang là mùa nắng nóng - thời điểm thuận lợi cho sự phát triển của các loại vi khuẩn gây bệnh nên nguy cơ ngộ độc thức ăn càng cao. Vậy làm gì để phòng tránh ngộ độc thức ăn?
Ăn khoai tây mọc mầm rất dễ gây ngộ độc.
Mới đây, Trung tâm y tế thành phố Mỹ Tho tỉnh Tiền Giang tiếp nhận 16 ca nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm, là công nhân Công ty Choi & Shin’s Vina. Các bệnh nhân nhập viện với triệu chứng chung là nôn ói, chóng mặt, đau bụng, tiêu phân lỏng.
Theo các công nhân, sau khi ăn cơm (cá ngừ kho hành lá, thịt heo kho dưa cải, sườn chay chiên, bầu xào, canh mướp rau dền...) thì các công nhân bắt đầu bị các triệu chứng như trên. Sau bữa ăn khoảng 1 giờ đồng hồ thì họ cảm thấy mệt, đau đầu, choáng váng, nôn ói và tiêu chảy. Một số công nhân bị xỉu tại chỗ nên được đưa đi cấp cứu trước, sau đó lần lượt nhiều công nhân cũng phải tới bệnh viện cấp cứu.
Trước đó, chiều 10-3, Phòng khám Đa khoa khu vực xã Niêm Sơn, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) điều trị cho 47 học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Niêm Sơn được xác định bị ngộ độc thực phẩm. Các bệnh nhân có chung triệu chứng đau đầu, đau bụng, sốt và buồn nôn nên được đưa vào nhập viện.
Theo báo cáo trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Niêm Sơn, trong các ngày 8 và 9/3, 260 học sinh nội trú ăn cơm tại trường với các món thịt lợn, rau bắp cải, cá mắm, đậu phụ sốt cà chua, thịt gà luộc và bánh rán. Ngày 8/3, nhân viên y tế phát hiện 2 học sinh có triệu chứng ngộ độc thức ăn nên đã thăm khám, cấp phát thuốc. Ngày hôm sau, thêm 17 trường hợp có biểu hiện đau bụng, sốt và buồn nôn, được đưa vào bệnh viện cấp cứu và số học sinh bị ngộ độc thực phẩm lên tới 47 em. Sau khi được điều trị kịp thời, nhiều học sinh đã tỉnh táo, sức khỏe phục hồi nhanh.
Dấu hiệu của ngộ độc thức ăn
Dấu hiệu đầu tiên là cảm giác buồn nôn và nôn vài giờ sau khi ngộ độc. Tiếp theo là đau bụng dữ dội, thậm chí có những cơn co rút ở khu vực bụng. Trong một số trường hợp, ngộ độc thực phẩm có thể gây tiêu chảy hoặc đi ngoài phân lỏng kéo dài trên 2, 3 ngày. Bạn cũng có thể thấy có máu ở trong phân.
Cùng với tiêu chảy, người bệnh có các triệu chứng của mất nước gồm cảm thấy rất khát, yếu và khô miệng, tiểu tiện ít. Một triệu chứng phổ biến khác của ngộ độc thực phẩm là chóng mặt hoặc đầu óc quay cuồng. Triệu chứng này cũng có thể kéo dài trong vài giờ.
Trên thực tế thường gặp 3 loại nguyên nhân gây ngộ độc thức ăn: Một là ngộ độc chất histamin có ở trong thức ăn có chứa độc chất như cá ngừ, cá thu, cá nóc, con cóc hoặc do thức ăn gây dị ứng như dứa, lạc; Hai là thức ăn bị nhiễm độc, nhiễm khuẩn; Ba là ngộ độc do thức ăn bị nhiễm nấm.
Cấp cứu người bị ngộ độc
Khi có người bị ngộ độc, việc trước tiên là phải làm cho người bị ngộ độc nôn ra hết thức ăn đã ăn vào dạ dày bằng cách gây nôn, rửa dạ dày, tẩy ruột, ngăn cản sự hấp thu chất độc, phá hủy độc tính đồng thời bảo vệ niêm mạc dạ dày. Cách gây nôn thông thường là ngoáy họng.
Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo, có thể cho uống nước nước muối (2 thìa canh muối pha vào một cốc nước ấm). Hoặc cho uống dung dịch đồng sunfat (0,5g cho một cốc nước), hoặc dung dịch kẽm sunfat (2g cho một cốc nước)…Sau khi gây nôn cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị theo phác đồ của các bác sĩ.
Để phòng tránh ngộ độc thức ăn cần thực hiện các biện pháp: Thực phẩm mua về chế biến phải tươi, không dập nát hay có mùi lạ. Luôn luôn thực hiện ăn chín, uống sôi. Thức ăn nấu chín nên ăn ngay, không nên để quá lâu. Thức ăn thừa cần đun lại rồi mới cất giữ trong tủ lạnh, khi ăn lại vẫn phải đem đun sôi rồi mới ăn.