Trời lạnh, độ ẩm cao cùng những căng thẳng, áp lực, ăn uống thả ga nhưng lại quên tập luyện… khiến nguy cơ đột quỵ não có xu hướng gia tăng, đe dọa sức khỏe người bệnh trong dịp Tết.
Theo số liệu thống kê tại Việt Nam, số người đột quỵ hiện nay đã lên đến hơn 200.000 người mỗi năm. Đột quỵ não đứng hàng thứ ba về nguyên nhân gây tử vong và đứng thứ nhất về nguyên nhân gây tàn tật. Sau cơn đột quỵ, có đến 90% bệnh nhân phải gánh chịu các di chứng như liệt nửa người, liệt toàn thân, bại não… Những đối tượng cao huyết áp, tiểu đường, béo phì, hút thuốc lá, nghiện rượu, đặc biệt là người cao tuổi sẽ có nguy cơ đột quỵ rất cao. Với những đối tượng trong độ tuổi lao động, ngoài những nguy cơ trên thì áp lực công việc cũng dẫn đến đột quỵ. Bệnh đột quỵ cướp đi sinh mạng khoảng 10% đến 30% số người mắc phải.
Theo thống kê từ các bệnh viện trong những năm trước, thời điểm những ngày cận Tết Nguyên Đán, cộng thêm thời tiết lạnh sẽ làm gia tăng bệnh nhân nhập viện do đột quỵ thêm 15-30%.
Ngoài ảnh hưởng do thời tiết, theo PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, Giảng viên Đại học Y dược TPHCM, dịp Tết, thói quen sinh hoạt đảo lộn, ăn uống thả ga không chỉ khiến cơ thể phát tướng mà các “vị khách không mời” như đường, cholesterol… cũng thi nhau hỏi thăm dòng máu. Chỉ số đường huyết, mỡ máu tăng cao gây “quá tải” ở động mạch, khiến máu lên não ứ đọng, tắc nghẽn gây ra đột quỵ…
Ngoài ra, uống nhiều rượu bia trong thời tiết giá lạnh khiến chất cồn lưu lại trong máu lâu do khả năng bài tiết qua đường mồ hôi giảm khiến huyết áp tăng cao, dễ đưa tới đột quỵ não. Theo khảo sát vừa công bố trên tạp chí Stroke, chỉ cần 2 ly rượu mỗi ngày cũng đủ khiến tỷ lệ đột quỵ lên đến 34%. Bên cạnh đó, những ngày Tết là những ngày mà đồng hồ sinh học bị đảo lộn, giấc ngủ bị thay đổi… mất ngủ, thiếu ngủ dẫn tới đau đầu, mất ngủ làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Dấu hiệu cảnh báo đột quỵ, PGS Nam cho biết đôi khi các triệu chứng đột quỵ rất khó nhận biết. Bệnh nhân đột quỵ có thể bị tổn thương não nghiêm trọng nếu mọi người xung quanh không nhận biết được các triệu chứng đột quỵ.
Chính vì thế, PGS Nam khuyến cáo mọi người hãy đọc và nhớ 3 câu hỏi bệnh nhân đơn giản sau: Bảo người đó cười; Bảo người đó nói chuyện; Bảo người đó giơ hay tay lên cao qua đầu. Nếu bệnh nhân gặp khó khăn với bất kỳ yêu cầu nào trong số 3 điều đó, hãy gọi cấp cứu ngay và mô tả các triệu chứng cho người điều động cấp cứu. Khi có biểu hiện của cơn đột quỵ người bệnh cần được chuyển đến bệnh viện một cách nhanh nhất bởi thời gian vàng trong điều trị đột quỵ rất ngắn và nên nhớ càng sớm, càng tốt.
PGS.TS Nguyễn Hoài Nam cũng nhấn mạnh người dân nên lưu ý những thời điểm “đen” khiến cơn đột quỵ dễ xảy ra như rạng sáng, nửa đêm, thay đổi nhiệt độ đột ngột.
Ăn uống hợp lý, vận động thường xuyên là điều không nên lơ là trong dịp Tết. Nên ăn điều độ, ăn ít muối (không quá 5g muối/ngày), hạn chế thực phẩm nhiều chất béo, chất ngọt như bánh chưng, bánh tét, lạp xưởng, kẹo ngọt...Nên ăn nhiều rau, củ, quả...; nên tập thể dục đều (đi bộ, chạy bộ, đạp xe…) 30-60 phút mỗi ngày, 4-5 lần một tuần; cần kiểm soát chặt chẽ huyết áp, đường huyết, cân nặng. Quan trọng nhất là hạn chế bia rượu. Để phòng ngừa đột quỵ một cách tối ưu, bác sĩ khuyến cáo mọi người trong nhóm nguy cơ cần chủ động kiểm tra sức khỏe, tầm soát đột quỵ trước khi xảy ra bệnh để được bác sĩ tư vấn, can thiệp kịp thời.