Mới đây Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết đã tiếp nhận cấp cứu trường hợp tai nạn nghi điện giật khi đang tắm. Bệnh nhi được đưa đến viện trong tình trạng ngừng tuần hoàn trong thời gian dài, đồng tử giãn, tím tái toàn thân, SpO2 không thể đo, không thể bắt mạch. Các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn nhưng không hiệu quả.
Khai thác tiền sử, người nhà bệnh nhi cho biết nguyên nhân có thể trẻ bị điện giật do sử dụng bình nóng lạnh chưa tắt. Trước đó, bố mẹ đi làm, còn trẻ ở nhà một mình. Chiều cùng ngày, người thân trở về nhà và phát hiện con nằm bất động ở sàn nhà tắm, tay cầm vòi hoa sen còn mở. Lúc này, trẻ tím tái toàn thân, ngừng thở, ngừng tim, gọi hỏi không đáp ứng...
Từ sự việc đáng tiếc này, bác sĩ cảnh báo người dân nên tắt các thiết bị nóng lạnh trước khi tắm và thường xuyên kiểm tra sự an toàn của thiết bị này. Trường hợp phát hiện thiết bị rò điện, cần xử lý sớm, tránh trường hợp đáng tiếc. Với trẻ em khi tắm và sử dụng các thiết bị điện cần có người lớn ở nhà đề phòng các trường hợp nguy hiểm trẻ không thể tự xử lý. Trong trường hợp gặp nạn nhân bị điện giật, người cấp cứu phải ngay lập tức ngắt nguồn điện.
Ngoài nguy cơ đến từ điện, một trong những nguyên nhân chính có thể đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của trẻ nhỏ trong mùa đông là bỏng, đặc biệt là bỏng do nước sôi.
BS Lê Thị Trâm Anh - Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang cho biết, có nhiều tác nhân gây bỏng ở trẻ nhỏ, thường gặp nhất ở mùa đông là bỏng do nước sôi. Ngoài ra có thể là do dầu mỡ sôi, lửa hoặc điện, hóa chất. Tổn thương bỏng rất đa dạng. Bỏng ở vị trí cánh cẳng tay, đặc biệt là bàn tay, ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt và lao động. Ngoài ra các vị trí bỏng ở vùng mặt hoặc bộ phận sinh dục cũng rất nguy hiểm vì ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng sinh sản.
Một thói quen đã gây ra nhiều hậu quả đau lòng trong suốt những năm qua mỗi khi mùa đông tới, đó là thói quen đốt than, củi để sưởi ấm. Thói quen này tiềm ẩn những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Một trường hợp thực tế được ghi nhận trên địa bàn xã Quảng Nham (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa), đó là vụ ngạt khí làm 2 người chết, 2 người phải nhập viện cấp cứu do đốt than tổ ong để sưởi ấm. Theo đó, bà T.T.C. (66 tuổi, trú thôn Điền, xã Quảng Nham) đốt than tổ ong sưởi ấm để ngủ. Ngủ cùng bà C. còn có con gái là chị D.T.Ph. (40 tuổi) và các cháu Đ.D.A. (12 tuổi), Đ.V.T. (9 tuổi, đều là con chị Ph.). Sáng hôm sau, người thân không thấy bà C. cùng mẹ con chị Ph. dậy như bình thường, nên vào phòng gọi thì phát hiện bà C. cùng cháu T. đã tử vong. Riêng chị Ph. và cháu A. bị hôn mê nên được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa để cấp cứu.
Ngộ độc khí CO là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở người ngạt khói. Vào mùa lạnh, việc đốt than để sưởi ấm tăng lên, số ca nhập viện vì ngộ độc khí CO cũng tăng theo. Biểu hiện ngộ độc khí CO bao gồm: đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, thay đổi tri giác, co giật, hôn mê. Nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời, có thể dẫn đến tử vong.
Vì vậy, mùa đông, người dân không sử dụng than, củi để sưởi ấm. Đặc biệt, không dùng để xông, hơ cho mẹ và bé.
Tai nạn thương tích ở trẻ em là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong, để lại di chứng tàn tật suốt đời cho trẻ. Phần lớn các trường hợp tai nạn thương tích trẻ em xảy ra là do sự bất cẩn của người lớn. Với bản tính thường hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng, phòng tránh nên trẻ em rất dễ bị tai nạn thương tích. Nếu người lớn bất cẩn trong quá trình chăm nom trẻ thì dù ở môi trường nào trẻ vẫn có thể gặp những nguy cơ xảy ra tai nạn như: Bỏng nước sôi, nuốt phải dị vật, bị điện giật do cho tay vào ổ điện, ngã cầu thang…